Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Mẹ, con gái và cái bếp

TRƯƠNG HUỲNH NHƯ TRÂN –

Ngày cuối năm dọn về nhà mới, tôi cứ đứng tần ngần nhìn cái bếp. Nó sạch sẽ, bóng loáng, phù hợp với căn hộ mới xinh xắn, hiện đại. Nhưng tôi vẫn như thấy thiêu thiếu gì đó. Không khí se se lạnh này, mùi khói thơm nhà ai gom lá đốt trước sân… Thôi phải rồi, thiếu cái mùi tro than trong căn bếp nhà quê của Mẹ.

Cái bếp quê ngày ấy là một vương quốc riêng của mẹ mà ba và chúng tôi là những thần dân ngoan đạo luôn cảm thấy ấm áp mỗi khi đi đâu đó bước về nhà. Những buổi ba đi làm đồng về mưa lạnh, vào trong bếp ngồi trông giúp mẹ nồi cơm, nhân tiện cũng để sưởi ấm đôi bàn tay lạnh cóng. Những chiều anh em chúng tôi đói bụng, quây quần bên bếp, lùi vào đám than hồng đỏ rực khi thì củ khoai lang, khi thì cái hột điều thơm nức mũi. Cái bếp của mẹ như không cố ý mà thành ra là thứ quy tụ mấy cha con chúng tôi một cách tự nhiên nhất. Có khi bên đống lửa ba rì rầm kể chuyện cho đàn con, trong khi mẹ bận “vần” nồi cơm cho chín đều, rút bớt củi cho nồi cá khỏi cháy khét. Hay những chiều cuối năm, nồi bánh chưng thành tâm điểm để câu chuyện râm ran kéo dài qua phút giao thừa. Có vẻ như, bếp là nơi chúng tôi gặp gỡ nhiều nhất, trò chuyện nhiều nhất, và dành cho nhau nhiều thân ái nhất.

bep

Lớn lên một chút, mẹ thường dặn tôi: “Là con gái phải chăm sóc cái bếp cho gọn gàng sạch sẽ. Người ta tới nhà coi mắt là coi cái bếp”. Tôi chưa đủ lớn để hiểu từ “coi mắt” nhưng tôi ngầm hãnh diện khi được mẹ “giao khoán” cho cái bếp. Nó là niềm tự hào, là tài sản tinh thần mà mẹ chuyển giao cho con gái, kèm theo đó là biết bao nhiêu bài học từ cái bếp mà người mẹ cũng truyền lại cho con. Từ bó củi phải chẻ nhỏ đều và bó lại gọn gàng, từ mớ tro than phải được hốt dọn để khu bếp luôn sạch sẽ. Mớ rau con cá nấu thế nào cho tươi ngon mà không tốn nhiều củi lửa… Mỗi bữa chuẩn bị cơm trong căn bếp của mẹ là một buổi học gia chánh thú vị, không bao giờ nhàm chán. Những lời rủ rỉ rù rì thấm dần, hình thành trong tôi nếp nghĩ không chỉ công việc bếp núc mà còn là những bài học cư xử. Để cái bếp quê không chỉ là cái bếp, mà là cả một thế giới với những câu chuyện riêng tư của thời con gái nhiều mơ mộng. Để lời mẹ dặn con gái, từ lúc nào đã trở thành “nếp nhà” không hay.

Để từ cái bếp đó, dù đi đâu xa tôi vẫn mãi nhớ những bữa cơm chiều khói bay lên vương vít mái tranh. Dù cho sau này có đứng trước những căn bếp sáng bóng không một tí bụi bặm nào, tôi vẫn rưng rưng nhớ góc bếp có chú mèo con cuộn tròn trong tro ấm, có đứa trẻ nhỏ là tôi đùa với tia nắng buổi sớm chiếu xuyên qua khe vách có thể nhìn thấy triệu hạt bụi li ti.

Trong căn bếp hiện đại và tiện nghi, người nấu bếp không phải khom lưng thổi lửa, tro bay mù mịt, khói xộc cay sè cả mắt và lửa vẫn chưa nỏ, vì nhằm bữa trời mưa tạt vào bếp ướt mất mớ củi dự trữ. Căn bếp hiện đại cũng không còn những cái đít nồi đen sì, những rổ rá đan tre quê mùa. Thay vào đó là mặt đá, vách kính, tủ inox sáng lóa. Bếp điện, điện từ bóng nhẵn chỉ cần bật công tắc là có ngay ngọn lửa như ý muốn. Người chủ căn bếp sẽ tha hồ bày biện đồ đạc trong các hộc to hộc nhỏ, các ngăn tủ tiện dụng. Từ mớ hành tỏi tới trái chanh ớt đều có chỗ đựng riêng cho gọn gàng.

