Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Kể chuyện quê mình

Minh Duy

Với khách phương xa, thiên nhiên tươi đẹp, nét văn hóa đặc sắc hay những câu chuyện đời thường của người Việt Nam có thể cho họ những trải nghiệm khó quên trong chuyến du ngoạn ở đất nước miền nhiệt đới. Không chỉ có vậy, những người làm du lịch đang cố gắng tạo ra các sản phẩm mới, kết nối những ngóc ngách trong thành phố thành những câu chuyện để kể cho du khách nghe.

Kết nối quá khứ

Là người Sài Gòn, mấy ai lại không biết những con phố nghề như chợ Tân Thành chuyên bán phụ tùng xe, khu Ngô Gia Tự bán đồ gỗ, phố đông y ở Hải Thượng Lãn Ông, hay phố chụp ảnh, làm thiệp cưới ở Lý Thái Tổ… Và chắc cũng có nhiều người biết đến những khu chung cư cũ có tuổi đời gần nửa thế kỷ, hay từng nghe nói ở đâu đó trong lòng đô thị hiện đại như TPHCM vẫn còn những làng nghề thủ công như dệt vải, làm bánh tráng.

Với nhiều người, những nơi kể trên có thể bình thường. Nhưng với du khách nước ngoài, những con phố trên cho họ một trải nghiệm mới mẻ. Đó là điều mà Trần Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH Bước chân Đông Dương, đã nghĩ đến. Anh kết nối những điều tưởng như quá quen thuộc đằng sau những con phố tấp nập của Sài Gòn thành một câu chuyện để giới thiệu với du khách quốc tế trong tour mới có tên gọi là Saigon Backstreet Tour.

Với khách phương xa, thiên nhiên tươi đẹp, nét văn hóa đặc sắc hay những câu chuyện đời thường của người dân bản xứ có thể cho họ những trải nghiệm khó quên. Ảnh: Phan Thanh Cường

Hoàng Anh vừa cho một nhóm khách Thụy Sĩ đi thử tour. Anh kể, có vị khách đã thốt lên “không thể tin được” sau khi luồn lách qua những chiếc cầu thang cũ kỹ để nhìn xuống phía dưới chung cư Nguyễn Thiện Thuật. Ở đó là một thế giới thu nhỏ với đủ dịch vụ, còn cuộc sống trong khu chung cư đã phủ xanh rêu theo thời gian lại sống động đến không ngờ. Có người thắc mắc về chuyện, làm sao có thể cạnh tranh được khi những người bán cùng một món hàng lại tề tựu với nhau trên cùng một con phố, và rồi lại ngạc nhiên khi biết ở Việt Nam phải “buôn có bạn, bạn có phường” thì khách mới đông.

“Phản hồi của khách rất tốt. Tôi đang hoàn tất những công việc cuối cùng để đưa Saigon Backstreet Tour ra chào bán vào cuối tháng 1-2018”, Hoàng Anh nói, và kỳ vọng Saigon Backstreet Tour cũng sẽ nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ khách hàng như một dòng sản phẩm khác của công ty là Saigon Food Tour, tour đưa du khách khám phá ẩm thực đường phố đã làm được trong những năm gần đây.

Trong khi Hoàng Anh gần như đã xong khâu chuẩn bị tour kể chuyện đường phố Sài Gòn thì ngoài Hà Nội, ông Phạm Hà, Giám đốc điều hành của Công ty Luxury Travel, đang chuẩn bị một câu chuyện khác. Đó là chuyện về những kinh đô cổ của Việt Nam, chuyện những cánh rừng, những bản làng dọc những con sông lớn của vùng Tây Bắc, những làng mạc và đô thị hai bên sông Hồng cùng thủ đô Hà Nội cổ kính và hiện đại.

