Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Phát triển du lịch mua sắm không khó!

Minh Duy –

Du lịch mua sắm là một trong số những sản phẩm mà TPHCM muốn phát triển để thu hút du khách đến nhiều hơn, chi tiêu cao hơn. Theo ý kiến của doanh nghiệp, không quá khó để thực hiện việc này, chỉ cần kết hợp vòng tròn dịch vụ từ lữ hành, vận chuyển, ăn uống, bán hàng… và đầu tư những tổ hợp mua sắm du lịch thực sự.

Hàng ít lại khó tìm chỗ mua

taka-1Du khách mua sắm tại trung tâm mua sắm Taka Plaza, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TPHCM.

TPHCM có hàng loạt siêu thị, trung tâm thương mại và vô số cửa hàng bên ngoài những hệ thống bán hàng hiện đại này nhưng những doanh nghiệp trong ngành du lịch vẫn đánh giá rào cản lớn nhất trong việc phát triển du lịch mua sắm của thành phố là số lượng sản phẩm ít, thiếu sự đa dạng, thiếu dịch vụ sau bán hàng và khó tìm chỗ mua.

Lý giải về nhận xét có vẻ mâu thuẫn trên, doanh nghiệp cho rằng khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế ít khi đến siêu thị để mua sắm. Những trung tâm thương mại cũng tương tự vì hàng hóa chưa đáp ứng nhu cầu. Tuy có một số người từ châu Á thích mua sắm những mặt hàng hàng hiệu, thời trang cao cấp… nhưng những trung tâm bán loại sản phẩm này tại TPHCM không thể so sánh được với các nước lân cận hay tại quê nhà của khách. Vì vậy, không dễ để thuyết phục người Nhật Bản, Singapore hay Trung Quốc mua hàng hiệu tại TPHCM.

Do đó, nếu thành phố muốn phát triển du lịch mua sắm thì phải “né” điểm yếu này và phải đánh giá kỹ hơn về nhu cầu của từng đối tượng khách hàng để đầu tư. Chẳng hạn, đặc điểm chung của du khách châu Âu, Mỹ ít mua sắm, nếu có thì chỉ mua một số hàng lưu niệm, quà tặng nhỏ. Du khách từ châu Á tuy có một phân khúc chịu chi hơn như vừa kể trên nhưng đa số thường chọn các sản phẩm từ hàng nông sản như trà, cà phê, trái cây, các đặc sản địa phương như bánh, kẹo, hàng may mặc thời trang có giá vừa phải, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm…

Hiện tại, các công ty lữ hành thường đưa khách đến vài chợ lớn như chợ Bến Thành và một số cửa hàng ở khu vực trung tâm để mua sắm. Hàng hóa ở chợ khá đa dạng nhưng người bán thường nói thách, hàng không rõ nguồn gốc còn ở các cửa hàng thì giá bán tuy được niêm yết nhưng lại thường khá đắt và chủng loại sản phẩm lại không phong phú và hạn chế chung là việc đưa khách đến rất khó khăn do nạn kẹt xe, thiếu bãi đậu xe, thiếu chỗ để khách xuống. Doanh nghiệp mới đánh giá “khó tìm chỗ mua” là vì những lý do này.

Tại hội nghị triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị về việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chỉ thị của Thành ủy TPHCM về nhiệm vụ phát triển du lịch thành phố đến năm 2020, ngày 8-3, bà Dương Thanh Thủy, chủ chuỗi cửa hàng mua sắm Miss Aodai nói cũng cho rằng những vấn đề liên quan đến giao thông khiến thời gian để cho khách du lịch mua sắm hiện cũng bị đã cắt bớt so với trước thì mới đủ thời gian tham quan hoặc ra sân bay.

Ngoài ra, nhà kinh doanh còn thiếu những dịch vụ sau bán hàng như dịch vụ gửi hàng về nước hay những quầy hoàn thuế tại các trung tâm thương mại cũng còn rất ít. Thêm vào đó, các chương trình khuyến mãi mua sắm cũng chưa tạo được ấn tượng và hấp dẫn thực sự. “Du khách hầu như không hưởng được gì từ những chương trình khuyến mãi mà cơ quan quản lý đang thực hiện. Nhà tổ chức cũng chưa tính toán được thời điểm chiến lược để tung ra các đợt khuyến mãi,” ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel nói.

