Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Kinh doanh sân khấu: phần lớn thua lỗ

Nguyễn Huy-

Sau thời gian dài tạm ngưng để xây mới, sân khấu Thế giới trẻ bắt đầu tái phục vụ khán giả vào ngày 26-10-2017 qua vở Chuyện tình Băng-cốc khá ăn khách trong thời gian qua. Theo “ông – bà bầu” Trần Đại – An Thi, tổng số tiền đầu tư vào việc “khoác chiếc áo mới” cho Thế giới trẻ lên đến 5 tỉ đồng.

Nghe qua mức đầu tư này, có thể nhiều người nghĩ rằng chủ sân khấu có thể thu được lợi nhuận cao nên mới dám chi mạnh tay đến thế. Tuy nhiên, trên thực tế, một số người trong cuộc cho biết nghề bầu sân khấu trong bối cảnh hiện tại đang ở bờ vực giữa sự tồn tại hoặc đóng cửa.

 1BAUSANKHAUSân khấu Thế giới trẻ sau khi đầu tư 5 tỉ đồng xây mới đã tái ngộ khán giả qua vở Chuyện tình Băng-cốc.

Nhiều sân khấu rơi vào khó khăn

Hiện các sân khấu phía Nam đối mặt với nhiều khó khăn. Trước đây, có một số sân khấu như Idecaf (quận 1, TPHCM) từng đông khách một thời gian dài, nhưng khoảng hai năm trở lại đây, tình trạng trả vé tại những sân khấu kịch này xảy ra đều đặn.

Một vài vở diễn lớn vẫn có tình trạng cháy vé, nhưng phần đông còn lại có khi sân khấu phải xin lỗi khán giả, trả lại vé và không diễn vì lượng vé bán được quá ít ỏi. Chẳng hạn như, sau khi công diễn vở Người vợ ma và được nhiều khán giả đón nhận, sân khấu kịch Phú Nhuận cũng ăn nên làm ra. Tuy nhiên, về sau, tình trạng khán giả trả vé không còn lạ lẫm với nơi đây.

Việc sân khấu mở màn khi khán giả chỉ chiếm phân nửa rạp dần trở thành hiện tượng bình thường trong ngành kinh doanh sân khấu kịch. Nhiều sân khấu mới ra đời trong vài năm trở lại đây cũng nhanh chóng rơi vào cảnh khó khăn.

Gần đây nhất, vào tháng 9-2017, sân khấu Rubbik ra mắt tại Nhà thiếu nhi quận 4 TPHCM. Trong năm 2017, nghệ sĩ Minh Nhí mở sân khấu kịch Minh Nhí. Trước đó, NSƯT Việt Linh mở sân khấu Hồng Hạc, Gia Bảo (cháu nội của NSƯT Bảo Quốc) mở sân khấu tại Đài tiếng nói TPHCM. Vài nghệ sĩ đam mê kịch đã mở sân khấu tại khu dân cư quận 9 (TPHCM). Khi ấy, một ông bầu trẻ tuổi cũng dựng sân khấu Tâm Ngọc.

Và, đến thời điểm này, có không ít sân khấu phải đóng cửa. Chẳng hạn như, sân khấu của Gia Bảo đã đóng cửa. Sân khấu kịch Tâm Ngọc (quận 10), sân khấu tại quận 9 đã không còn tồn tại trong tâm trí khán giả vì đã ngưng hoạt động. Sân khấu Hồng Hạc sau thời gian dài thưa vắng khách, được dự báo sẽ bỏ cuộc chơi trong nay mai.

Sân khấu Minh Nhí mở cửa được ít lâu và buộc phải tạm ngưng một thời gian. Sau khi mở cửa trở lại thì sân khấu này chuyển sang hoạt động theo kiểu trình diễn tạp kỷ. Nghĩa là, có lúc diễn kịch, có lúc diễn tổng hợp hài và ca nhạc.

Theo những người am hiểu, đầu tư cho một sân khấu nhìn bề ngoài thấy đơn giản, nhưng khi tính toán kỹ, số tiền bỏ ra không nhỏ, trong đó có những chi phí như thuê mặt bằng, tiền thuế, cát-xê cho diễn viên, đạo diễn, tác giả kịch bản, điện, nước, âm thanh, ánh sáng, phục trang, cảnh trí, nhân viên hậu đài, nhân viên bán vé, soát vé.

Nếu bán vé không được, chủ sân khấu có thể thương lượng để diễn viên thông cảm và đồng ý giảm tiền cát-xê, nhưng các chi phí khác thì không thể thay đổi.

Sân khấu Thế giới trẻ là đơn vị đặc biệt thành công về doanh thu. Sau 3 năm chịu lỗ, 5 năm trở lại đây sân khấu này luôn trong tình trạng “cháy vé”. Việc “ông – bà bầu” Trần Đại – An Thi dám bỏ ra 5 tỉ đồng để xây mới nhà hát, trang bị mới ghế ngồi, máy lạnh, khiến nhiều người nghĩ rằng sân khấu này đang kinh doanh phát đạt.

