Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Như vết dầu loang

Vũ Yến

Mười hai năm hình thành và phát triển, chương trình bình ổn thị trường đang dần mở rộng quy mô như vết dầu loang trên mặt nước, với số lượng doanh nghiệp tham gia và sự hưởng ứng của người tiêu dùng ngày càng tăng lên.

Người mua quan tâm

Ngày nào cũng vậy, cứ tầm 4 giờ chiều là cửa hàng thực phẩm tiện lợi Vissan trên đường Phan Chu Trinh, quận 1, TPHCM trở nên nhộn nhịp hơn với lượng khách mua sắm. Tại khu vực hàng bình ổn thị trường, chị Mai Hương, nhà ở đường Lê Thị Riêng, cho biết chị thường ghé cửa hàng để mua gạo, dầu ăn và đường. Có hôm, chị ghé vào đây mua cặp sách, tập vở và quần áo cho đứa con trai 7 tuổi. “Kinh tế khó khăn, thu nhập không tăng nhưng nhiều mặt hàng tăng giá. Vì vậy, tôi phải tính toán chi li từng chút một, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó”, chị Hương giải thích lý do tìm đến khu vực bán hàng bình ổn giá này.

Chương trình bình ổn thị trường đã góp phần giúp người có thu nhập thấp, người nghèo tiết kiệm được nhiều khoản chi tiêu.
Chương trình bình ổn thị trường đã góp phần giúp người có thu nhập thấp, người nghèo tiết kiệm được nhiều khoản chi tiêu.

[box type=”bio”] “Mục tiêu của chương trình là tạo điều kiện đưa nguồn hàng bình ổn giá đến tay người tiêu dùng. Cho đến nay, có thể nói mục tiêu đó đã hoàn thành, không những thể hiện bằng con số mà bằng niềm tin của người tiêu dùng. Trong nhiều năm qua, chương trình đã góp phần ổn định giá cả thị trường, cân đối cung cầu hàng hóa trên toàn thành phố”.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM[/box]

Ghé vào siêu thị Co.opMart Bình Triệu (quốc lộ 13, quận Thủ Đức) gặp chị Nguyễn Trang, nhà ở đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, đang đứng tại quầy bán hàng bình ổn đọc thông tin trên nhãn mác các loại thực phẩm tiêu dùng thiết yếu như trứng gà, trứng vịt, mì gói… Chị Trang cho biết chị thường chọn mua các sản phẩm tiêu dùng nằm trong chương trình bình ổn thị trường, một phần là vì chất lượng và giá cả thấp hơn khoảng 5-10% so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường. “Hàng bình ổn đã chia sẻ phần nào gánh nặng chi tiêu trong gia đình tôi. Do vậy, mỗi lần vào siêu thị, tôi luôn tìm tới khu vực bán hàng bình ổn”, chị Trang cho biết.

Tương tự, tại điểm bán hàng bình ổn gần khu công nghiệp Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), cô công nhân tên Ly Đa cho biết, cô thường mua mì gói và dầu ăn tại cửa hàng này vì giá thấp hơn khoảng 300-5.000 đồng/sản phẩm so với ở tiệm tạp hóa. “Đi mua hàng thấy biểu tượng của chương trình là tôi yên tâm, tin tưởng, vì biết rằng với mỗi sản phẩm mình sẽ tiết kiệm được chút đỉnh”, cô cho biết. Cô công nhân này cho biết thêm, với tổng thu nhập của cả hai vợ chồng khoảng 6 triệu đồng/tháng, phải lo chi phí thuê nhà và nuôi con nhỏ nên thường thiếu trước, hụt sau. Do vậy, với cô, tiết kiệm là ưu tiên hàng đầu trong mọi chi tiêu.

[box type=”bio”] 2014 là năm thứ hai thành phố thực hiện chương trình bình ổn thị trường theo hướng mở rộng quy mô, xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước. Tổng nguồn vốn đăng ký hỗ trợ doanh nghiệp vay thực hiện bình ổn của tám tổ chức tín dụng là 8.300 tỉ đồng, tăng gấp ba lần so năm 2013.

Tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp sản xuất, dự trữ cung ứng cho hai tháng trước và sau Tết Ất Mùi 2015 khoảng 15.850 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2014. Trong đó tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường khoảng 8.300 tỉ đồng, tăng khoảng 69% so với dịp tết năm ngoái.[/box]

Doanh nghiệp hưởng ứng

Chương trình bình ổn thị trường được khởi động từ năm 2002, với hai doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn và Công ty Lương thực thành phố. Số lượng doanh nghiệp tham gia tăng dần qua các năm. Đến nay, con số này đã lên đến 76 doanh nghiệp với khoảng 9.000 điểm bán hàng. Các doanh nghiệp tham gia đến từ các ngành nghề sản xuất kinh doanh khác nhau, trong số đó có tám tổ chức tín dụng.

Ông Phan Văn Thuận, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang, nhận xét bình ổn thị trường là một chương trình có tính nhân văn cao, hướng đến người có thu nhập thấp, người nghèo. Đồng thời, chương trình có ý nghĩa đối với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, mặt khác góp phần ngăn chặn tình trạng đầu cơ tích trữ, khuynh đảo thị trường các mặt hàng thiết yếu.

Ông Thuận nhận định, việc tham gia chương trình như một bảo chứng về tính trung thực của doanh nghiệp, bởi những đơn vị tham gia đều được chọn lọc về chất lượng sản phẩm, về uy tín thương hiệu. Khi tham gia, doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông, được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, và quan trọng hơn là người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý.

Ông kể trong chuyến đi nghiên cứu, phát triển thị trường ở các quận, huyện khu vực ngoại thành và một số tỉnh thành khác thời gian gần đây, ông nghe nhiều người tiêu dùng nói họ an tâm khi nhìn thấy logo của chương trình bình ổn gắn trên mỗi sản phẩm. “Đó thực sự là điều ý nghĩa với sản phẩm truyền thống của chúng tôi, và càng có ý nghĩa hơn trong một thị trường nhiễu thông tin và quảng cáo tràn lan, trong khi chất lượng sản phẩm lại bị thả nổi”, ông Thuận cho biết.

Cùng nhận định, ông Nguyễn Phúc Khoa, Giám đốc kinh doanh của Tổng công ty Thương mại Saigon (Satra), cho rằng chương trình bình ổn thị trường giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định giá những mặt hàng thiết yếu, đặc biệt vào những dịp Tết Nguyên đán. Chương trình đem đến cho người tiêu dùng thành phố, nhất là những công nhân, người lao động nghèo, người có thu nhập thấp những sản phẩm chất lượng với giá cả phù hợp. Theo ông, chương trình không những góp phần chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, mà còn thúc đẩy hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc chuỗi siêu thị Co.opMart, cũng cho rằng đây là chương trình thiết thực, góp phần quan trọng kích thích tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội. Chương trình có tác dụng thực tiễn trong trường hợp thị trường có biến động về nguồn hàng, chênh lệch cung cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến bữa ăn hàng ngày của người dân. Thông qua chương trình, người tiêu dùng luôn được mua các sản phẩm thiết yếu với giá thấp hơn thị trường khoảng 5-10%, thậm chí 15%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Siêu thị cam kết giữ giá, khuyến mãi hàng hóa để...

0
Dù giá cả đầu vào vẫn đang tăng nhưng nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường của TPHCM đã cam...

Nhiều tỉnh thành lên phương án bình ổn thị trường hàng...

0
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường đối với các mặt hàng thiết...

TPHCM: từ tháng 4-2022, nhiều khả năng thịt và trứng gia...

0
(SGTT) - Các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đang đối mặt với nhiều khó khăn, vừa phòng chống dịch, chi phí nguyên vật...
mua sắm tết

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Nhìn từ góc độ...

0
Đã đến lúc cần nhìn nhận thực chất hơn quy định liên quan đến “trách nhiệm sản phẩm”, vốn là gốc rễ của quan...

Chương trình khuyến mãi tập trung năm 2021 chính thức khởi...

0
(SGTT) - Ngày 15-11, chương trình khuyến mại tập trung 2021 với tên gọi “Shopping Season 2021” chính thức được khởi động với chủ...

Phải đảm bảo đủ thịt heo trong dịp Tết Nguyên đán

0
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký và ban hành Chỉ thị số 15/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp...

Kết nối