Chương trình du lịch bằng du thuyền này sẽ kéo dài trong tám ngày, cho khách khám phá bốn kinh đô cổ gồm Văn Lang, Cổ Loa, Hoa Lư và Thăng Long. Du thuyền sẽ đưa khách đi lòng hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, xuôi sông Đà chạy đến ngã ba Bạch Hạc để về Việt Trì rồi xuôi ra sông Hồng. Suốt quãng đường dài đó, nhà tour sẽ đưa du khách ghé lại những ngôi làng còn nguyên nét mộc mạc ở hai bên sông, ghé thăm di tích của những kinh đô cổ, đến vườn quốc gia Xuân Thủy ở Nam Định để xem khu Ramsar (vùng đất ngập nước) của Việt Nam “giàu có” đến độ nào…

“Chương trình này sẽ đem đến cho du khách một giá trị mới, giới thiệu những tinh hoa của đồng bằng Bắc bộ. Tôi muốn dựa vào những con sông, đặc biệt là con sông Hồng trù phú để kể câu chuyện văn hóa”, ông nói.

Ông Hà đã suy nghĩ về sản phẩm này từ nhiều năm trước, đã thực hiện nhiều chuyến khảo sát, chuẩn bị dịch vụ và đóng thêm một tàu du lịch mới để phục vụ du khách, nhưng phải đến năm 2019 sản phẩm mới có thể được chào bán. “Nếu không tính từ khâu ý tưởng thì chúng tôi mất hai năm để đưa sản phẩm ra thị trường. Chừng ấy thời gian là đáng cho một tour đặc biệt”, ông Hà nói.

Trên thị trường du lịch đầy sôi động ở Việt Nam, nhiều doanh nhân khác cũng đang làm những công việc tương tự. Có người đưa du khách đi ngắm những ngọn hải đăng, rồi cắm trại qua đêm trên những bờ biển để được gần nhất với thiên nhiên. Có người đưa khách nước ngoài đi rèn luyện sức khỏe, tập yoga bên những dòng sông. Có người đang kiên trì dẫn khách về những ngôi nhà vườn ở Huế để nghe các mệ trò chuyện về lịch sử, về cuộc sống trong kinh thành Huế năm xưa, rồi dạy du khách cách ướp chè sen, làm mứt gừng…

Những giá trị lịch sử, văn hóa và lối sống thường nhật của người dân đang được những người làm tour khéo léo lồng vào sản phẩm du lịch. Theo họ, đó là cách hay nhất để tạo nên sự đặc sắc cho điểm đến, làm cho du khách nhớ mãi về hành trình đến Việt Nam. Đây cũng là cách làm hợp với điều kiện hạn chế về hạ tầng dịch vụ ở Việt Nam và đi đúng xu hướng của du khách.

Hướng đến tương lai

Trò chuyện với Sài Gòn Tiếp Thị, nhiều doanh nghiệp cho rằng sự trỗi dậy của du lịch bền vững trong những năm qua sẽ tiếp tục, sẽ là xu hướng trong những năm tới. Vì thế, bên cạnh những loại hình thu hút số đông như du lịch biển, tham quan thắng cảnh thì ngày càng nhiều người chọn kiểu du lịch bền vững để hỗ trợ việc bảo vệ văn hóa, di sản thiên nhiên cũng như mang lại lợi ích cho người dân bản địa.

Du khách không chỉ muốn đến chơi cho biết mà muốn kết nối bản thân với gia đình, với cộng đồng bản địa nơi họ đến. Đây chính là đất sống màu mỡ cho những sản phẩm, những câu chuyện mà những doanh nghiệp vừa kể trên đang phát triển. Mỗi câu chuyện tựa như một nốt nhạc, nhưng từng nốt nhạc riêng rẽ trở thành một bản giao hưởng quyến rũ thì không thể mỗi người mỗi phách, nghĩa là không chỉ doanh nghiệp tự vận động mà cần phải có sự trợ lực của nhiều bên.

Nói đến đây lại nhớ về du lịch đường sông. Ông Trương Quang Cường, Chủ tịch Du thuyền Viet Princess, người đã đóng 14 con tàu vỏ thép tiêu chuẩn từ 3-4 sao, tỏ ra tiếc nuối vì nhiều nơi, trong đó có TPHCM chưa nắm bắt lợi thế của những con sông để thu hút khách du lịch. Chỉ cần những cây cầu trên sông Sài Gòn được làm cao hơn, có thêm bến bãi cho tàu neo đậu thì sẽ có thêm nhiều khách du lịch hạng sang. Thay vì xuôi tàu đến Campuchia từ Mỹ Tho, du khách có thể thực hiện một chuyến đi dài hơn, bắt đầu từ sông Sài Gòn ở TPHCM để trải nghiệm thêm nhiều điều khác biệt trên hành trình khám phá vùng Đông Dương.

