Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Kiếm tỉ đô la từ “đồ si”

Chánh Tài –

“Đồ si” là từ mà nhiều người tiêu dùng Việt Nam quen gọi để chỉ những bộ quần áo cũ, những bộ quần áo đã qua sử dụng nay bán lại cho người khác. Mặc dù là đồ cũ, nhưng loại quần áo này có thị trường riêng của nó, với đối tượng khách hàng là những người có thu nhập thấp.

Chuộng đồ si mác Nhật

Nhu cầu thị trường đang mang lại cơ hội kinh doanh cho nhiều người, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả Nhật Bản. Theo Nikkei Asian Review, các nhà bán lẻ quần áo cũ Nhật Bản đang len lỏi vào thị trường Đông Nam Á, nơi có thị hiếu sính đồ cũ chất lượng tốt, giá rẻ đến từ xứ sở hoa anh đào.

Trước đây, các nhà kinh doanh thời trang cũ Nhật Bản mua những áo quần không còn dùng đến của người tiêu dùng trong nước và bán lại chúng ở các cửa hàng ở nước này. Ngoài việc cung cấp các cho khách hàng áo quần còn tốt với giá rẻ, các nhà bán lẻ này còn khuyến khích tái sử dụng những bộ đồ cũ, qua đó giúp giảm gánh nặng cho môi trường. Người dân Nhật Bản vứt bỏ khoảng một triệu tấn áo quần cũ mỗi năm, phần lớn là đem đốt. Tuy nhiên thời gian gần đây, các nhà bán lẻ đồ second-hand Nhật Bản nhận thấy rằng người tiêu dùng ở các nước Đông Nam Á rất chuộng hàng thời trang cũ của nước này.

Cửa hàng bán đồ cũ Jalan Jalan Japan ở Subang Jaya, ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia). Ảnh: afifahaddnan.blogspot.my

Don Don Up, một chuỗi cửa hàng bán áo quần cũ ở tỉnh Iwate, phía bắc Nhật Bản, đã khai trương một cửa hàng có tên gọi Dondondown ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia từ năm 2014. Giờ đây, Don Don Up đang có 12 cửa hàng ở Campuchia và dự kiến sẽ nâng con số cửa hàng ở đây lên 50 vào năm 2021. Don Don Up cũng lên kế hoạch khai trương các cửa hàng ở Thái Lan, Việt Nam và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

“Hầu hết người dân ở Campuchia, dù là những người có thu nhập thấp, đều có smartphone, nhờ vậy mà giờ đây họ có thể tiếp cận đầy đủ thông tin và ý thức hơn về những gì họ mặc và cách họ mặc”, Akifumi Okamoto, Chủ tịch của Don Don Up nói.

Mặt khác, các thương hiệu thời trang nhanh toàn cầu (fast fashion) hầu như chưa đổ bộ vào đất nước chùa tháp này. Đó là lý do tại sao Don Don Up nhìn thấy nhu cầu áo quần cũ có thương hiệu đang tăng lên ở Campuchia.

Chính sách của Don Don Up là “mua bất kể thứ gì ngoại trừ đồ lót”. Tại 51 cửa hàng ở Nhật Bản, Don Don Up chưa bao giờ từ chối mua áo quần cũ do người tiêu dùng mang đến, dù là những bộ trang phục mà nhiều nhà kinh doanh đồ cũ khác từ chối mua, chẳng hạn như áo quần bị vết ố cũng như áo quần có in tên của chủ nhân. Đối với các trang phục bình thường, Don Don Up sẽ trả 500 yen (4,5 đô la Mỹ)/kg. Trong khi đó, áo quần cũ của các thương hiệu thời trang cao cấp sẽ được mua với các mức giá cao hơn tùy theo danh tiếng của thương hiệu.

Don Don Up sẽ chọn ra những món đồ sẽ được bán ở chuỗi cửa hàng tại Nhật Bản, phần còn lại sẽ chuyển ra các cửa hàng ở nước ngoài. Tính từ đầu năm đến nay, Don Don Up đã xuất khẩu 2.865 tấn quần áo cũ.