Nói về điều này, bà bầu An Thi cho biết: “Nếu muốn làm giàu thì đừng kinh doanh sân khấu. Chúng tôi đã đổ một số tiền rất lớn để đầu tư cho 3 năm đầu tiên. Vì thiếu kinh nghiệm nên lỗ sạch. Từ năm thứ tư trở đi, bắt đầu bán được vé. Tiền lãi dùng tái đầu tư vở mới, còn tiền tổn thất trước kia vẫn chưa thu hồi đủ. Chúng tôi dám đầu tư mạnh vì chúng tôi có nguồn thu lớn từ bất động sản. Chúng tôi trót yêu kịch nghệ rồi nên chúng tôi muốn góp sức làm cho sân khấu lung linh hơn”.

Vì đâu nên nỗi?

Có ý kiến cho rằng sở dĩ khán giả ít đến rạp xem kịch vì chất lượng kịch đi xuống. Điều này cũng được chính các ông, bà chủ sân khấu thừa nhận. Lý do xuất phát từ kịch bản kém.

Ngoài ra, cũng có một nguyên nhân khác. Đó là, nhiều diễn viên đua nhau chạy sô diễn bên ngoài sân khấu. Sự bận rộn của họ khiến cho đạo diễn khó tuân thủ lịch tập luyện nghiêm túc. Thậm chí, trong những suất diễn đã được định trước, nhiều diễn viên bỏ vai để chạy sô, khiến các chủ sân khấu phải dùng biện pháp tìm diễn viên thế vai. Điều này khiến cho chất lượng vở diễn không ổn định. Khán giả chán nản.

Thêm vào đó, ngày càng có nhiều các trò chơi truyền hình, nên chỉ cần ngồi nhà và không mất tiền, khán giả có thể xem được nhiều thứ mình thích. Trong khi đó, đến sân khấu xem kịch, khán giả vừa tốn tiền, mất thời gian, mà vở diễn không phải lúc nào cũng hay.

Trước tình trạng thua lỗ, nhiều chủ sân khấu phải vận dụng một số biện pháp linh hoạt để tồn tại. Sân khấu Idecaf về cơ bản vẫn có thể hoàn vốn từ sân khấu kịch. Đôi khi doanh thu thiếu hụt, “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn bù đắp bằng việc tổ chức chương trình kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa hoặc tiền lãi từ sân khấu rối nước Rồng Vàng.

Sân khấu Hồng Vân, sân khấu Minh Nhí, sân khấu Trịnh Kim Chi được nuôi sống bằng hai nguồn tiền chính. Thứ nhất, đó là chi phí từ các lò đào tạo. Việc mở lớp dạy diễn xuất, ngoài việc tìm kiếm nhân tố trẻ còn giúp sân khấu có khoản thu đáng kể.

Nguồn thứ hai đến từ tiền chạy sô phim ảnh, các trò chơi truyền hình của chính các “ông, bà bầu” vốn là những nghệ sĩ ăn khách như NSND Hồng Vân, Minh Nhí, NSƯT Trịnh Kim Chi. Riêng NSND Hồng Vân và NSƯT Trịnh Kim Chi có kinh doanh các lĩnh vực khác. Nếu việc kinh doanh sân khấu bị thiếu hụt tiền, họ có thể lấy khoản khác bù lỗ.

Trường hợp sân khấu Hoàng Thái Thanh khiến cho nhiều nghệ sĩ khâm phục trước lập trường của “ông – bà bầu” Ái Như – Thành Hội. Hai nghệ sĩ này không nhận sô diễn ngoài, cũng không kinh doanh thêm ngành phụ. Được biết, họ có thể chống chọi với khó khăn là nhờ sự hỗ trợ tài chính của mạnh thường quân – là người thân trong gia đình. Đây là những người đam mê kịch nghệ đòi hỏi cao tính thẩm mỹ nên ủng hộ phong cách kịch chọn lọc khán giả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thơm lừng góc chợ Gò Vấp gánh súp cua cô Liên,...

0
(SGTT) - Nếu có dịp đi ngang chợ Gò Vấp và ghé nơi đây mua sắm, ẩm thực là một trong những điều mà...

Hà Nội: Gần 80 gian hàng tham gia Lễ hội Ẩm...

0
Sau ba mùa thành công trước đó, Lễ hội Ẩm thực Pháp "Balade en France" sẽ trở lại với quy mô lớn gấp đôi...

Công thức hai món ăn ‘hot trend’: Milo nấm và bánh...

0
(SGTT) - Sau nhiều trào lưu ẩm thực, hai món ăn milo nấm và bánh mì phô mai tan chảy hiện đang là trào...

‘Mùa cỏ cháy’ trên cung đường trekking Tà Năng – Phan...

0
(SGTT) - Tà Năng - Phan Dũng được xem là một trong những cung đường trekking bậc đẹp nhất Việt Nam. Với thảm thực...

Trưa nay ăn gì: Thưởng thức bánh canh khô, món ăn...

0
(SGTT) – Trong văn hóa ẩm thực vùng miền, bánh canh khô là món ăn đặc trưng của người dân xứ Huế. Khi nấu...

Buýt vi vu: Khám phá những mảng xanh ở TPHCM cùng...

0
(SGTT) - Trên hành trình vi vu từ quận 1 đến bến xe An Sương (huyện Hóc Môn) cùng xe buýt số 65, du...

Kết nối