“Du khách đường sông chi tiêu rất cao. Nhiều người trả 5.000-9.000 đô la Mỹ cho một chuyến đi. Đóng một con tàu 50-60 tỉ đồng, chỉ cần một năm là có thể lấy lại vốn. Giá như có thêm bến bãi thì du lịch còn thu được nhiều hơn“, ông Cường nói.

Ông Hà của Luxury Travel cũng có ý kiến tương tự, cho rằng cần phải kết nối nhiều hơn nữa để tạo nên những sản phẩm đặc trưng. Du lịch đang nổi lên như một ngành đem lại doanh thu lớn, được nhiều địa phương muốn phát triển và hứa hẹn tạo cơ chế cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn. Nhưng ở nhiều nơi, lời hứa vẫn chỉ là lời hứa, chưa có nhiều hành động cụ thể. “Khi làm sản phẩm mới kể trên, chúng tôi không chỉ đau đầu đi tìm dịch vụ đủ chất lượng tại địa phương mà còn rất khó khăn để tìm bến bãi cho tàu. Người ta hay nói TPHCM thiếu bến bãi cho tàu du lịch nhưng tình hình ở Hà Nội còn trầm trọng hơn”, ông Hà nói.

Năm 2017, ngành công nghiệp không khói đã làm nên “chuyện lớn” khi đón đến 12,9 triệu lượt khách quốc tế, 73,2 triệu lượt khách nội địa với tổng doanh thu từ khách du lịch lên đến 510.000 tỉ đồng (khoảng 23 tỉ đô la Mỹ). Tiếp nối thành công của những năm qua, du lịch đang tính đến những mục tiêu lớn hơn, phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn với 17-20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa và tổng doanh thu lên đến 35 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020.

Để đạt được mục tiêu lớn đó, những người trong ngành đang bàn đến chuyện tái cơ cấu, từ vốn đầu tư phát triển, nguồn lực đến sản phẩm dịch vụ, thị trường, năng lực quản lý… Trong đó, vấn đề tạo sản phẩm được cho là cần phải làm ngay để tránh tình trạng nhàm chán. Lượng du khách ngày càng tăng thì tình trạng ăn mòn vào tự nhiên ngày càng trầm trọng. Và thay vì phát triển nuôi dưỡng, gia tăng giá trị của sản phẩm thì nhiều nơi lại triệt tiêu sản phẩm bằng việc phát triển rầm rộ các công trình du lịch đại trà để đón những luồng khách lớn.

Có điều, sản phẩm chỉ hay khi đưa được sự quyến rũ của văn hóa bản địa đến với du khách nước ngoài. Nhịp sống càng nhanh, thế giới càng đi vào thời đại công nghệ thì nhu cầu quay về, nhu cầu kết nối với những giá trị của cộng đồng càng lớn. Vì thế, đây là cơ hội lớn để du lịch Việt Nam phát triển sản phẩm dựa trên lợi thế sẵn có.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Anh đào cuối mùa khoe sắc tại thành phố Kanazawa, Nhật...

0
(SGTT) – Những ngày giữa tháng 4, thành phố Kanazawa – thủ phủ của tỉnh Ishikawa, Nhật Bản đang bước vào những ngày cuối...

Những điều nên làm để giữ sức khỏe mùa nắng nóng

0
Trong thời gian tới, nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm qua....

Thổi bùng vị giác với nồi lẩu gà chanh ớt trưa...

0
(SGTT) – Thịt gà là thực phẩm quen thuộc với nhiều người bởi giá hợp lý, chế biến được nhiều món. Hôm nay, loại...

Đến Hòa Bình khám phá hồ Sam Tạng

0
(SGTT) – Cách thị trấn Mai Châu khoảng 15km, hồ Sam Tạng là điểm check-in chưa được nhiều du khách biết đến khi ghé...

Bữa sáng Sài Gòn: Ghé quán cháo lòng gia truyền 80...

0
(SGTT) - Nổi tiếng với món cháo lòng gia truyền hơn 80 năm, quán bà Út nằm ngay trung tâm quận 1 là điểm...

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Kết nối