Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Mốt custom giày của giới trẻ

Cẩm Anh –

Nhiều bạn trẻ muốn có một đôi giày lạ mắt đã tìm đến các cơ sở thiết kế họa tiết trên giày, hay còn gọi là custom giày theo ý thích. Chi phí mỗi đôi khá cao, có khi lên đến 10 triệu đồng, nhưng những người thực hiện dịch vụ này cho biết khách hàng vẫn tìm đến khá nhiều.

Không đụng hàng

Trào lưu custom giày xuất hiện trên thế giới đã khá lâu và có mặt ở TPHCM gần đây khi một số ít cửa hàng chuyên thiết kế họa tiết trên giày mở ra. Khách sẽ gửi đôi giày của mình và chọn kiểu thiết kế mong muốn, cửa hàng sẽ thực hiện và gửi lại cho khách sau vài ngày.

Cửa hàng KQ Customs trên đường Đặng Thị Nhu, quận 1 vốn được cộng đồng mạng, đặc biệt là những tín đồ giày thể thao lựa chọn để “tân trang” giày. Anh Quách Kiệt, chủ cửa hàng, cho biết: “Khách gửi giày đến cửa hàng để thiết kế khá đông nên chúng tôi phải đăng ký số thứ tự cho khách để chờ đến lượt. Có nhiều du học sinh cũng đã gửi giày từ nước ngoài về Việt Nam để cửa hàng thiết kế”.

Theo anh Kiệt, chi phí thiết kế này từ 1-10 triệu đồng, tùy vào chất liệu, độ phức tạp của hình vẽ thiết kế. Ngoài ra, cửa hàng còn nhập giày về để thiết kế rồi bán lại. Anh Kiệt chia sẻ, để tránh trường hợp “đụng hàng”, những kiểu thiết kế do khách hàng tự lên ý tưởng thì tiệm chỉ nhận làm một đôi duy nhất. Đồng thời tiệm cũng cam kết không thực hiện đôi thứ hai để đảm bảo tính chất độc lạ mà khách yêu cầu.

Một mẫu giày sau khi đã vẽ họa tiết. Ảnh: Cẩm Anh

Chị Na Na, chủ một cửa hàng chuyên thiết kế họa tiết giày trên đường Trần Kế Xương, quận Phú Nhuận, cho biết tiệm sẽ thiết kế với nhiều phong cách tùy vào sở thích khách hàng. Bên cạnh đó, cửa hàng cũng đưa ra một số gợi ý với các hình ảnh, họa tiết, mẫu giày của tiệm để khách hàng chọn lựa. Nhiều khách hàng chọn cách làm mới giày như bọc vải, gắn thêm phụ kiện, đính đá, thay đổi màu sắc hoặc vẽ những hình ảnh, họa tiết lạ mắt… “Gần đây nhiều bạn trẻ có xu hướng thích kết hợp logo của các thương hiệu thời trang nổi tiếng để mang lại vẻ thời thượng cho đôi giày của mình”, chị Na nói.

Cũng theo chị Na, để thiết kế họa tiết trên giày với màu sắc, kích cỡ đúng như mong muốn, người thực hiện cần phải lựa chọn phụ kiện phải thích hợp với chất liệu giày. Đối với giày thể thao, khách hàng thường yêu cầu bọc vải có họa tiết hoa lá, cỏ cây để tạo sự đối lập giữa phong cách mạnh mẽ và nhẹ nhàng. Ngoài giày thể thao, xu hướng bọc vải cho giày cao gót hay giày đế thấp cũng được nhiều bạn trẻ yêu thích. Chi phí để bọc vải giày từ 500.000-800.000 đồng/đôi tùy chất liệu vải.

Chị Thanh Phương, một khách hàng nhà ở quận 3, chia sẻ: “Mình yêu thích sự mới mẻ và độc đáo. Ngày trước mang giày ra tiệm để thiết kế còn khá đắn đo vì sợ họ làm hư giày. Nhưng khi nhận được giày thì mình rất hài lòng và từ đó khi mua được đôi giày nào thích mình cũng đem đi custom”.

Đòi hỏi năng khiếu vẽ

Theo những người chuyên vẽ thiết kế, thiết kế giày thủ công đòi hỏi người vẽ phải có năng khiếu hội họa cộng thêm sự tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất. Anh Kiệt cho biết, để có những họa tiết đảm bảo độ chắc chắn và bền màu, người vẽ phải mất từ ba ngày cho đến hai tuần để hoàn thành. Đầu tiên, người thực hiện phải lên ý tưởng với khách hàng, đưa ra mẫu thiết kế trên máy và hoàn thành sản phẩm. Vì tất cả các khâu đều được làm thủ công nên mỗi đôi giày là duy nhất. Đây cũng là yếu tố quyết định chi phí thiết kế cao hay thấp.

Để đạt chất lượng, khi vẽ và sơn giày, những người như anh Kiệt phải hiểu về chất liệu giày và thường nhập loại sơn cũng như các vật liệu khác từ nước ngoài. Hiện tại, anh đang tìm hiểu công nghệ Deconstruction, nhằm thay thế, đổi mới chất liệu và kết cấu của đôi giày. Cụ thể, người thực hiện phải tháo các bộ phận của giày ra, sắp xếp hoặc làm mới hoàn toàn rồi may lại. Để thao tác được kỹ thuật này, người thực hiện phải có tay nghề cao và các loại máy móc chuyên dụng, nhờ đó mẫu mã của các họa tiết, hình dáng giày cũng sẽ được thay đổi.

Theo những người thực hiện dịch vụ custom giày, để có một đôi giày ưng ý, ngoài khả năng vẽ thì cần phải có sự kiên nhẫn. Bởi nếu sai sót khi đặt bút vẽ lên những đôi giày đắt tiền, chủ tiệm phải chịu trách nhiệm đền bù, nhất là những đôi khách rất yêu thích và khó có thể mua lại được. “Khi khách hàng mang giày đến cửa hàng là họ đã đặt trọn niềm tin vào mình nên không cho phép mình làm ẩu”, anh Kiệt chia sẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM: sẽ đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm metro...

0
(SGTT) - Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, để dọn mặt bằng làm tuyến metro số 2, hơn 400 cây xanh...

Chuyển một phần chi phí quản lý quỹ BHYT cho quỹ...

0
(SGTT) - Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có đề xuất giảm chi phí của hoạt động quản lý quỹ bảo...

Cận cảnh cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sắp đưa...

0
(SGTT) - Khi đi vào hoạt động, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ nối liền mạch từ Nha Trang đến TPHCM, rút...

Buýt vi vu: Tìm về 4 hội quán của người Hoa...

0
(SGTT) - Vi vu cùng tuyến buýt số 1, du khách có thể khám phá các hội quán của người Hoa ở quận 5...

Người dân đổ về trung tâm TPHCM vui chơi dịp giỗ...

0
(SGTT) - Dịp giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều người TPHCM đã tìm về các địa điểm ở trung tâm thành phố để vui chơi,...

Còn khoảng 32.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa được...

0
(SGTT) -  Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 3-2024, cả nước còn khoảng 32.000 tỉ đồng...

Kết nối