Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024

Những ngày phải đếm

Trung Chánh –

Tết là khoảng thời gian người dân Việt Nam chờ đợi nhất trong năm, bởi đây là lúc mọi người được nghỉ ngơi, không phải lo quá nhiều về cuộc sống mưu sinh sau một năm lao động. Tết còn là dịp để cha mẹ gặp lại con cái làm ăn xa trở về nhà, vợ chồng sum vầy hay đơn giản là bạn bè gặp lại nhau.

Về nhà thôi!

IMG-1467-1Ước muốn lớn nhất của người xa quê là được trở về quê ăn tết cùng gia đình. Trong ảnh là một cô công nhân đón xe về quê ăn tết.

Với những gia đình khá giả, những ngày cuối năm cũng là lúc họ đưa nhau đi mua sắm tết, chuẩn bị trong nhà để chào đón một năm mới lại đến. Thế nhưng, với anh, chị em công nhân làm ăn xa quê, hiện vẫn là thời điểm họ miệt mài với công việc, để có thêm chút đỉnh tiền về quê sum họp với gia đình. Anh Phạm Văn Thiệu (quê ở Tiền Giang), công nhân làm việc cho một công ty trồng và khai thác cao su ở tỉnh Bình Phước cho biết, năm nay đã là mùa xuân thứ ba anh phải đón tết xa nhà. “Bình thường thì thôi, chứ mỗi khi tết đến, ai cũng nôn nao, ai không mong muốn về thăm gia đình bởi đó cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm của người con xa quê”, anh tâm sự.

Thế nhưng, theo anh Thiệu, do cuộc sống, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cho nên, đành phải chấp nhận đón tết xa quê để có thêm tiền gửi về quê lo cho gia đình. “Cuộc sống có trăm thứ phải lo chứ đâu phải chỉ miếng ăn không đâu. Vì vậy, mà đành lỗi hẹn về quê đôi ba lần rồi”, anh tâm sự. Tết này, anh sẽ về quê sum họp cùng gia đình, một phần do điều kiện cũng có khá hơn trước, một phần do nỗi nhớ người thân, cùng cảm giác có lỗi với hai đấng sinh thành đã thôi thúc anh trở về, không thể chần chừ được nữa. “Cha mẹ không nói, nhưng tôi biết họ luôn mong tôi về. Càng gần tết, xem mấy mẩu quảng cáo trên ti vi nói về gia đình sum họp, cứ thấy mắt mình cay cay”, anh Thiệu chia sẻ.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Xuyến, một công nhân làm việc tại khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (tỉnh Bình Dương), quê tỉnh Hậu Giang, cho biết mỗi năm vào dịp tết, chị đều về nhà thăm gia đình, chúc tết ông bà, anh chị em và bạn bè… Thế nhưng, với chị cảm xúc khi càng gần đến ngày được về nhà, năm nào cũng vậy, nó chộn rộn, nôn nao khó tả mà chỉ những người xa quê như chị mới có thể cảm nhận được hết. “Ngoài dành dụm một số tiền nho nhỏ cho cha mẹ mua sắm tết, năm nay em cũng sẽ mua cho moi người trong gia đình một, hai bộ áo mới để đón xuân”, chị tâm sự.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Ngân, công nhân khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), quê tỉnh Sóc Trăng, suy nghĩ một năm bôn ba nơi xứ người, làm lụng vất vả cũng với hy vọng có được cuộc sống ấm no hơn cho người thân trong gia đình, cho nên, tết là phải đoàn viên, phải về nhà. “Trước tiên là mình mừng tuổi ông bà, thăm viếng người sống, cúng lại người đã mất, đó là truyền thống của người Việt mình nên em phải về nhà thôi”, chị Ngân tâm sự.

Không mong vàng bạc, chỉ mong con

Trong khi đó, với những bậc làm cha mẹ ở quê, điều mong muốn lớn nhất với họ không gì hơn là các con đi làm ăn xa được về đoàn tụ gia đình, để thỏa những nhớ mong sau bao ngày xa cách. Chia sẻ về niềm mong ước của mình trong những ngày giáp năm, bà Nguyễn Thị Lành, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, gia đình bà có ba người con, trong đó, có hai người làm ăn ở Bình Dương và Đồng Nai, còn vợ chồng bà ở quê lo ruộng vườn cùng đứa con út và niềm mong ước lớn nhất với bà đó là cả nhà được cùng nhau ăn bữa cơm ngày tết. “Nhưng, năm nay chỉ mỗi thằng ba về quê còn thằng hai không về, nó vẫn ở lại làm thêm. Nghe đâu làm một ngày, người ta trả công gấp 2-3 lần ngày bình thường nên nó nói cố gắng làm. Buồn thì cũng buồn, nhưng biết làm sao khi gia đình còn khó khăn”, bà tâm sự.

Trong khi đó, bà Trần Thị Mười, quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ) thì nói rằng càng đến tết bà càng nôn nao hơn, bởi năm nay là cái tết đầu tiên sau hai năm, hai đứa con đi làm ăn xa của của bà cùng trở về với gia đình. “Nói thật chứ có cho tôi bạc hay vàng thì tôi cũng không vui bằng khi nghe tin hai đứa con cùng về quê ăn tết đâu”, bà nói.

Theo bà Mười, năm nay tuy điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng bà cũng cố gắng chuẩn bị cái tết tươm tất hơn chờ đón hai con về. “Tết này cô sẽ kho một nồi thịt kho hột vịt, hầm thêm nồi khổ qua và làm thêm mấy đòn bánh tét để các con về ăn và sau đó còn mang theo nữa”, bà cho biết.

Còn ông Nguyễn Văn Tính, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), ông cho biết sau khi đứa con đi làm xa về nhà ăn tết, ông sẽ dẫn con cùng đi tảo mộ ông bà, đi thăm bà con nội ngoại hai bên. Với ông, làm như vậy cũng là cách để răn dạy con nhớ đến người đã mất, giữ phong tục tập quán tốt đẹp trong ngày tết cổ truyền của ông cha.

Bài trước
Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chuyển một phần chi phí quản lý quỹ BHYT cho quỹ...

0
(SGTT) - Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có đề xuất giảm chi phí của hoạt động quản lý quỹ bảo...

Cận cảnh cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sắp đưa...

0
(SGTT) - Khi đi vào hoạt động, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ nối liền mạch từ Nha Trang đến TPHCM, rút...

Buýt vi vu: Tìm về 4 hội quán của người Hoa...

0
(SGTT) - Vi vu cùng tuyến buýt số 1, du khách có thể khám phá các hội quán của người Hoa ở quận 5...

Người dân đổ về trung tâm TPHCM vui chơi dịp giỗ...

0
(SGTT) - Dịp giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều người TPHCM đã tìm về các địa điểm ở trung tâm thành phố để vui chơi,...

Còn khoảng 32.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa được...

0
(SGTT) -  Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 3-2024, cả nước còn khoảng 32.000 tỉ đồng...

Đang lắp đặt trạm dừng chân tạm trên tuyến cao tốc...

0
(SGTT) - Theo ghi nhận Kinh tế Sài Gòn Online, trên tuyến cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang đang có nhiều điểm thi...

Kết nối