Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Người cố gắng bảo tồn chèo Chải Hê

Thu Hường –

Ở vùng đất Kinh Bắc xưa, nay là Bắc Ninh, không chỉ có quan họ mà còn có một loại hình chèo độc đáo thể hiện đạo hiếu của con người. Đó là chèo Chải Hê đã có lịch sử tồn tại gần 300 năm. Nhưng cho đến nay chiếu chèo này chỉ còn duy nhất ông Nguyễn Năng Địch (65 tuổi) và bao năm qua ông đang cố gắng bảo tồn chiếu chèo của quê hương.

Học lỏm

Ảnh-1Nghệ nhân Nguyễn Năng Địch.

Từ giữa thế kỷ 18, ở làng Lũng Giang, nay thuộc thị trấn Lim, huyện Tiên Du, Bắc Ninh xuất hiện một loại hình chèo đặc biệt mang tên Chải Hê. Hiện nay, muốn tìm hiểu về chèo Chải Hề chỉ có thể gặp ông Nguyễn Năng Địch, bởi ông là người duy nhất ở vùng này còn biết hát, múa và tâm huyết với chiếu chèo này. “Cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, ở vùng quê Lũng Giang chèo Chải Hê được hồi sinh. Khi đó ông bà bên nội, bên ngoại và cả bố mẹ tôi đều là những nghệ nhân lừng danh của chiếu chèo cổ này”, ông nhớ lại.

Ảnh-3Lời hát dần được ông Địch cất lên.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống chèo nhưng ông Địch lại không được cha mẹ truyền dạy. Tuy nhiên, những đặc sắc, lạ lẫm của chèo Chải Hê đã nhanh chóng cuốn hút cậu bé Địch ngày ấy. Mới lên 7, 8 tuổi, cậu bé Địch đã mon men đến bên chiếu chèo ở sân đình của ông, bà để học lỏm, học mót dăm ba câu. Sự đam mê cùng với năng khiếu, nhanh nhạy bẩm sinh nên chỉ một thời gian ngắn sau, bố mẹ ông đã ngạc nhiên khi cậu con trai của mình hát được rất nhiều câu chèo Chải Hê khó.

Ông bảo: “Trong chèo Chải Hê có những câu rất khó hát, chính vì thế thành ra tôi nghiệm thấy phương pháp học lỏm, học mót lại phát huy tác dụng. Vì học lỏm, học mót nhanh thuộc và đã thuộc thì nhớ rất lâu”.

Cứ bằng cách học lỏm, ông Địch đã thuộc được cả trăm trường đoạn, hoạt cảnh trong các vở diễn, điệu hát chèo Chải Hê.

Nét độc đáo

anh-6Lũng Giang Ca Bản (được phiên âm từ chữ Hán Nôm sang tiếng Việt) được xuất bản năm 2005.

Chèo Chải Hê khác với những loại chèo đã và đang tồn tại ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Cái khác đầu tiên ở đây là không gian của nó bó hẹp, chỉ có ở hai làng Lũng Giang và Tam Sơn. Chèo này là hình thức nghệ thuật thể hiện lòng hiếu, nghĩa của con cái đối với bố mẹ, ông bà trong gia đình. Chính vì thế tất cả những lời ca, giai điệu của chèo đều đượm buồn. Khi mới ra đời, nó có tên “Thập nhị tứ hiếu ca”, nó không có những cảnh hề chèo, tễu chèo như các chiếu chèo khác.

Độc đáo nữa là chèo Chải Hê chỉ có diễn viên nam vừa hát, kiêm luôn múa. Xét về mặt nghệ thuật của lời hát thì chèo Chải Hê đều được diễn theo hình thức hát đón, nhạc cụ phụ đạo cho chiếu chèo Chải Hê chỉ có ba loại là thanh la, mõ, trống cơm.

Theo nghiên cứu của các nhà văn hóa, sự khác biệt của chèo Chải Hê với các loại hình chèo thường thấy khác ở nguyên bản cổ điển là diễn viên nam lên chiếu chèo biểu diễn hát và múa thì phải cởi trần đóng khố và cầm một cây gậy nhỏ sơn son thiếp vàng dài 1,2 m.

