Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Rau sạch, nhường sân cho người Nhật!

Ngọc Hùng

Thiếu đầu ra hoặc không thể bán giá cao hơn rau bình thường nên các công ty, cơ sở sản xuất rau sạch của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hiện có những công ty Nhật Bản đến Việt Nam trồng rau bán lại cho người Việt. Họ đang ăn nên làm ra từ những sản phẩm rau củ mà các công ty trong nước cũng đang trồng.

Có “yếu tố nước ngoài”, giá cao gấp bốn

Hiện tại tỉnh Đắk Lắk, Công ty Nico Nico Yasai trồng rau theo công nghệ Nhật Bản với phương pháp hữu cơ (không phân bón, không thuốc trừ sâu…) và Công ty An Phú Lacue ở tỉnh Lâm Đồng thì trồng rau sạch theo sự hướng dẫn của kỹ sư người Nhật. Cả hai công ty này đều quảng bá là sản phẩm của họ có thể ăn ngay tại ruộng rau.

Để tìm đầu ra, Nico Nico Yasai liên kết với hệ thống cửa hàng tiện lợi Family mart, một công ty cũng đến từ Nhật Bản. Bên cạnh đó, họ cũng giao hàng tận nhà cho khách. Với An Phú Lacue, họ bán sản phẩm tại một cửa hàng ở quận Gò Vấp, TPHCM. Kế đến, họ cũng đưa hàng vào các kênh phân phối như chợ, các siêu thị. Sau cùng, họ đầu tư hệ thống bán hàng online và giao hàng tận nhà. Những điều này khác hoàn toàn những công ty sản xuất rau VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) của Việt Nam hiện nay. Đa phần những công ty Việt Nam chọn kênh phân phối ở các siêu thị, chợ truyền thống. Song, cách làm này khiến sản phẩm VietGap thường được bày bán cùng sản phẩm khác. Trong trường hợp qua các chợ, có khi phía công ty không kiểm soát được sản phẩm rau sạch của mình vì đã có nhiều trường hợp, các tiểu thương tự động in bao bì của công ty rồi bỏ rau, củ, quả trồng theo cách bình thường bán cho khách hàng.

Chọn rau sạch tại siêu thị Co.opMart Lý thường kiệt.             Ảnh: Thành Hoa
Chọn rau sạch tại siêu thị Co.opMart Lý thường kiệt. Ảnh: Thành Hoa

Ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, giá “rau sạch Nhật Bản” (gọi chung cho các loại rau trồng theo công nghệ Nhật hoặc do người Nhật trồng) là từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng (sản phẩm nhập khẩu) cho mỗi ki lô gam. Mức giá này khá cao so với mặt bằng chung và có thể nói là cao hơn cả giá thịt gà đang bán trên thị trường. Đơn cử, giá giỏ rau củ thập cẩm (cà rốt, củ cải, cà chua…) mà Nico Nico Yasai bán online là 200.000 đồng/kg, ở chợ, mức giá này vào khoảng 50.000 đồng/kg.

Niềm tin đi trước, rau bước theo sau

Theo Cục Trồng trọt, đa phần những rau, củ hữu cơ được chào bán trên thị trường đều do các cơ sở “tự gán nhãn”, tự công bố tiêu chuẩn sản xuất chứ chưa có một cơ quan nào đứng ra chứng nhận. Dù các công ty giới thiệu là rau củ hữu cơ, tức rau được trồng không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón nhưng người tiêu dùng không thể kiểm tra được thông tin ngoài việc đặt niềm tin vào bên sản xuất.

Theo nguồn tin của Sài Gòn Tiếp Thị, hiện có một số tổ chức đang làm việc với cơ quan liên quan để thành lập liên minh sản xuất sạch, theo đó, những sản phẩm nằm trong liên minh này sẽ được truy xuất nguồn gốc sản xuất bằng một mã ký hiệu. Người tiêu dùng chỉ cần quét mã số trên sản phẩm bằng một phần mềm cài sẵn trên điện thoại là có thể biết được sản phẩm đó do ai trồng, thời gian trồng cũng như trồng bằng tiêu chuẩn gì. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của tương lai, còn hiện tại, dù sản phẩm còn ở dạng “tự công bố” song những công ty Nhật vẫn sống khỏe nhờ biết cách quảng bá và tổ chức phân phối để đưa rau họ trồng đến tay người tiêu dùng Việt Nam.

Thật ra, sự thành công trong lĩnh vực nông nghiệp của các công ty đến từ Nhật bản không phải vì họ nắm trong tay bí mật công nghệ gì “cao siêu” so với các công ty trong nước. Cứ xem những thông tin mà các công ty công bố trên trang web của họ thì họ trồng rau, củ không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu và sản phẩm luôn tươi, mới.

Một chuyên gia về nông nghiệp tại TPHCM cho rằng, những điều mà người Nhật đang làm thật ra không phải quá khó đối với các công ty trong nước. Tuy nhiên, cái làm nên thành công của các công ty Nhật Bản là họ có chiến lược bán hàng khác hẳn các công ty trong nước. Cụ thể là họ đảm bảo hàng sản xuất đến tay người tiêu dùng là hàng sạch chứ không để người tiêu dùng vừa mua vừa nghi ngại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Rau ‘dỏm’ vào siêu thị: người tiêu dùng dè chừng, doanh...

0
(SGTT) – Thời gian gần đây, người tiêu dùng tại TPHCM lo lắng bởi thông tin một số siêu thị nhập bán rau Trung...

Chỉ đạo khẩn về kiểm tra, xác minh rau củ quả...

0
Trước tình trạng hàng trôi nổi hoặc hàng từ các chợ gắn mác “VietGAP” bán tại các hệ thống phân phối lớn, Cục Quản...

Kiểm soát chất lượng rau nhập vào siêu thị: cơ quan...

0
(SGTT) - Qua vụ việc một số công ty đã đi gom rau ở chợ, dán nhãn VietGAP để bán cho các hệ thống...

Vườn rau xanh “mát” mắt của nhiều người dân TPHCM

0
(SGTT) – Chỉ cần một diện tích không quá lớn như sân thượng, ban công là đã có thể có một vườn rau xanh...

Khi nông dân trồng rau hữu cơ và người tiêu dùng...

0
Để tạo độ tin cậy cho sản phẩm hữu cơ, một số đơn vị và một số cửa hàng đã tạo không gian để...

Rau hữu cơ và rau sạch, làm sao phân biệt?

1
(SGTTO) - Trên thị trường, nhiều loại rau gắn nhãn rau sạch, rau an toàn, sau này có thêm khái niệm rau hữu cơ...

Kết nối