Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

May rủi mua bán điều non

Phú Li –

Việc mua bán điều non (hay còn gọi là điều bông hoặc điều lá) có thể mang về mức lợi nhuận kha khá trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, đó là khi mọi thứ đều thuận lợi. Chuyện thua lỗ là khó tránh khỏi. Bởi bên cạnh kinh nghiệm, “thắng hay thua” còn do ở… ông trời.

Nhu cầu thực tế

Có nhiều lý do để các chủ vườn quyết định bán điều non thay vì chờ đến kỳ thu hoạch. Việc bán điều non dễ thấy nhất ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi nhiều người bán để lấy tiền tiêu xài. Giá bán thường khá rẻ. Không khó để bắt gặp cảnh người dân ở các buôn, sóc tụ tập nhậu nhẹt ngày này qua ngày nọ mỗi khi đến mùa điều. Thanh niên thì lượn lờ trên những chiếc xe máy mới để khoe nhau. Vườn điều đã được bán non cho người khác ngay khi còn chưa kịp ra bông. Có tiền, nhiều người cứ ở không, xài thả ga đến hết thì thôi.

Hàng năm, mỗi khi đến mùa điều là chính quyền địa phương ở các huyện như Tuy Đức (Đăk Nông), Bù Gia Mập, Bù Đăng (Bình Phước) lại phải cử cán bộ tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số không được bán điều non, nhằm tránh cảnh vườn rẫy có đó nhưng người dân nghèo vẫn hoàn nghèo.

Kiểm tra vườn điều thường xuyên nhằm xử lý kịp thời sâu bệnh hại là một trong những giải pháp hạn chế thua lỗ khi mua điều non. Ảnh: Phú Li

Tuy nhiên, bên cạnh đó là những lý do rất xác đáng. Ông Hoàng Văn Tính, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước vừa phải bán vườn điều non rộng 2 ha của gia đình với giá 70 triệu đồng. Ông Tính cho biết do nhà ít người, vườn điều lại ở khá xa nên khó quản lý. Ngoài ra, gia đình ông còn bận tập trung chăm sóc vườn quýt và vườn bưởi da xanh đang chuẩn bị cho trái bói. Ông Tính nói rằng, vẫn biết nếu để 2 ha điều lại thu hoạch thì số tiền có được sẽ cao hơn, nhưng vì ôm đồm không xuể nên đành chịu. “Thôi thì bán đỡ một mùa, năm sau tính khác”, ông Tính cho biết.

Cũng có người vì áp lực nợ nần, vì cần tiền chữa bệnh mà phải bán điều non. Ngoài ra, sự biến đổi của thời tiết trong ba năm trở lại đây làm năng suất vườn điều trở nên mất ổn định cũng khiến nhiều người chọn giải pháp này.

Ông Nguyễn Văn Mới, ngụ cùng địa phương với ông Tính cho biết, thực tế ở niên vụ trước, không ít vườn điều bị sụt giảm sản lượng đến 70% do bị mưa trái mùa, sương muối cùng bọ xít muỗi gây hại. Vì vậy, thay vì đạt 2-2,5 tấn/ha thì có vườn chỉ đạt 5-6 tạ/ha. Trong khi đó nếu bán điều non, mỗi héc ta được tầm 30-40 triệu đồng. “Số tiền này cũng tương đương với một tấn hạt điều, lại khỏi tốn công thu nhặt”, ông Mới nói.

Có gan kiếm lời

Anh Nguyễn Văn Chiến, ở ấp Tân Hòa, xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai là người có gần chục năm chuyên đi mua điều non tại “thủ phủ điều” là huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Tùy từng mùa, có khi anh Chiến mua đến vài chục héc ta. Hỏi chuyện lợi nhuận, anh không giấu giếm, cho biết có thể thu lời gấp đôi hoặc gấp ba số vốn bỏ ra. Tuy nhiên, tỷ lệ rủi ro cũng chẳng hề thấp và không phải mùa nào kết quả cũng tốt đẹp như vậy. Bản thân anh Chiến từng có năm phải chịu thua lỗ đến hàng chục triệu đồng.

“Nghề này không dành cho người nhát gan”, anh Chiến nói. Nếu chỉ nghe về mức lợi nhuận, hẳn ai cũng ham. Song, để tham gia thì không phải ai cũng dám. Bởi lẽ mang hàng chục, hàng trăm triệu đi mua điều non, thêm chi phí chăm sóc vườn, sau đó lại phải thuê nhân công thu hoạch để thu hồi vốn và kiếm lời là chuyện không đơn giản.

Toàn bộ quá trình diễn ra khoảng 2-3 tháng. Trong khi đó, ngay cả khi cây điều cho nhiều bông lẫn trái non cũng chưa lấy gì làm ăn chắc. Chỉ cần thời tiết bất lợi hay sâu bệnh hại tấn công mà không xử lý kịp thì chuyện thua lỗ là điều khó tránh khỏi. Ở niên vụ điều 2016-2017, không ít người đi mua điều non đã phải ngậm đắng.

Theo anh Chiến, trước khi ngã giá, người mua điều non cần phải tìm hiểu kỹ về thổ nhưỡng, “sức khỏe” cây điều, cũng như năng suất bình quân của những niên vụ trước… Thông thường, việc mua bán diễn ra ngay từ lúc cây điều chỉ mới chuẩn bị vào mùa ra bông. Tuy nhiên, mua ở giai đoạn này tiềm ẩn rủi ro cao nhất bởi chưa biết lượng bông lẫn trái của vườn điều ra sao. Tiếp đến là mua vào lúc cây điều đã ra bông và sau là mua khi cây đã tượng trái non. “Mua lúc cây đã ra bông hay có trái non thì rủi ro ít nhưng lợi nhuận cũng sẽ thấp hơn bởi các chủ vườn thường đưa ra mức giá khá cao”, anh Chiến cho biết.

Anh Chiến còn tiết lộ thêm, có những trường hợp người đi mua điều non không chờ thu hoạch mà lại sang tay lại cho người khác (không ít vườn điều trong một mùa đã sang tay qua 3-4 người). Dĩ nhiên, lợi nhuận sẽ ít đi nhưng bù lại không phải phấp phỏng lo điều bị mất mùa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chung tay ngăn chặn mua bán chim hoang dã

0
(SGTT) - Ngày 19-4, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế...

CLB Doanh nhân 2030 thăm và trò chuyện cùng doanh nghiệp...

0
Chiều 16-4, CLB Doanh nhân 2030 - thành viên Saigon Times Club thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, đã tổ chức buổi luận...

Anh đào cuối mùa khoe sắc tại thành phố Kanazawa, Nhật...

0
(SGTT) – Những ngày giữa tháng 4, thành phố Kanazawa – thủ phủ của tỉnh Ishikawa, Nhật Bản đang bước vào những ngày cuối...

Những điều nên làm để giữ sức khỏe mùa nắng nóng

0
Trong thời gian tới, nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm qua....

Thổi bùng vị giác với nồi lẩu gà chanh ớt trưa...

0
(SGTT) – Thịt gà là thực phẩm quen thuộc với nhiều người bởi giá hợp lý, chế biến được nhiều món. Hôm nay, loại...

Đến Hòa Bình khám phá hồ Sam Tạng

0
(SGTT) – Cách thị trấn Mai Châu khoảng 15km, hồ Sam Tạng là điểm check-in chưa được nhiều du khách biết đến khi ghé...

Kết nối