Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Kết nối tiêu thụ nông sản

Khoảng 130 đơn vị cung cấp thuộc các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ và TPHCM cùng các nhà phân phối như Aeon Mall, Metro, Big C, Lotte Mart, Co.opXtra, Goldmart…đã tham gia “Hội nghị kết nối nhà phân phối với nhà cung cấp” diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm 2014 (Hi-Tech Agro 2014) vừa tổ chức tại TPHCM. Mục đích chính của hội nghị là tạo cơ hội kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa các đơn vị sản xuất với các nhà phân phối.

Hợp tác cùng có lợi

Tại hội nghị, ông Hồ Xuân Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) – đơn vị tổ chức Hi-Tech Agro 2014 – cho biết các đơn vị cung cấp đã có buổi giới thiệu sản phẩm với đại diện các siêu thị, chợ và trung tâm thương mại trên địa bàn TPHCM. Khoảng 250 lượt tiếp xúc trực tiếp giữa các nhà phân phối và nhà cung cấp đã được thực hiện và một số hợp đồng đã được ký kết. Chẳng hạn, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Uy Tín, chủ siêu thị trực tuyến Goldmart, đã ký hợp đồng giới thiệu, kinh doanh các sản phẩm của bốn doanh nghiệp gồm Hợp tác xã Trường Sơn với cà phê thương hiệu Con Sóc; Công ty TNHH Linker Vietnam với cà phê Pihatt; Công ty Ca cao Xuân Ron Chợ Gạo với các sản phẩm bột ca cao, bơ ca cao, sô cô la đắng; Công ty TNHH Tân Lâm Long với sản phẩm trà thảo dược túi lọc Hibiscus Vô Thường. Ngoài ra, Công ty TNHH Rau sạch Việt Thụy Phát cũng ký biên bản ghi nhớ về tiêu thụ dưa lê vân lưới với bà Phạm Thị Tuyết Mai, chủ vựa trái cây B15-B17 thuộc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Hóc Môn.

Nhiều hợp đồng cung cấp nông sản đã được ký kết tại hội nghị “Kết nối nhà phân phối với nhà cung cấp”. Ảnh: Nguyễn Quyên
Nhiều hợp đồng cung cấp nông sản đã được ký kết tại hội nghị “Kết nối nhà phân phối với nhà cung cấp”. Ảnh: Nguyễn Quyên

Ông Dương Minh Quang, Phó tổng giám đốc liên doanh siêu thị Co.op Xtra (thuộc Saigon Co.op), nói rằng hàng hóa muốn vào hệ thống siêu thị này phải đáp ứng ba yêu cầu cơ bản là đúng nhu cầu của người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả phù hợp. Theo ông Quang, ngoài bán lẻ, Saigon Co.op hiện còn có thêm mảng xuất khẩu sau khi liên doanh với hợp tác xã hàng đầu của Singapore là NTUC FairPrice – hệ thống đang chiếm hơn 60% thị trường bán lẻ ở Singapore. NTUC FairPrice đang có nhu cầu thông qua Saigon Co.op nhập hàng từ Việt Nam, đặc biệt là nông sản với số lượng lớn.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Nghị, chuyên viên thu mua của Công ty Đầu tư Thương mại Thái Bình – doanh nghiệp chuyên cung cấp hàng Việt Nam cho một số thị trường ở Nam Mỹ – hàng Việt Nam hiện đang được ưa chuộng ở đây, đặc biệt là tại Cuba vì giá cả và chất lượng phù hợp. “Đến hội nghị này, chúng tôi muốn tìm kiếm thêm đối tác cung ứng nguồn nông sản có chất lượng tốt để phân phối cho các thị trường ở Nam Mỹ”, ông Nghị nói.

Hội nghị kết nối nhà phân phối với nhà cung cấp không chỉ tạo cơ hội cho các nhà phân phối tìm kiếm nguồn hàng mà cũng là dịp để các nhà cung cấp giới thiệu và tìm kiếm thị trường ổn định cho hàng nông sản. Ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại-du lịch huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, cho biết địa phương của ông trồng nhiều loại trái cây với sản lượng lớn nhưng tiêu thụ qua các siêu thị rất ít. Vì thế, tham gia hội nghị này, ông mong muốn gặp gỡ các siêu thị, các chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM để có thể giúp nông dân tìm được kênh phân phối ổn định. Tại hội nghị, ông đã trao đổi với Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn và hai bên đã thỏa thuận sau khi kiểm tra, khảo sát, nếu tình hình thuận lợi thì sẽ tiến tới ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Tương tự, ông Lâm Văn Sáu, Chủ nhiệm Hợp tác xã Khoai lang-mì xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Phú, tỉnh Trà Vinh, tỏ ra phấn khởi sau khi nói chuyện với đại diện chợ đầu mối Hóc Môn. “Cơ hội đưa nông sản vào chợ khá khả quan. Nếu ký kết được hợp đồng tiêu thụ với các chủ vựa thì nông dân quê tôi sẽ có cuộc sống tốt hơn”, ông nói.

