Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Liên kết giải bài toán nhân lực ngành logistics

Lê Anh 

Ngành logistics là một chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng, song ngành này cũng đang chứng kiến cảnh thiếu nhân lực. Cung không đủ cầu, nhiều doanh nghiệp phải tự đào tạo để có nhân viên làm việc.

Hiện nay, các trường đại học không đáp ứng đủ, nhân viên được công ty tuyển về cũng phải đào tạo lại. Ảnh: Lê Anh

Thiếu cả lượng lẫn chất

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), từ năm 2017 – 2025 Việt Nam cần hơn 200.000 nhân sự phục vụ trong ngành logistics. Tuy nhiên, công tác đào tạo như hiện nay đang khiến ngành này rơi vào tình trạng thiếu nhân lực cả về lượng và chất. Hồi tháng 9-2017, VLA đã khảo sát 108 doanh nghiệp của hiệp hội và có đến gần 50% công ty có nhu cầu tuyển thêm từ 15-20% nhân viên trong thời gian tới.

Do thiếu hụt nhân lực, các doanh nghiệp chấp nhận trả mức lương khá cao để hy vọng tìm được người. Khảo sát qua các trang tuyển dụng tại Việt Nam, nhân viên logictics mới ra trường được các công ty đưa mức lương khởi điểm từ 6-7 triệu đồng/tháng. Còn vị trí giám đốc quản lý chuỗi cung ứng có mức lương từ 3.000-4.000 đô la Mỹ/tháng. Dù đưa ra mức lương tương đối cao nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tìm được người làm được việc.

Bà Võ Thị Phương Lan, Tổng giám đốc Công ty giao nhận vận tải Mỹ Á, cho biết hầu như tất cả sinh viên tuyển từ các trường về công ty bà đều phải đào tạo lại. Bản thân bà phải tự soạn giáo trình đào tạo để các nhân viên tuyển về nhanh chóng nắm bắt công việc, và phải mất hai tháng học việc thì họ mới làm được việc.

Hiện nay, những doanh nghiệp logistisc lớn đều phải thành lập ban đào tạo để đào tạo lại các nhân viên mới, còn đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, do không đủ nguồn lực thì phải gửi nhân viên tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn do VLA tổ chức.

Theo VLA, nhu cầu gửi nhân viên đi học của các doanh nghiệp khá cao. Có những tháng, khi hiệp hội thông báo mở lớp dịch vụ khách hàng quốc tế, chỉ trong vòng ba ngày đã có hơn 100 người đăng ký, trong khi lớp chỉ tổ chức cho 50 người.

Để doanh nghiệp đào tạo?

Để giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực ngành logistics, các chuyên gia cho rằng cần liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, thậm chí có thể để doanh nghiệp đào tạo rồi các cơ quan giáo dục thẩm định và cấp bằng cho sinh viên.

Hiện nay, ngành logistics chưa được đào tạo chính thống tại trường đại học và chưa được cấp mã ngành chính thức. Tại TPHCM, ngoài Trường đại học Giao thông Vận tải TPHCM có ngành Quản trị logistics và Vận tải đa phương thức, các trường đại học, cao đẳng khác tuy có chương trình đào tạo về logistics nhưng lại thuộc các khoa như Quản trị kinh doanh, Kinh tế vận tải, Nghiệp vụ ngoại thương, Thương mại và du lịch. Do vậy, sinh viên chỉ được cung cấp các kiến thức cơ bản về nghiệp vụ ngoại thương, vận tải. Trong khi đó, ngành logistics là một chuỗi cung ứng từ nơi sản xuất đến tay người dùng nên lượng kiến thức học rất lớn.

Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển của Trường đại học Kinh tế Quốc dân, hiện nay có tới 80,26% nhân lực trong các công ty logistics chủ yếu được đào tạo thông qua các công việc hàng ngày, 23,6% lao động tham gia các khóa đào tạo trong nước, 6,9% thuê các chuyên gia nước ngoài đào tạo, còn những người tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài chỉ chiếm 3,9%. Điều này cho thấy, việc đào tạo thực tế tại doanh nghiệp là thiết thực, vừa đáp ứng được nhu cầu của người học, vừa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thu Thủy từ VLA cho biết tháng trước, bà được cử sang Úc để tham quan và học hỏi các mô hình đào tạo về logistics. Bà thấy mô hình đào tạo của Úc khá thiết thực và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ đào tạo nhân viên logistics như học ở trường đại học. Sau khóa  học các công ty này đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cấp bằng cho các học viên được doanh nghiệp đào tạo. Cách đào tạo này giúp nhân viên vừa tốt nghiệp là làm được việc ngay.

Theo bà Thủy, Việt Nam có thể học tập theo mô hình này vì nhân lực hiện nay ở các trường đại học không đáp ứng đủ. Hơn nữa, khi nhân viên được công ty tuyển về cũng phải đào tạo lại.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành cho biết, điều cần thiết là làm sao trong các chương trình dạy học có thể kết nối được với yêu cầu của doanh nghiệp để sinh viên ra trường không phải đào tạo lại. Nhận thức được điều này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các trường trong đào tạo nhân lực. Ngược lại, các trường có đào tạo logistics đã liên kết với doanh nghiệp để chương trình học sát thực tế hơn. Chỉ có điều, kết nối này chưa thật sự hiệu quả.

Bà Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), cho biết hiện nay trên địa bàn TPHCM, một năm chỉ cho ra trường được 500 sinh viên ngành logistics, trong khi nhu cầu cần 1.500 nhân viên mới đáp ứng được cho doanh nghiệp.

Theo bà Hòa, cần có chương trình hợp tác dài hạn giữa nhà trường và doanh nghiệp để cho các sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp từ năm thứ 2 để các em có kiến thức thực tế. Bên cạnh đó, cũng cần cho giảng viên tham gia thực tập tại doanh nghiệp, từ thực tế đó giảng viên mới truyền đạt được cho sinh viên. Bà Hòa cho rằng, nếu sinh viên ra trường khắc phục được ba yếu tố là kỹ năng mềm, tiếng anh, kinh nghiệm thực tế thì cơ bản đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Từ năm 2016, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đã kết hợp với Trường đại học Tôn Đức Thắng TPHCM đưa chương trình đào tạo logistics đạt tiêu chuẩn FIATA Diploma (tiêu chuẩn quốc tế) vào dạy ở đại học này.

Theo chương trình này, học viên được học 60% lý thuyết ở trường và ở nhà, 40% thực hành tại doanh nghiệp từ năm thứ nhất cho đến năm thứ tư. Tháng 4-2017, một số sinh viên năm cuối của Trường đại học Tôn Đức Thắng thực tập tại Công ty giao nhận vận tải Mỹ Á và được nhận vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM: sẽ đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm metro...

0
(SGTT) - Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, để dọn mặt bằng làm tuyến metro số 2, hơn 400 cây xanh...

Chuyển một phần chi phí quản lý quỹ BHYT cho quỹ...

0
(SGTT) - Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có đề xuất giảm chi phí của hoạt động quản lý quỹ bảo...

Cận cảnh cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sắp đưa...

0
(SGTT) - Khi đi vào hoạt động, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ nối liền mạch từ Nha Trang đến TPHCM, rút...

Buýt vi vu: Tìm về 4 hội quán của người Hoa...

0
(SGTT) - Vi vu cùng tuyến buýt số 1, du khách có thể khám phá các hội quán của người Hoa ở quận 5...

Người dân đổ về trung tâm TPHCM vui chơi dịp giỗ...

0
(SGTT) - Dịp giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều người TPHCM đã tìm về các địa điểm ở trung tâm thành phố để vui chơi,...

Còn khoảng 32.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa được...

0
(SGTT) -  Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 3-2024, cả nước còn khoảng 32.000 tỉ đồng...

Kết nối