Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Sang Campuchia mua… lúa

Trung Chánh

Tuy đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa của cả nước, sản lượng 25-26 triệu tấn/năm, nhưng các thương nhân người Việt Nam vẫn thường xuyên sang Campuchia mua lúa hàng hóa của nước này, mang về xay xát, tiêu thụ. Hoạt động này do tính thuận tiện trong lưu thông hàng hóa, bởi về phía Campuchia, hàng năm cũng mua lại gạo từ Việt Nam.

IMG_1493Tuy ĐBSCL có sản lượng lúa rất lớn, nhưng các thương nhân người Việt Nam vẫn thường xuyên sang Campuchia mua lúa hàng hóa của nước này.

Những năm gần đây, câu chuyện thương nhân người Việt Nam sang Campuchia mua lúa đã không còn lạ, thậm chí hoạt động này ngày càng nhộn nhịp. Ông Trần Văn Thảnh, một thương lái chuyên thu mua lúa ở huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, nói rằng khi nguồn cung lúa ở địa phương cạn dần thì ông tìm đến nguồn cung từ Campuchia.

Theo ông Thảnh, không phải vì Việt Nam thiếu lúa, sở dĩ ông mua lúa của Campuchia là do lưu thông thuận tiện. Ông Thảnh cho biết nơi ông thường xuyên thu mua lúa của Campuchia là ở cửa khẩu Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. “Tuy nói sang Campuchia mua lúa, nhưng khoảng cách từ huyện Tân Thạnh đến cửa khẩu Bình Hiệp vẫn gần hơn so với qua các địa phương khác ở ĐBSCL như tỉnh Hậu Giang, An Giang và Kiên Giang”, ông Thảnh giải thích.

Cũng theo ông Thảnh, tại cửa khẩu Bình Hiệp, hiện mỗi ngày có hàng chục thương lái Việt Nam đánh ghe sang mua lúa Campuchia mang về xay xát. “Những lúc cao điểm, mỗi ngày nơi đây có 30-40 thương lái Việt Nam sang thu mua”, ông nói.

Ngoài cửa khẩu Bình Hiệp, theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, khu vực cửa khẩu đồn biên phòng Ba Thu, xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, cửa khẩu tuyến kênh 28, xã Thạnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, các khu vực cửa khẩu tiếp giáp tỉnh An Giang với Campuchia… thường xuyên có thương nhân người Việt Nam sang Campuchia mua lúa đem về nước.

Về cách thức mua bán, ông Nguyễn Thành Hơn, một thương lái ngụ tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, người thường xuyên sang cửa khẩu Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An để thu mua lúa Campuchia, cho biết việc mua bán lúa được diễn ra dưới hai hình thức, đó là mua lúa khô từ các nhà kho ở Campuchia và mua lúa tươi tại ruộng của nông dân nước này. “Tuy nhiên, tất cả hoạt động mua bán này đều phải qua tay “cò” (đầu mối trung gian giúp thực hiện giao dịch giữa người mua và người bán)”, ông Hơn nói.

Đối với trường hợp mua lúa khô, theo ông Hơn, cò lúa giữ nhiệm vụ môi giới giữa người mua là thương lái Việt Nam và các nhà kho lớn ở phía Campuchia. “Khi thương lái người Việt mình có nhu cầu, cò lúa sẽ đưa mẫu lúa của nhà kho cho mình xem và thỏa thuận giá cả, nếu đồng ý thì xem như thoả thuận giao dịch thành công”, ông Hơn cho biết.

Theo ông Hơn, lúc này cò lúa sẽ có nhiệm vụ huy động nhân công bốc vác, phương tiện vận chuyển để giao đủ số lượng lúa theo thỏa thuận xuống tới ghe cho thương lái.

“Mức giá thỏa thuận là giá trọn gói, tức thương lái không phải chịu thêm bất cứ một khoản chi phí phát sinh nào khác”, ông Hơn cho biết và giải thích thêm: “Dĩ nhiên cò lúa sẽ không làm công không, mà họ hưởng chênh lệch giá bán giữa hai bên, có nghĩa là nếu như thương lái người Việt đồng ý mua với giá 5.200 đồng/kg, thì “cò” lúa lấy từ nhà kho với giá khoảng 5.000 đồng/kg, tức là cò đã hưởng khoảng 200 đồng/kg”.