Ông Tạ Văn Bông, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Thương hiệu ớt Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, cũng cho biết sản phẩm ớt của hợp tác xã hiện đã được xuất khẩu qua một số nước nhưng vẫn còn bấp bênh. Vì vậy, giá cả sản phẩm không ổn định, có khi lên 50.000-60.000 đồng/kg nhưng cũng có lúc chỉ còn 12.000-13.000 đồng/kg. Tại hội nghị này, ông Bông đã tiếp xúc với đại diện Lotte Mart và Công ty Chế biến thực phẩm Bông Mai… Ông hy vọng, với các chính sách hỗ trợ từ nhà phân phối, ớt Thanh Bình sẽ có mặt tại các siêu thị ở TPHCM.

Tiếp cận khách hàng tiềm năng

Không chỉ tìm kiếm cơ hội kết nối với các nhà phân phối lớn, nhiều doanh nghiệp còn xem Hi-Tech Agro 2014 là dịp để đến gần hơn với khách hàng tiềm năng.

Công ty Le Fruit (quận 2, TPHCM) đã có 10 năm sản xuất nước ép trái cây với kênh phân phối chính là các nhà hàng, khách sạn. Hi-Tech Agro 2014 được doanh nghiệp này xem là cơ hội để tiếp cận khách hàng tiềm năng bằng cách mời dùng thử sản phẩm. “Chúng tôi đã có chỗ đứng trên thị trường; song với người tiêu dùng, chúng tôi ít nhiều vẫn còn xa lạ”, đại diện của Le Fruit nói.

Tương tự, Công ty Ca cao Xuân Ron Chợ Gạo (Tiền Giang) đem đến Hi-Tech Agro 2014 sản phẩm bột ca cao đóng hộp. Công ty này xác định mời khách hàng dùng thử sản phẩm là chính chứ không đặt nặng doanh thu. Do vậy, thay vì chỉ thuê một gian hàng như nhiều đơn vị khác, công ty này thuê hai vị trí ngay khu vực trung tâm hội chợ. Những lúc vắng khách, bộ phận tiếp thị của công ty đến mời nhân viên ở những gian hàng khác dùng thử.

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại cà phê Đỏ (TPHCM) thì đưa đến hội chợ sản phẩm cà phê phin giấy sử dụng một lần. Công ty này mới thành lập nên tham gia hội chợ được xem là một cách để tạo bước đệm trước khi giới thiệu sản phẩm ra thị trường.

Trong khi đó, với người dân thành phố, Hi-tech Agro 2014 cũng là cơ hội để mua các loại đặc sản với giá khuyến mãi. Chẳng hạn, mật ong rừng U Minh, kẹo dừa Bến Tre, khoai lang Nhật Đắk Nông, nước gấc, rượu sen hồng từ Đồng Tháp, hay các loại hoa lan nuôi cấy mô của các công ty đóng trên địa bàn TPHCM.

Trong suốt thời gian diễn ra hội chợ, ngày nào bà Nguyễn Thị Lụa (60 tuổi) cũng đến mua đặc sản. Bà cho biết hội chợ có nhiều sản phẩm chưa thấy bán ở siêu thị; hơn nữa, mua hàng ở hội chợ còn được giảm giá đến 30%, thậm chí mua một tặng một.

Quyên Vân Hùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nông sản mới từ ca cao và mật hoa dừa vùng...

0
(SGTT) -  Sau sự thành công của các vị socola khác nhau như socola tiêu Phú Quốc, quế Trà Bồng, dừa Bến Tre, mắc...

Xuất khẩu thanh long sang Anh vẫn diễn ra bình thường

0
Văn phòng SPS Việt Nam khẳng định chưa nhận được bất kỳ cảnh báo nào về việc thanh long Việt Nam vi phạm về...

Nguồn cung khan hiếm, giá thanh long tăng mạnh

0
Giá thanh long ở vùng trồng trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long là Long An và Tiền Giang hiện đạt mức rất...

Sầu riêng Ri6 có mặt tại siêu thị của Anh

0
Lô hàng sầu riêng Ri6 của Việt Nam lần đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch và được bày bán ở siêu thị của...

Cảnh báo giả mạo giấy chứng nhận xuất khẩu nông sản...

0
Văn phòng SPS Việt Nam cảnh báo về biểu mẫu giấy chứng nhận đăng ký của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) kèm...

Khoai lang đi Trung Quốc khó ‘đột phá’ trong năm 2023

0
Nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với khoai lang Việt Nam đang rất lớn. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra cho...

Kết nối