Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024

Nhà nhập khẩu xe hồi hộp

NAM HƯNG –

Tuần rồi, đại diện các nhà nhập khẩu ô tô tại Việt Nam (VIVA) đã họp báo công bố về việc tổ chức triển lãm ô tô vào tháng 10-2016. Tuy nhiên, tại buổi họp báo này, vấn đề chính được các đại diện công ty xe nhập khẩu trao đổi với báo giới lại đa phần liên quan đến chính sách thuế và việc kinh doanh của họ.

Chờ đợi và kiến nghị

9Hiện rất nhiều thương hiệu xe nhập khẩu đắt tiền đã có mặt tại Việt Nam và các doanh nghiệp này cũng đã tổ chức triển lãm ô tô cho riêng mình.

Khi dư âm của những cuộc triển lãm ô tô lớn tại Việt Nam trong năm nay (tháng 10 và đầu tháng 11) còn chưa kết thúc thì VIVA công bố triển lãm ô tô quốc tế (VIMS) sẽ tiếp tục diễn ra lần thứ hai vào năm 2016 tại TPHCM thay vì Hà Nội như VIMS hồi tháng 10-2015. Có tám doanh nghiệp đại diện cho các thương hiệu xe tại thị trường Việt Nam gồm Audi, BMW, Jaguar, Land Rover, MINI, Porsche, Renault, Rolls-Royce, Subaru và Volkswagen. Họ tổ chức họp báo để công bố sự kiện này, nhưng triển lãm là chuyện tương lai, chuyện trước mắt là những doanh nghiệp thuộc VIVA muốn nhân dịp này để đưa ra ý kiến của họ về các vấn đề liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thời điểm áp thuế tiêu thụ đặc biệt theo Nghị định 108/2015/NĐ-CP là từ ngày 1-1-2016 nhưng hiện Quốc hội lại đang thảo luận về dự thảo cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Các hãng xe cho rằng những thay đổi quá nhanh chóng này khiến doanh nghiệp không kịp chuẩn bị vì thời điểm áp dụng cách tính thuế mới chỉ còn hơn một tháng. Trong khoảng thời gian từ đây đến đầu năm 2016 cũng là lúc các hãng xe đẩy mạnh bán hàng theo nhu cầu thị trường cuối năm vốn dĩ đã hình thành nhiều năm qua.

Theo Nghị định 108 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặc hàng xe ô tô nhập khẩu có thay đổi tăng lên đối với nhiều dòng xe nhập khẩu. Thời điểm tính thuế là ngày 1-1-2016 và áp dụng cho xe tại thời điểm bán chứ không tính thời điểm nhập xe. Các nhà nhập khẩu trong nước vì thế đang tính toán giá bán cho khách hàng khi rất nhiều các dòng xe được chào bán trong vài tháng vừa qua đang được chờ giao vẫn còn áp dụng giá với mức tính thuế cũ.

Ông Laurent Genet, Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Á Châu (Audi Việt Nam), cho rằng việc áp dụng chính sách thuế mới ngay từ đầu năm tới khiến các hãng “trở tay” không kịp vì thời điểm ban hành nghị định là tháng 10-2015. Không chỉ thời gian thực hiện gấp gáp mà việc tiếp tục có thêm dự thảo mới về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, dự kiến cũng có hiệu lực từ đầu năm 2016, khiến các hãng hồi hộp hơn. Sự lo lắng của ông Genet và các hãng đại loại là nếu chính sách mới áp dụng, các hãng sẽ không thể bán xe nếu khách hàng của họ vào đầu năm tới không chi thêm tiền để đóng thuế khi trước đó (trong năm 2015) họ đã đặt cọc để mua chiếc xe giao trong đầu năm 2016.

Ngay sau buổi họp báo nói trên, VIVA đã gửi thư kiến nghị liên quan chuyện thuế đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Trong kiến nghị của mình gửi Chính phủ, VIVA cho rằng việc thay đổi chính sách về thuế quá nhanh chóng sẽ gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp nói chung để có thể theo sát các thay đổi trong chính sách thuế và điều chỉnh kinh doanh cho phù hợp. Kiến nghị của VIVA xin được đổi thời gian áp dụng Nghị định 108 dự tính vào ngày 1-7-2016 để các doanh nghiệp có thời gian hiểu đúng cách tính thuế mới, áp dụng và lập kế hoạch hoạt động, đầu tư, nhân sự…

VIVA cũng kiến nghị Bộ Tài chính về việc tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các nhà nhập khẩu được ủy quyền chính hãng và các nhà lắp ráp, sản xuất trong nước trước khi phê duyệt cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt; tổ chức hướng dẫn cách thức triển khai, áp dụng dự luật trong thực tiễn nhằm tránh cách hiểu sai. “Chúng tôi không còn cách nào khác là phải gửi thư kiến nghị với sự thống nhất của nhiều hãng nhằm được xem xét cách tính thuế, vì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh trong lĩnh vực này”, đại diện một nhà nhập khẩu xe nói.