Tạo không gian cho khách mua hàng

Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc tạo nên những không gian mua hàng, những trung tâm mua sắm du lịch là điều quan trọng để phát triển mua sắm. Có những nơi này, doanh nghiệp du lịch dễ dàng đưa du khách đến mà không phải lo tìm chỗ đậu xe cho khách xuống. Du khách thì tiện lợi trong việc chọn lựa sản phẩm, không phải lê la khắp thành phố để tìm hàng. Những người bán hàng, cung cấp dịch vụ du lịch cũng tiện lợi khi kết hợp thực hiện các chương trình khuyến mãi cho khách hàng tại đây. Đây là mô hình nhiều nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan đã thực hiện và trong nước cũng đã xuất hiện một số điểm có quy mô nhỏ.

Bà Thủy của Miss Aodai cho rằng, những người bán hàng như Miss Aodai cần một trung tâm mua sắm lớn kết hợp dịch vụ ăn uống để cùng kinh doanh, giảm thời gian đi lại của khách. “Thông thường, du khách hay lang thang nhìn ngắm hàng hóa trong khi chờ chuẩn bị thức ăn và rất nhiều người đã mua hàng trong khoảng thời gian này, mua không tính trước”, bà nói.

“Có một trung tâm lớn, đủ dịch vụ, sản phẩm phong phú thì thành phố có thể có thêm 500-1.000 đô la Mỹ tiền mua sắm từ một khách du lịch”, bà Thủy nói.

Trong những cuộc trao đổi trước đây với Sài Gòn Tiếp Thị về phát triển du lịch mua sắm, một số doanh nghiệp cũng có ý kiến tương tự về việc xây khu phức hợp nhưng vấn đề là không có quỹ đất để thực hiện. Để xây dựng một trung tâm lớn tại nội thành, tiện đi lại thì tiền đất quá đắt đỏ còn đi xa quá thì điều kiện giao thông không thuận lợi.

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Du Ngoạn Việt lưu ý rằng, không nên chỉ phát triển những cửa hàng, trung tâm mua sắm chung chung mà cần có thêm điểm nhấn, cần có một vài con phố hoặc đoạn đường đặc biệt, chuyên bán những mặt hàng xa xỉ để phục vụ khách hạng sang. “Tôi đã đưa các tỉ phú người nước ngoài đến thành phố. Họ hỏi về những con phố chuyên về mua sắm, chuyên bán các mặt hàng dành cho giới nhà giàu nhưng chúng ta chỉ có một số cửa hàng nằm rải rác ở vài trung tâm thương mại”, ông nói.

Bên cạnh đó, thành phố phải có các chương trình khuyến mãi mua sắm, tạo bản đồ số để du khách có thể tìm đến các điểm bán hàng một cách tiện lợi nhất và quảng bá cho mạnh mẽ cho những chương trình này. Thêm vào đó, thành phố cũng nên kết nối các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lữ hành, hàng không, mua sắm, ăn uống… để cùng thực hiện các chương trình chung, tạo nên các tour mua sắm có giá tốt để khách hàng đến, đặc biệt là trong những thời điểm đang thực hiện chương trình khuyến mãi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM: sẽ đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm metro...

0
(SGTT) - Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, để dọn mặt bằng làm tuyến metro số 2, hơn 400 cây xanh...

Chuyển một phần chi phí quản lý quỹ BHYT cho quỹ...

0
(SGTT) - Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có đề xuất giảm chi phí của hoạt động quản lý quỹ bảo...

Cận cảnh cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sắp đưa...

0
(SGTT) - Khi đi vào hoạt động, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ nối liền mạch từ Nha Trang đến TPHCM, rút...

Buýt vi vu: Tìm về 4 hội quán của người Hoa...

0
(SGTT) - Vi vu cùng tuyến buýt số 1, du khách có thể khám phá các hội quán của người Hoa ở quận 5...

Người dân đổ về trung tâm TPHCM vui chơi dịp giỗ...

0
(SGTT) - Dịp giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều người TPHCM đã tìm về các địa điểm ở trung tâm thành phố để vui chơi,...

Còn khoảng 32.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa được...

0
(SGTT) -  Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 3-2024, cả nước còn khoảng 32.000 tỉ đồng...

Kết nối