Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Nỗi lo từ thuốc diệt cỏ

Hoàng Xuân Phương

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa bắt đầu một cuộc đấu tranh với tập đoàn nông dược lớn nhất toàn cầu, Monsanto, khi phát hiện loại thuốc diệt cỏ chứa gốc glyphosate có nguy cơ gây nên ung thư.

Những kết luận

Ngày 10-3, Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới công bố kết luận trên tờ báo y khoa uy tín, The Lancet Oncology, rằng glyphosate là thành phần đang được sử dụng rộng rãi trong loại thuốc diệt cỏ do hãng Monsanto sản xuất “có thể gây ung thư cho người”.

Kết luận được đưa ra bởi một ban đánh giá tại IARC, gồm 17 thành viên thuộc 11 quốc tịch, cho biết có bằng chứng liên kết giữa việc phơi nhiễm thuốc diệt cỏ loại organophosphate này với các hội chứng ung thư. Theo IARC, Monsanto đã bán loại thuốc này dưới nhãn hiệu RoundUp và được nhiều nông gia cùng nhà vườn trên khắp thế giới đang sử dụng nó.

Các cây thực phẩm biến đổi gen đang phát triển nhanh.
Các cây thực phẩm biến đổi gen đang phát triển nhanh.

Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) Hoa Kỳ, glyphosate là một trong những loại thuốc diệt cỏ thông dụng nhất hiện nay, và điều đáng chú ý là khối lượng sử dụng hóa chất này đang tăng lên rất nhanh kể từ khi các loại ngũ cốc biến đổi gen được chấp nhận cho trồng phổ biến.

Đã từ lâu các nhóm bảo vệ môi trường và người tiêu dùng đề nghị hạn chế sử dụng glyphosate vào việc sản xuất thuốc diệt cỏ, như RoundUp, nhưng Monsanto đã quyết liệt phản đối, cho rằng các sản phẩm của họ luôn luôn an toàn nếu theo đúng hướng dẫn trên nhãn.

Công ty Nghiên cứu Quartz cho biết thị trường RoundUp và các loại thuốc bảo vệ thực vật mang gốc glyphosate của Monsanto đang tăng trưởng đến 7%, tăng thêm 1 tỉ đô la Mỹ doanh thu trong năm 2013-2014.

Monsanto cho rằng việc “AIRC xếp glyphosate vào nhóm gây ra ung thư chỉ mang tính khuyến cáo. Chúng tôi đang liên lạc với Tổ chức Y tế thế giới để biết tại sao kết luận của tổ chức này lại đi trái với các quy định hiện hành”. Phó chủ tịch các vấn đề quy định quốc tế của Monsanto, ông Phillip Miller, đặt câu hỏi “tại sao Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư lại dám đưa ra một kết luận “kinh khủng” như vậy”.

Nhưng Ken Cook, Chủ tịch Tổ chức tư vấn người tiêu dùng Environment Working Group, hoan nghênh kết luận của Tổ chức Y tế thế giới, và thúc giục Chính phủ Hoa Kỳ áp đặt một mức giới hạn cho việc sử dụng loại thuốc diệt cỏ này.

Ông Cook phát biểu “sự phổ biến các loại bắp và đậu nành biến đổi gen dẫn đến việc bùng nổ sử dụng chất glyphosate, một thành phần quan trọng trong sản phẩm RoundUp của Monsanto và Enlist Duo của Tập đoàn Hóa chất Dow. Người tiêu dùng có quyền biết về thực phẩm của họ được trồng như thế nào, và các đồng tiền họ bỏ ra để mua thực phẩm có mang lại nguy cơ ung thư cho họ không”.

Ảnh hưởng lên thực phẩm biến đổi gen

Từ lâu, thuốc diệt cỏ được biết đến là những tổ hợp hóa chất phun lên cỏ dại, thấm vào trong thân, và ngăn chặn sự hình thành các enzyme cần thiết cho sự sống của các loài thực vật. Thành phần hoạt tính phổ biến của loại sản phẩm này là glyphosate, hoặc có thêm chất 2,4D vốn là tác nhân da cam sử dụng làm thuốc khai hoang trong chiến tranh Việt Nam.

Hơn 20 năm trước khi các loài ngũ cốc biến đổi gen chưa ra đời, người ta xịt thuốc diệt trừ cỏ dại trên đồng ruộng trước khi bắt đầu mùa vụ, hiếm khi xịt chúng lên những cây trồng. Và như thế các thực phẩm chúng ta ăn không chứa những hóa chất độc hại này.