[box type=”download”] Theo Nghị định 108/2015/NĐ-CP có hiệu lực ngày 1-1-2016, căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô dưới 24 chỗ được quy định như sau: Giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở nhập khẩu nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu. Giá vốn xe nhập khẩu gồm giá tính thuế nhập khẩu + thuế nhập khẩu (nếu có) + thuế TTĐB tại khâu nhập khẩu. Nếu giá bán của cơ sở nhập khẩu thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu thì giá tính thuế TTĐB là giá do cơ quan thuế ấn định. Theo quy định cũ, giá tính thuế là giá CIF (giá tại cửa khẩu của bên nhập, bao gồm chi phí bảo hiểm, vận chuyển hàng hóa tới cửa khẩu của bên nhập) nhập tại cảng kèm thuế nhập khẩu.[/box]

Bán nhưng không cam kết giá

Ông Nguyễn Đăng Thảo, Tổng giám đốc Euro Auto (BMW và MINI Việt Nam), nói rằng hiện những khách hàng nào nhận xe vào năm 2016 phải chấp nhận cam kết điều chỉnh giá nếu chiếu theo cách tính thuế mới làm giá xe lên hoặc xuống. Đây cũng là lý do khi ra mắt dòng BMW 7 series hôm 20-11 mới đây tại TPHCM, giá bán của những chiếc xe được BMW giữ kín dù được hỏi. Đây là điều chưa có tiền lệ với hãng xe này tại Việt Nam khi tất cả các dòng xe trước đây họ đều công bố giá bán lẻ ngay buổi ra mắt xe mới. “Chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với từng khách hàng khi họ mua chiếc xe này về giá và tùy vào phiên bản xe cũng như thời điểm họ nhận xe, họ sẽ biết mức giá cụ thể riêng cho chiếc xe họ mua”, ông Thảo nói.

Với Audi Việt Nam, đại diện hãng là ông Trần Tấn Trung cho biết, thông thường để một chiếc xe ra thị trường thì hãng phải mất 4-6 tháng từ khâu vận chuyển đến các thủ tục liên quan. Chính vì điều này, việc thay đổi chính sách trong thời gian ngắn khiến hãng không thể nào cam kết giá bán lẻ cho khách hàng khi họ đặt tiền cọc mua xe.

Còn ông Đoàn Hiếu Trung, đại diện Roll-Royce Việt Nam, nói rằng các dòng xe của hãng này thường có giá rất cao và vì thế mỗi chiếc xe đóng thuế trên chục tỉ đồng là điều bình thường. Bên cạnh đó, để có một chiếc xe, nhiều khách hàng phải đợi đến 12 tháng cho khâu chế tác và vận chuyển. “Việc thay đổi cách tính thuế trong thời gian ngắn khiến chúng tôi không biết giải quyết thế nào cho khách hàng khi số tiền họ phải chi thêm lên đến hàng tỉ đồng so với mức giá ban đầu của xe. Chúng tôi cũng cực kỳ khó khăn trong việc giải thích cho hãng xe nước ngoài”, ông Trung nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt...

0
Trong đề án xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, ngoài nội dung...

Bộ Tài chính: Vẫn còn thất thu lớn từ thuế thương...

0
Bộ Tài chính cho biết, số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử đang tăng dần qua các năm nhưng vẫn còn...

Tháng 10: Ford Ranger đứng đầu 10 mẫu xe bán chạy...

0
Theo báo cáo bán hàng từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị...

Bộ Tài chính đề xuất giảm thêm thuế để hạ giá...

0
Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế giá trị gia tăng...

Thu thuế nhà, tăng thuế rượu bia, giảm thuế xuất nhập...

0
Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã điều chỉnh cho phù hợp hàng loạt sắc thuế, phí, lệ phí: thuế...

Lượng xe con bán ra tăng 42% trong 2 tháng

0
Trong 2 tháng đầu năm, các thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổ chức chi phối...

Kết nối