Nhưng dường như sự ngăn nắp thái quá đó làm cho căn bếp có điều gì trống trải. Cô chủ bếp sẽ tiếc những rổ rá đan tre đựng chanh ớt, đựng nắm rau mới hái được ngoài vườn, hay rổ khoai lang bốc khói chờ đàn em tranh nhau. Những đứa em đó nay cũng có những căn bếp hiện đại và những người chủ bếp lịch lãm, có ai nhớ một thời thơ ấu gắn bó với căn bếp tro củi, mà thỉnh thoảng lọ lem vẫn dính đầy trên gương mặt trẻ thơ?

them-hinh-me-con-gai-va-cai-bep

Trong căn bếp này, khi cần nấu món gì đó, mà những ngày tháng bận rộn đuổi nhau đi, cô chủ bếp đã quên cách mẹ dạy nấu ngày xưa, hay là những món ăn cầu kỳ chưa từng xuất hiện trong bữa cơm quê…, cũng đâu có gì là khó. Cô chủ bếp chỉ cần cầm điện thoại mở Google là đầy đủ các trang dạy nấu nướng. Mọi thứ chỉ cần làm theo công thức là đủ.

Chỉ cần làm theo công thức thôi sao? Cô không cần phải cầu viện tới mẹ như ngày xưa mới về nhà chồng, để mẹ chỉ cho bí quyết kho món cá bông lau không tanh, nấu nồi canh khổ qua dồn vị thanh mà không đắng, hay cách canh lửa để nồi cá ngừ không bị đục nước. Cũng không cần mẹ đứng cạnh bên như ngày còn thiếu nữ, chỉ dẫn từng chút những thủ thuật nhà bếp. Khỏi phải nghe lời cằn nhằn muôn thuở của mẹ: Con gái con đứa gì mà đểnh đoảng…

Ngày nay, những dụng cụ nhà bếp, những trang dạy nấu ăn nhan nhản trên mạng đã hỗ trợ người phụ nữ trong công việc bếp núc rất nhiều, che đậy hết những đểnh đoảng, vụng về, để thỉnh thoảng muốn nghe một câu mắng yêu của mẹ cũng thấy xa vời. Mẹ nơi bếp quê hẳn cũng thấy chạnh lòng khi không còn được hỏi han, không ai nhờ dạy nấu món này món nọ. Những bài học của mẹ chìm vào quên lãng.

Nếu như ngày xưa, những bài học bếp núc là sợi dây nối giữa mẹ và con, để các câu chuyện được kể hoài bên trong căn bếp, từ chuyện con gà tơ bắt đầu nhảy ổ cho tới chuyện cây chuối ngoài vườn vừa trổ buồng, thì tôi tự hỏi, trong những căn bếp hào nhoáng tinh tươm bây giờ, mẹ và con gái có còn đủ thời gian để trò chuyện cùng nhau? Những bữa cơm vội vàng không trùng giờ, những công việc cứ cuốn người đi. Có khi mẹ vừa nấu bếp vừa cầm điện thoại trả lời e-mail, con thì mải mê với thế giới trò chơi kỳ ảo trên mạng.

Có khi, giật mình nhìn lại, tôi vội buông điện thoại của mình và ghé mắt vào điện thoại con đang cầm trên tay. Game mà con đang chơi là một game nấu ăn. Tôi cứ ngẩn ngơ cả người. Thế giới ảo đang dần dần xâm chiếm cuộc sống thật. Con tôi chưa biết tự chiên cái trứng cho mình, chưa biết kẹp cái tóc cho gọn ghẽ, nhưng có thể chơi game nấu ăn, game trang điểm nhoay nhoáy. Thế giới mạng cung cấp gần như toàn bộ những mô phỏng của đời thực. Thế hệ tôi đôi khi còn giật mình dừng bước trước mê lộ, nhưng những thế hệ sau này, có tiếng gà cục tác nào là thật để kéo con người về lại trong thế giới thực tại? Thế hệ tôi sẽ làm gì để nắm được tâm tư tình cảm của con cái nếu thiếu đi những buổi rủ rỉ trò chuyện giữa mẹ và con, thiếu sợi dây kết nối từ những điều bình dị nhất, như là mẹ và con cùng nhau nấu một bữa ăn?