Nhưng ngược hẳn lại, đối với các loại cây trồng biến đổi gen hiện nay đã có khả năng kháng thuốc diệt cỏ thì người ta xịt loại thuốc này thẳng vào cây làm cho hóa chất độc hại thấm được vào thân. Cỏ dại mọc chung quanh bị chết trong khi loài cây thực phẩm vẫn sống mạnh vì bộ gen đã được thiết kế để chống lại thuốc diệt cỏ.

Trong bài ‘The Coming Food Disaster’, tiến sĩ David Schubert, một nhà nghiên cứu y khoa nổi tiếng, cho rằng Cơ quan Bảo vệ môi trường đang nâng dần mức cho phép sử dụng loại hóa chất độc hại này nhằm đáp ứng với thực tế là các loài cỏ dại đang dần thích nghi với những hóa chất tiêu diệt chúng. Hậu quả là hàm lượng các chất diệt cỏ đang tăng lên rất nhanh trong các loại thực phẩm biến đổi gen.

Một điểm quan trọng không kém là hiện nay thuốc diệt cỏ cũng được dùng để cắt ngắn mùa vụ đối với nhiều loại cây trồng không biến đổi gen. Vì vậy nhiều thực phẩm ghi nhãn không biến đổi gen – GM-free – cũng chứa lượng thuốc diệt cỏ cao không kém.

Kể từ khi chất 2,4D được đưa vào sử dụng cách nay hơn 50 năm, các nghiên cứu đã cho thấy việc phơi nhiễm liên tục với hóa chất này làm gia tăng nguy cơ các bệnh Parkinson, ung thư, và các khuyết tật bẩm sinh. Nhưng bất chấp những khuyến cáo này, EPA vẫn cho sử dụng 2,4D và glyphosate trên các dòng ngũ cốc biến đổi gen, trên bắp và đậu nành. Điều này có khả năng dẫn đến một thảm họa thực phẩm trên quy mô toàn cầu.

Để minh chứng cho nguy cơ thảm họa đó, tiến sĩ David Schubert đưa ra bốn dẫn chứng:

Thứ nhất, độc chất 2,4D và glyphosate cùng các chất hoạt động bề mặt đã đi vào trong thân, đến hạt ngũ cốc, và không thể nào rửa sạch bằng nước. Nhiều lô hàng đậu nành từ Mỹ xuất khẩu sang các nước châu Á có hàm lượng glyphosate cao gấp 50 lần so với tiêu chuẩn cho phép của châu Âu.

Thứ hai, rõ ràng 2,4D đã là chất độc, và thử nghiệm an toàn đối với glyphosate cũng chứng minh nó có khả năng tàn phá nội tạng, tạo nên những tổn thương trong gan và trong thận.

Thứ ba, glyphosate và 2,4D đang tích tụ vào môi trường, trong thực phẩm và trong nước uống làm cho cỏ dại có khả năng kháng thuốc cao hơn, lượng thuốc phải dùng nhiều hơn. Và nay, người ta đã tìm thấy glyphosate trong máu, trong nước tiểu, và xuất hiện cả trong tổ hợp thức ăn trẻ em.

Cuối cùng, cho dù Chính phủ Hoa Kỳ có ban hành những quy định hạn chế sử dụng chất diệt cỏ độc hại này ở trong nước, họ cũng không thể kiểm soát việc chúng bị lạm dụng ở nước ngoài nơi các tập đoàn hóa chất và nông dược liên kết với các công ty bảo vệ thực vật địa phương. Tình trạng này thể hiện rõ tại Trung và Nam Mỹ nơi số người bị khuyết tật bẩm sinh, ung thư và nhiễm độc thận đang tăng lên vùn vụt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Những điều cần lưu ý để đảm bảo sức khoẻ khi...

0
Theo các bác sĩ, những vận động viên nghiệp dư khi tham gia giải chạy đường dài sẽ dễ gặp nguy hiểm nếu không...

Năm 2023, nửa triệu người phải tiêm vaccine phòng dại, chi...

0
(SGTT) - Thời gian gần đây, số người tử vong do bệnh dại liên tục tăng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước...

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẵn sàng thông xe...

0
(SGTT) - Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài gần 79km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận đã...

Nhà hàng, quán ăn tự tin sẽ ‘hốt bạc’ dịp 30-4...

0
(SGTT) - Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài 5 ngày là cơ hội “hốt bạc” cho các chuỗi kinh doanh...

Đầu tư để xử lý nước ở ĐBSCL cần gấp hơn

0
(SGTT) - Mỗi khi mùa hạn mặn bắt đầu xuất hiện, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào quá trình chuyển đổi quản...

Show giải trí truyền hình tăng nhiệt nhờ nền tảng số

0
(SGTT) - Nhờ hoạt động truyền thông, quảng bá trên các nền tảng số, giờ đây các chương trình truyền hình giải trí, gameshow...

Kết nối