Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Lá “quê” đi Tây

BẢO UYÊN –

Lá khoai mì, lá dứa, lá sầu đâu… hiện đã được một doanh nghiệp ở TPHCM xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu. Tuy nhiên, theo lời lãnh đạo doanh nghiệp, để không “tận diệt” tự nhiên, bà không mua lá non, không tổ chức thu gom lá, mà hợp tác với nông dân quy hoạch vùng nguyên liệu trồng cây chuyên lấy lá.

Lá khoai mì, ta bỏ người xài

Thực tế, câu chuyện lá cây xuất ngoại không phải là điều quá mới mẻ, bởi trước đó đã có các loại lá như lá chanh, lá chuối, lá dong… xuất hiện trong các cửa hàng thực phẩm Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là ở những nước có đông người Việt sinh sống. Các loại lá này đều có nhiều công dụng như dùng để trang trí, làm hương liệu, nguyên liệu…

6aCông ty Tân Đông hợp tác với nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang trồng giống khoai mì ta chuyên lấy lá để xuất đi châu Âu.

Trong khi đó, lá khoai mì chỉ là phụ phẩm nông nghiệp. Sau khi thu hoạch củ, phần lá thường được nông dân dẫm lên ruộng hay phơi khô rồi đốt để tạo dinh dưỡng cho đất. Vì vậy, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi biết loại lá này hiện đang “chu du” ở thị trường các nước Anh, Đức, Pháp, Hà Lan.

Bà Bạch Ngọc Hà, Phó giám đốc Công ty TNHH SX-TM Tân Đông, kể: “Thời gian đầu đi thu mua lá khoai mì, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn. Bà con nông dân tưởng chúng tôi là thương lái Trung Quốc chuyên đi thu mua các sản phẩm lạ nên rất dè chừng”. Theo bà Hà, lá khoai mì là món ăn yêu thích của người dân gốc Phi ở châu Âu. Sau khi làm sạch, xay nhuyễn, người nấu cho thêm gia vị, hải sản… tạo nên món súp truyền thống của những người dân này.

Lá khoai mì cũng giống như các loại nông sản khác ở trong nước, không dễ dàng để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Trước tiên, đó phải là giống khoai mì ta, phù hợp trong việc chế biến món ăn. Tiếp theo, lá phải đảm bảo được các yêu cầu về an toàn theo quy định của các nước EU.

Sau khi thu mua, từng chiếc lá sẽ được phân loại, cắt bỏ cuống bằng biện pháp thủ công, rồi được rửa sạch, ngâm qua nước muối và qua nhiều khâu xử lý chuyên biệt khác. Sản phẩm cũng sẽ được lấy mẫu để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn trước khi đóng thùng xuất khẩu. Bà Ngọc Hà cho biết hiện công ty xuất khẩu trung bình một năm khoảng 6-10 tấn lá khoai mì sang thị trường châu Âu.

Sau một thời gian thu mua lá khoai mì ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, Công ty Tân Đông quyết định hợp tác với nông dân ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang để trồng giống khoai mì ta chuyên lấy lá, nhằm đảm bảo có vùng nguyên liệu sạch và ổn định.

Nếu như trồng khoai mì lấy củ, nông dân phải mất 8-9 tháng thì với khoai mì trồng chuyên lấy lá, chỉ cần trồng 40 ngày là đã thu hoạch được. Do đó, tuy phải tốn nhiều công sức để thích nghi, áp dụng phương pháp trồng mới nhưng người trồng sẽ nhanh thu lãi, trồng được nhiều vụ trong năm và hơn hết là có nguồn ra ổn định cho sản phẩm.

6bVới khoai mì trồng chuyên lấy lá, chỉ cần trồng 40 ngày là đã thu hoạch được.

Không chỉ lá khoai mì

Sau chuyến xuất ngoại thành công của lá khoai mì, Công ty Tân Đông bắt đầu hướng đến các loại lá khác như lá dứa, lá sầu đâu, lá khổ qua, lá giấm… Nếu như ban đầu lá khoai mì là do đối tác nước ngoài đặt hàng thì đến các loại lá này, công ty đã chủ động gửi mẫu sang thăm dò. “Tôi chỉ nghĩ đơn giản là người Việt dùng được thì người nước ngoài cũng có thể, vậy là cứ thử”, bà Hà kể.

Vậy là, các loại lá “quê” của Việt Nam lần lượt được xuất sang châu Âu. Nếu lá khoai mì là nguyên liệu nấu súp thì lá khổ qua lại được dùng làm trà, lá dứa làm hương liệu, lá sầu đâu và lá giấm được dùng làm các món salad… Theo bà Hà, thị trường cạnh tranh lớn nhất hiện nay đối với các loại lá nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung là hàng của Thái Lan. Tuy nhiên, các loại lá mà Việt Nam xuất đi vẫn được người dùng châu Âu đánh giá cao nhờ giữ được hương vị tự nhiên, điều mà các giống cây trồng lai của Thái Lan không có được.

Để giữ được ưu thế này, ngoài việc không tác động sinh học lên cây, người nông dân còn được khuyến khích giữ gìn các giống cây bản địa không bị lai tạp; bên cạnh đó là ổn định chất lượng và số lượng cây trồng, không ham trồng nhiều và chạy theo phong trào. “Tôn chỉ hàng đầu của chúng tôi là không tận diệt thiên nhiên. Chúng tôi không thu mua các loại lá non và cũng không ủng hộ việc nông dân đổ xô đi thu gom lá hay trồng giống cây nào đó”, bà Hà nói.

Theo bà Hà, từ chuyện xuất khẩu thành công những chiếc lá tưởng như ít giá trị này, có thể thấy điều quan trọng là doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thị trường và tìm ra cơ hội, đồng thời hợp tác với nông dân trong việc định hướng sản xuất rõ ràng, dài hạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nông sản mới từ ca cao và mật hoa dừa vùng...

0
(SGTT) -  Sau sự thành công của các vị socola khác nhau như socola tiêu Phú Quốc, quế Trà Bồng, dừa Bến Tre, mắc...

Thúc đẩy nông nghiệp xanh từ nỗ lực thay thế thuốc...

0
(SGTT) - Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế hoá học để hiện thực hoá ngành nông nghiệp xanh là...

Đức hỗ trợ đào tạo nghề nông theo hướng phát triển...

0
(SGTT) - Ngành nông nghiệp không chỉ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế mà cả với vấn đề biến...

Dược liệu Việt Nam vẫn xuất khẩu phần lớn ở dạng...

0
(SGTT) - Dù có nhiều tiềm năng nhưng dược liệu mới chỉ mang về nguồn thu khiêm tốn cho Việt Nam. Một trong những...

Xuất khẩu thanh long sang Anh vẫn diễn ra bình thường

0
Văn phòng SPS Việt Nam khẳng định chưa nhận được bất kỳ cảnh báo nào về việc thanh long Việt Nam vi phạm về...

Kết nối dữ liệu cho sản xuất và kinh doanh nông...

0
Nhằm tập hợp các dữ liệu liên quan đến sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh nên sẽ có một trung tâm Nông nghiệp...

Kết nối