Còn đối với trường hợp mua lúa tươi của nông dân Campuchia, theo ông Hơn, điểm khác biệt so với hình thức mua lúa khô là thương lái Việt Nam thay vì xem lúa mẫu từ cò lúa, thì sẽ cùng cò lúa ra tận ruộng xem lúa, thỏa thuận giá cả với cò và đặt cọc 1 triệu đồng cho mỗi héc ta để tạo uy tín, chờ ngày thu hoạch.

“Cò lúa mua lại của nông dân với giá bao nhiêu thì mình không biết, nhưng thường thì giá chênh lệch cũng chỉ khoảng trên dưới 200 đồng/kg”, ông Hơn nói và cho biết thêm với giá thỏa thuận như vậy thì cò lúa cũng bao trọn gói, tức lo toàn bộ chi phí vận chuyển, nhân công bốc vác cho đến khi lúa được giao xuống đến ghe.

Điểm khác biệt giữa việc qua Campuchia mua lúa so với thu mua lúa tại ĐBSCL, đó là thương lái mua lúa ở Campuchia không trực tiếp thỏa thuận giá cả với nông dân và không phải chi hoa hồng cho cò. Trong khi đó, ở ĐBSCL, “cò” lúa cũng dẫn thương lái đi xem lúa, nhưng thương lái trực tiếp thỏa thuận giá cả với nông dân và phải chi hoa hồng cho cò là 20.000 đồng/tấn lúa.

Theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, các giống lúa Campuchia thường được thương lái trong nước sang thu mua là giống IR 50404, giống nàng thơm và giống lúa sóc miên. Lúa Campuchia sau khi được thương lái đem về nước phơi sấy (đối với trường hợp mua lúa tươi) sẽ đem đi xay xát và gạo được tiêu thụ ở các khu vực chuyên kinh doanh lúa gạo ở ĐBSCL như khu vực xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; ở thành phố Sa Đéc, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và ở khu vực chuyên kinh doanh lúa gạo của quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ.

Về phía ngược lại, Campuchia vẫn đều đặn mua gạo từ Việt Nam. Theo bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp Yến Ngọc (TPHCM), hàng năm có một lượng đáng kể gạo ở ĐBSCL được doanh nghiệp trong nước bán tiểu ngạch qua thị trường Campuchia. “Campuchia bán lúa sang Việt Nam, nhưng lại nhập khẩu gạo do hoạt động xay xát của họ (Campuchia) chưa phát triển, chi phí gia công lớn. Cho nên, có không ít đơn vị ở Campuchia chọn cách mua gạo thành phẩm từ Việt Nam”, bà Yến giải thích.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Du khách đổ về bán đảo Sơn Trà ‘săn’ hoa tím...

0
(SGTT) - Những ngày cuối tháng 4, cây thàn mát mọc tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lại nở...

Nha khoa thực hiện 120.000 ca cấy ghép implant nay đã...

0
Là tập đoàn y tế với nhiều chi nhánh tại Hàn Quốc, nha khoa Plan vừa qua đã khai trương phòng khám tại TP....

Chiêm ngưỡng bảo vật hơn 300 tuổi ở làng nghề Thổ...

0
(SGTT) - Bức cửa võng đình làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) có tuổi đời hơn 300...

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Góc văn hóa Chăm tại Hội An thu hút khách quốc...

0
(SGTT) – Sau khi khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, nhiều du khách quốc tế đã ghé thăm một không gian văn hoá Chăm...

Hợp tác chiến lược ‘song kiếm hợp bích’: KDI Holdings và...

0
Ngày 22-4-2024, thành phố Nha Trang sôi động hơn bao giờ hết khi chứng kiến sự kiện ký kết hợp tác phân phối chiến...

Kết nối