Cũng không thể đổ lỗi cho thời đại, cho công nghệ. Cái bếp thời hiện đại tuy không có ngọn lửa thật sự, nhưng nếu biết cách, vẫn có một ngọn lửa cháy bền bỉ bên trong gian phòng có tên gọi kiêu hãnh là “bếp”. Bếp hiện đại không còn là chốn riêng của phụ nữ, là chái nhỏ sau hè, là gian sau khiêm tốn nữa. Bếp bây giờ có khi là nơi được chủ nhà đầu tư chăm chút nhiều nhất về dụng cụ, thiết bị và trang trí không gian. Bếp vừa là nơi nấu nướng, vừa là phòng ăn, cũng có thể đặt một quầy bar nhỏ để chủ nhà nhâm nhi ly rượu với bạn. Sự quây quần vì thế sẽ không mất đi mà thay đổi hình thức cho phù hợp hoàn cảnh. Người làm công việc nội trợ cũng vì thế mà uyển chuyển đổi thay để vẫn là người giữ ngọn lửa ấm trong gia đình. Bữa cơm gia đình trong căn bếp chính là một sự neo giữ để ngọn lửa luôn cháy mãi.

Bếp là giang sơn của người phụ nữ, nhưng đôi khi những người đàn ông đáng yêu cũng “chiếm dụng” để thể hiện tình yêu thương của mình. Trong ký ức tôi có những căn bếp “dã chiến” thân thương lạ lùng. Đó là cái bếp làm từ ba hòn đá, núp dưới tán cây cọ lớn trong ngày mưa bão, bữa cơm heo hút nửa sống nửa chín trên rừng, nhưng vẫn ngon vô cùng. Người cha vụng bếp núc vẫn cố gắng nổi lửa nấu cho con một nồi cơm no bụng trong chốn rừng thiêng nước độc. Ai nói chỉ có phụ nữ mới là chủ căn bếp? Người đàn ông đôi khi cũng là đầu bếp tuyệt vời trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy.

Ngày nay, cuộc sống đã khác đi nhiều. Đàn ông vào bếp không còn là chuyện lạ. Có những đầu bếp nổi tiếng là nam giới. Nhưng dù gì đi chăng nữa, thiên chức “giữ lửa” luôn thuộc về người phụ nữ. Bởi ngọn lửa “tánh rất kỳ”, thổi nhỏ quá thì không đủ khí để bùng lên, thổi mạnh quá sẽ làm ngọn lửa đang le lói ngạt hơi mà tắt ngúm. Người phụ nữ được ông trời phú cho cái mềm mỏng, linh hoạt, là tố chất đặc biệt để giữ cho ngọn lửa luôn cháy đều và nỏ nang. Nhưng các đàn ông hãy là người tiếp sức để ngọn lửa cháy bền và nỏ lửa hoài trong gian bếp gia đình.

Và dù là người đàn ông hay người phụ nữ nấu bếp, dù là gian bếp nơi chái tranh xưa hay căn bếp đầy đủ tiện nghi ở đô thị lớn, không gian bếp luôn mang lại cảm giác ấm cúng, là nơi quy tụ các thành viên của gia đình. Nơi đó những câu chuyện được kể, những niềm vui san sẻ, những bực dọc vơi đi…

Chiều cuối năm, có ngọn khói quê nào lạc vào căn bếp phố thị mà nghe cay mắt, mà nhớ mùi cơm mới thơm, nhớ vị cá kho không lẫn đâu được của quê nhà.

Có chuyện cái bếp thôi mà cũng trăm đường nhung nhớ.

Ừ thì cái bếp thôi, nhưng đầu mối yêu thương nằm cả ở đấy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thế giới xung quanh ngôi chợ du lịch lớn nhất Đà...

0
(SGTT) – Chợ Hàn – Ngôi chợ truyền thống lâu đời tại Đà Nẵng, đang là điểm đến được nhiều du khách quốc tế...

Phong trào chạy bộ nở rộ nhưng không phải ai cũng...

0
(SGTT) - Hiện phong trào chạy bộ đang phát triển mạnh tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, các bác...

Thơm lừng góc chợ Gò Vấp gánh súp cua cô Liên,...

0
(SGTT) - Nếu có dịp đi ngang chợ Gò Vấp và ghé nơi đây mua sắm, ẩm thực là một trong những điều mà...

Hà Nội: Gần 80 gian hàng tham gia Lễ hội Ẩm...

0
Sau ba mùa thành công trước đó, Lễ hội Ẩm thực Pháp "Balade en France" sẽ trở lại với quy mô lớn gấp đôi...

Công thức hai món ăn ‘hot trend’: Milo nấm và bánh...

0
(SGTT) - Sau nhiều trào lưu ẩm thực, hai món ăn milo nấm và bánh mì phô mai tan chảy hiện đang là trào...

‘Mùa cỏ cháy’ trên cung đường trekking Tà Năng – Phan...

0
(SGTT) - Tà Năng - Phan Dũng được xem là một trong những cung đường trekking bậc đẹp nhất Việt Nam. Với thảm thực...

Kết nối