Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Những cánh thiệp nằm yên trên kệ

Trần Trân –  

Ngay từ đầu tháng 11 đã thấy chị hàng xóm bày một cái kệ, chưng thiệp Giáng sinh. Chị bảo: “Thiệp cũ từ hồi nẳm, nguyên một thùng trên gác, giờ dọn phát hiện ra, thôi cứ bày ra bán chơi, được chăng hay chớ”.

thiep_1Cô gái trẻ lựa thiệp tại đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TPHCM.

Tháng 12, lại thấy chị bày ra thiệp năm mới, những tấm thiệp xưa, nhũ vàng giấy đỏ, áo dài trắng cành mai, rồi lư đồng, bánh chưng bánh tét…

Nhưng hôm rồi thấy chúng biến đi đâu mất. Hỏi thăm, chị thở ra cái dài: “Hổng ai mua hết em ơi. Rồi người đi qua đi lại than vướng, trật tự vỉa hè cũng nhắc. Chị gom hết cho tụi nhỏ để gửi tết xuân biển đảo rồi, ít ra thì cũng góp được chút lòng”.

Lại nhớ đến một ông già người nước ngoài làm nghề kể chuyện cổ tích cho trẻ con trên đài phát thanh đồng quê, sống ở một vùng ven biển nước Pháp. Khi điện thoại mừng tuổi ông (đã hơn 60), ông chỉ nói: “Ngày tết, hay đi chơi đâu đó. Món quà các em dành cho chúng tôi là một bưu ảnh phong cảnh, hay một tấm thiệp chúc mừng là quý rồi”.

Rồi ông nói vui: “Bưu chính cũng như ngành công nghiệp sản xuất thiệp mừng đang phải cố sống để tồn tại trong thời đại kỹ thuật số. Những người già như tôi chỉ muốn giúp họ sống dai hơn một chút. Cũng như làm giàu thêm cho bộ sưu tập bưu ảnh và tem cá nhân”.

Nhưng trong sâu xa đó, ông bạn già của chúng tôi còn muốn “cầm cự” với giới trẻ việc lưu giữ văn hóa truyền thống: “Chúc mừng nhau bằng những tấm thiệp gửi qua đường bưu điện. Cũng như những dòng chữ nắn nót viết tay của người gửi”.

Còn nhớ thời hoàng kim chưa xa của những năm 1980. Quanh nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Tân Định, khu phố Hải Thượng Lãn Ông ở Sài Gòn, các nhà sách lớn nhỏ cuối năm có lắm chủng loại thiệp bày bán. Mùa thiệp rộn ràng nhất là vào Giáng sinh và Tết Nguyên đán.

Nhưng rồi điện thoại di động, Internet và mạng xã hội phát triển, việc gửi lời chúc qua thư điện tử, qua tin nhắn SMS, qua Facebook bỗng trở thành một phương tiện giao tiếp được yêu thích và tiện lợi khi mà sau những con chữ, người ta còn có thể chèn hình, đoạn video ngắn, bài hát yêu thích… Rồi thật nhẹ như một cơn gió, điện thoại đi động và Facebook đã xóa đi một thói quen chọn mua và gửi thiệp chúc cho một ai đó, nhân một ngày lễ nào đó. Thiệp giấy dần dần biến mất.

“Vài năm nay, người đi mua thiệp rất ít. Chỉ còn người già và một số ít học sinh. Người già chuộng loại hoài cổ với những khung hình xưa, còn học sinh chỉ mua chúc thầy cô. Khách mua nhiều nhất lại là người nước ngoài. Có lẽ, trong không khí xuân về tết đến rộn rã của người Việt, họ cũng cảm thấy phấn khích nên mua thiệp để gửi đến người thân, gia đình, bạn bè ở nước ngoài”, một bạn trẻ bán thiệp giấy xếp, giấy cắt trên một phố chợ đêm cho biết.

Chủ cửa hàng bán văn phòng phẩm trên đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5 than vãn: “Thiệp có nhạc, thiệp 3D, thiệp lụa, ngay cả thiệp làm thủ công cũng đều bán chậm. Vì thế chúng tôi không bày hàng ra, ai hỏi thì mời vào trong, có thiệp trên các khay, đủ mẫu để chọn lựa. Vài năm nay không chỉ có thiệp, mà giấy, vật trang trí làm thiệp cũng bán ế ẩm. Càng ngày mọi người càng chuộng tin nhắn. Tết lễ là hộp thư đầy nhóc tin nhắn”.

Các bạn trẻ thì cho biết họ hiếm khi chọn cách gửi thiệp giấy vì không kinh tế. Có rất nhiều cách gửi lời chúc, chia sẻ niềm vui với người thân, bạn bè qua tin nhắn điện thoại, Facebook… rất nhanh và tiện lợi. Trên mạng lại còn có rất nhiều phần mềm hữu dụng để thiết kế không chỉ một tấm thiệp, mà còn có thể làm nhiều điều thú vị khác cho người thân. Người trung niên thì lại thấy cuộc sống bây giờ bắt người ta phải quay nhanh theo guồng của nó, nên càng ít có thời gian cho con người ta nhàn nhã đi mua thiệp, ngồi viết thiệp rồi đi gửi.

Vậy là chỉ còn những người già. Mà người già thì sức khỏe đâu mà tự đi chọn thiệp, chờ cháu con thì phải xem tụi nhỏ có rảnh không. Nên có gì mở cái máy vi tính của gia đình lên, gọi điện thoại qua Viber, Skype, Facebook.

Vậy là những cánh thiệp của chị hàng xóm của tôi không còn có chỗ để bày bán nữa rồi!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang có 5 trạm dừng...

0
(SGTT) - Gần 400km cao tốc từ TPHCM đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã được bố trí 5 trạm dừng nghỉ tạm. Các...

Du khách đổ về bán đảo Sơn Trà ‘săn’ hoa tím...

0
(SGTT) - Những ngày cuối tháng 4, cây thàn mát mọc tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lại nở...

Nha khoa thực hiện 120.000 ca cấy ghép implant nay đã...

0
Là tập đoàn y tế với nhiều chi nhánh tại Hàn Quốc, nha khoa Plan vừa qua đã khai trương phòng khám tại TP....

Chiêm ngưỡng bảo vật hơn 300 tuổi ở làng nghề Thổ...

0
(SGTT) - Bức cửa võng đình làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) có tuổi đời hơn 300...

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Góc văn hóa Chăm tại Hội An thu hút khách quốc...

0
(SGTT) – Sau khi khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, nhiều du khách quốc tế đã ghé thăm một không gian văn hoá Chăm...

Kết nối