Khi người viết lần mở những trang sách lời hát thì cũng chính là lúc ông Địch bắt đầu cất lên lời hát lanh lảnh, buồn buồn. Trong cái điệu hát buồn, trầm lắng đến nao lòng ấy toát lên một nét gì đó rất xa xưa, hoài cổ như đang vọng về bên tai. Ông bảo đó là lời ca khắc họa lên hình ảnh của sáu con thảo: Mạnh Tông, Chương Hương, Đinh Lan, Hoàng Hương, Vương Tường và Trương Lễ. Mỗi người đều làm những việc hiếu nghĩa với cha mẹ già của mình. Còn điệu hát mở đầu ông vừa ca chính là điệu “giáo roi”, sau đó sẽ chuyển sang điệu “la hừ” và kết thúc là kiểu hát “huê tình”.

Chỉ cần đọc mà người viết đã thấy vô cùng khó nhọc, ấy vậy mà khi ông Địch cất lên tiếng hát thì nó lại du dương, trầm lắng đi vào lòng người đến mê hồn. Thấy khách chăm chú lắng nghe như nhập tâm dần dần vào câu hát, ông Địch càng tỏ ra hăng say hát như quên thời gian, át cả những âm thanh cười đùa của mấy đứa cháu nhỏ trước sân nhà. Không chỉ có hát, mà ông còn đứng dậy, biểu diễn vài điệu múa phụ đạo. Điều đặc biệt ông nhấn mạnh ở đây là người diễn viên phải đứng chân hình chữ chi thì khi xoay người và xoay tay mới dẻo được.

[box type=”info”] Chèo Chải Hê xuất phát từ câu chuyện có tên “kết chạ” của hai làng Lũng Giang và Tam Sơn thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786). Một hôm, dân làng Lũng Giang lên rừng đốn gỗ về làm đình, không may đến địa phận làng Tam Sơn thuyền bị mắc cạn. Thấy vậy làng Tam Sơn đã cho người ra kéo giúp. Từ đó, sinh tục kết chạ Lũng Giang-Tam Sơn. Sau khi khánh thành ngôi đình, hàng năm nhân dân hai làng qua lại thăm nhau khi hiếu, việc tang. Hát chèo Chải Hê từ đó mà sinh ra. Lúc đầu nó có tên là “Nhị thập tứ hiếu ca”, sau đó dân hai làng bàn bạc và đổi thành chèo Chải Hê. Ở phiên bản từ tài liệu Hán Nôm sang tiếng Việt thì nó có tên là Lũng Giang ca bản.[/box]

Nguy cơ mai một

Bao năm nay, ông Địch một mình sưu tầm, bảo tồn chiếu chèo truyền thống của quê hương và ông sợ rằng chẳng may đến lúc mình sang thế giới bên kia thì chèo Chải Hê cũng biến mất theo. Ông kể suốt nửa năm 2006, ông miệt mài đi đi về về từ Lũng Giang lên thành phố Bắc Ninh để dạy chèo Chải Hê mà chẳng lấy xu tiền công. Tháng 6-2006 ở Hội diễn Văn hóa-văn nghệ truyền thống toàn quốc tại Đà Nẵng, tiết mục chèo Chải Hê của đoàn Bắc Ninh do ông dạy đoạt huy chương vàng.

Năm năm trước, một viện nghiên cứu về nghệ thuật đã đưa một số nghệ sĩ về địa phương để học chèo Chải Hê. Ông Địch kể lại: “Khi tôi đến dạy họ thì đúng nguyên bản chèo cổ nhưng sau đó họ cải biên lại những tiết mục của tôi đã dạy. Thành ra những tiết mục được thu âm, quay video đã sai đến 90% so với nguyên bản của chèo Chải Hê truyền thống. Sai từ trang phục, nhạc cụ phụ đạo cho đến điệu múa, lời hát”.

Ông Địch hiện có ý định sẽ dồn sức lực cá nhận để tự biên, tự diễn và tự dựng lại một chiếu chèo Chải Hê chuẩn gốc, rồi quay phim để lưu giữ lại. Nhưng điều tưởng như đơn giản ấy đối với ông Địch hiện nay cũng đang rất khó khăn vì ông chỉ có một mình.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Học nấu món miền Tây bên dòng sông Tiền

0
(SGTT) - Nằm êm đềm bên dòng sông Tiền, du khách đến Mekong Riverside Boutique Resort & Spa (thành viên Sáng kiến Điểm đến...

Ngắm tulip nở rộ tại vườn hoa lớn nhất thế giới

0
(SGTT) – Vườn hoa tulip lớn nhất thế giới Keukenhof (Hà Lan) đang thu hút đông đảo du khách ghé thăm nhờ hàng triệu...

Kết nối