Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Larung Gar, bình yên trên thảo nguyên

Nguyễn Kim Oanh –  

Larung Gar được nhắc nhiều trên những trang du lịch nổi tiếng vì nó gắn liền với một trong những học viện Phật giáo lớn nhất thế giới. Học viện này nằm ở huyện Sắc Đạt trên cao nguyên Thanh Tạng, khu tự trị Cam Tư của người Tạng thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Thung lũng Larung Gar là nơi tọa lạc Viện Phật học Sắc Đạt Ngũ Minh, được xây dựng vào năm 1980. Trước đây, khi mới bắt đầu hình thành viện Phật học này, nơi đây vẫn còn khá hoang vắng.

h_nh-5Đàm Thành hay còn gọi là Mandala, nơi cầu nguyện của các tín đồ Phật giáo Tây Tạng.

Nằm trên độ cao 4.000 m, huyện Sắc Đạt được bao phủ bởi một bầu không khí lạnh giá. Những hôm có tuyết rơi dày đặc, nhiệt độ xuống thấp dưới âm 100C. Tôi tìm đến một nhà nghỉ trông khá sạch sẽ, thuê phòng chung. Cùng phòng tôi ở là ba cô gái người Hà Nam (Trung Quốc) đến đây du lịch. Họ rủ tôi cùng nhau đi ăn lẩu bò Tạng gần đó. Phải nói là giữa cái lạnh rét căm, ăn món lẩu bò này ngon ngất ngây, nhất là sau chặng đường dài tôi chưa có cái gì bỏ bụng. Sau đó tôi về quấn chăn ngủ một giấc tới sáng.

Hôm sau, chúng tôi đón xe đi tham quan viện Phật học cùng cảnh vật nơi huyện miền núi này. Từng dãy nhà nhỏ xinh, cùng một kiểu kiến trúc, đa phần làm bằng gỗ, sơn phếch màu đỏ, xây theo lối bậc thang xếp chồng lên nhau khép kín cả  thung lũng nhỏ, bao quanh cả những dãy núi xung quanh, chỉ một màu đỏ đặc trưng của Phật giáo Tây Tạng. Tôi ngước lên, ngắm nhìn mãi những ngôi nhà màu đỏ ở nơi này mà không thấy chán, vì nó quá khác biệt so với bất cứ nơi đâu.

h_nh-15Góc học tập của ni ở viện Phật học.

Chúng tôi đi vào khu vực của viện Phật học, bên trong nơi này có nhiều ngôi chùa lớn, phân chia rõ ràng nơi trú ngụ và học tập giữa tăng và ni. Các tăng, ni vừa đi vừa lần tràng hạt hay quay vòng kinh luân, trên người khoác những chiếc áo đỏ thật sặc sỡ. Trong thời tiết giá lạnh, họ đi chậm rãi, chỉ nhìn phía trước, có vẻ như không màn đến thế sự.

Như một trường đại học Phật giáo, ở đây thu hút rất nhiều tăng ni khắp nơi đến tu hành và học tập. Người Tạng tu hành chiếm đa số, và phần lớn giáo trình đều học bằng tiếng Tạng, tuy nhiên vẫn có kèm theo giáo trình tiếng Trung và tiếng Anh cho những ai cần nghiên cứu. Hệ thống đào tạo ở viện Phật học gồm hai loại đào tạo là ngắn hạn sáu năm và dài hạn mười ba năm, phải trải qua các khóa thi cử hàng năm.

Bước vào chánh điện, chúng tôi cảm nhận một sự an bình, ấm áp khi nhìn những vị ni ngồi cầu nguyện, không quan tâm đến mọi người xung quanh, tay cầm tràng hạt, tay cầm bánh xe kinh luân quay vòng. Gương mặt họ toát lên vẻ thanh thản, có vẻ như họ có một thế giới riêng bình yên của mình khi tu hành nơi đây.

Theo tìm hiểu trong lúc chúng tôi đi tham quan, hiện tại tổng số tăng ni cư ngụ lên đến hơn ba vạn người, đa phần các gia đình người Tạng nơi này đều có con em đến đây tu hành từ nhỏ.

Chúng tôi tiếp tục đi bộ lên đỉnh núi mà không cần sự giúp sức của những bác tài xe ôm. Trên đỉnh núi có một ngọn tháp tráng lệ tên Tancheng (Đàm Thành), trong tiếng Phạn gọi là Mandala, nơi đây đặt nhiều vòng kinh luận theo tâm vòng tròn cho mọi người cầu nguyện. Theo như tương truyền, nếu bạn có bệnh tật thì đến đây cầu nguyện, quay một trăm vòng kinh luân này bạn sẽ khỏi bệnh, hay cầu nguyện những gì bạn muốn. Đàm Thành được xây dựng kiên cố, dùng để chứa kinh thư, khắp nơi trong viện Phật học này đều có.

h_nh-6Toàn cảnh viện Phật học nhìn từ trên cao.

Sau đó anh tài xế người Tạng đưa chúng tôi đến nơi hành lễ thiên táng. Ngồi trên xe nhìn bên ngoài là bầu trời trong xanh thoáng đãng, xa xa trên những dãy núi cao là những chõm núi tuyết đang tan chảy giữa ánh nắng, những lá cờ Lungta năm màu sắc tượng trưng cho Phật giáo Tây Tạng bay phất phới trên những ngọn núi cao như đang mang những lời cầu nguyện lên trời. Và trong lòng tôi lại nghĩ có khi nào tập tục thiên táng của người Tạng cũng có ý nghĩa giống như lá cờ Lungta.

Người Tạng tin rằng con người sau khi chết thì các linh hồn của họ đã rời khỏi cơ thể và cái xác còn lại chỉ là phần “con”, thi thể người chết được chim ăn sẽ nhanh chóng lên thiên đàng.

h_nh-13Khu vực thiên táng.

Nơi thiên táng (điểu táng) là một bãi đất trống cách chúng tôi đứng nhìn khoảng vài chục mét, được ngăn lại bằng hàng dây kẽm gai. Xa xa là những bầy kền kền đang chờ đến giờ thiên táng. Thủ tục thiên táng nơi này bắt đầu vào 1 giờ 30 phút trưa. Trước khi thiên táng, các vị tăng và gia đình người thân của người đã chết sẽ đi vòng quanh một ngọn tháp lớn.

Tạm biệt một vùng đất Phật huyền bí trong cái giá rét, tôi lại vác ba lô quay lại thành đô tiếp tục khám phá những vùng đất Trung Hoa này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Góc văn hóa Chăm tại Hội An thu hút khách quốc...

0
(SGTT) – Sau khi khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, nhiều du khách quốc tế đã ghé thăm một không gian văn hoá Chăm...

Hợp tác chiến lược ‘song kiếm hợp bích’: KDI Holdings và...

0
Ngày 22-4-2024, thành phố Nha Trang sôi động hơn bao giờ hết khi chứng kiến sự kiện ký kết hợp tác phân phối chiến...

Tổ chức ngày Chung tay gói quà trước thềm Caravan lần...

0
CLB Doanh nhân 2030 tổ chức Ngày Chung tay ráp 200 xe đạp, gói quà, dán decal… chuẩn bị cho hành trình về Kon...

Buýt vi vu: 4 địa điểm nên dừng chân khám phá...

0
(SGTT) - Đình Đông Phú, hội quán Sùng Chính, chùa Sùng Quang hay công viên Đầm Sen… là những điểm du khách có thể...

Tiền Giang: Hạn mặn làm nông dân trồng rau lo mất...

0
(SGTT) - Hiện nay, tình hình sản xuất cây trồng ở nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Bến...

Kết nối