Các công ty buôn bán áo quần cũ lớn hơn cũng đang đi theo con đường của Don Don Up. Năm 2016, công ty chuyên buôn bán đồ cũ Geo, có trụ sở ở thành phố Nagoya, đã xuất khẩu 10.000 tấn áo quần cũ sang Đông Nam Á và những nước khác. Con số này tăng 50% so với năm trước đó.

Công ty Treasure Factory, sở hữu 100 cửa hàng bán đồ cũ từ áo quần cho đến đồ điện ở Nhật Bản, giờ đây đang có một cửa hàng bán hàng thời trang cũ ở Bangkok, Thái Lan. Ngoài việc bán áo quần cũ nhập khẩu từ Nhật Bản, cửa hàng này còn mua áo quần cũ của người dân địa phương và bán lại cho người tiêu dùng nơi đây. Trong khi đó, Vector, một công ty buôn đồ cũ khác của Nhật Bản, cũng đang xuất khẩu áo quần cũ sang Lào và các nước Đông Nam Á khác.

Doanh thu tỉ đô

Theo tạp chí Re-use Business Journal, đã có khoảng 20 công ty bán đồ cũ Nhật Bản thành lập 62 cửa hàng và nhà phân phối ở tám nước Đông Nam Á trong những năm gần đây. Những cửa hàng này bán mọi món đồ cũ đến từ Nhật Bản từ thú nhồi bông, sách, xe đẩy trẻ em, chén dĩa cho đến áo quần, túi xách và giày dép… Doanh thu hàng năm của họ lên đến gần một tỉ đô la Mỹ.

Công ty Bookoff, có trụ sở ở thành phố Sagamihara, sở hữu 832 cửa hàng kinh doanh đồ cũ ở Nhật Bản, chủ yếu là bán sách, truyện tranh cũ. Cuối năm ngoái, thông qua công ty con Bok Marketing, Bookoff khai trương cửa hàng bán đồ cũ đầu tiên tại Subang Jaya, ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia). Cửa hàng này có tên gọi Jalan Jalan Japan, chuyên bán hàng thời trang, đồ gia dụng, dụng cụ thể thao, nhạc cụ, đồ chơi, truyện tranh cũ của Nhật Bản. Hiện nay, mỗi tháng, cửa hàng bán được khoảng 15.000 bộ áo quần cũ dành cho nữ giới với giá trung bình 2,3 đô la Mỹ cho mỗi món trang phục.

Nhận thấy tình hình kinh doanh thuận lợi, Bookoff đã quyết định mở thêm cửa hàng Jalan Jalan Japan thứ hai ở Kuala Lumpur vào tháng 9 vừa qua. Về dài hạn, Bookoff đang lên kế hoạch mở rộng mạng lưới cửa hàng ở Malaysia và có thể xây dựng một nhà kho tại nước này trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM: sẽ đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm metro...

0
(SGTT) - Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, để dọn mặt bằng làm tuyến metro số 2, hơn 400 cây xanh...

Chuyển một phần chi phí quản lý quỹ BHYT cho quỹ...

0
(SGTT) - Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có đề xuất giảm chi phí của hoạt động quản lý quỹ bảo...

Cận cảnh cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sắp đưa...

0
(SGTT) - Khi đi vào hoạt động, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ nối liền mạch từ Nha Trang đến TPHCM, rút...

Buýt vi vu: Tìm về 4 hội quán của người Hoa...

0
(SGTT) - Vi vu cùng tuyến buýt số 1, du khách có thể khám phá các hội quán của người Hoa ở quận 5...

Người dân đổ về trung tâm TPHCM vui chơi dịp giỗ...

0
(SGTT) - Dịp giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều người TPHCM đã tìm về các địa điểm ở trung tâm thành phố để vui chơi,...

Còn khoảng 32.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa được...

0
(SGTT) -  Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 3-2024, cả nước còn khoảng 32.000 tỉ đồng...

Kết nối