Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Hồ tiêu hồi hộp, cao su phập phồng

Phú Li

Những ngày đầu tháng 6, giá hồ tiêu và giá cao su thi nhau lao dốc trong sự lo lắng của nông dân cùng sự ngạc nhiên của giới phân tích.

Hồ tiêu chạm đáy 7 năm

Có lẽ chưa năm nào, giá tiêu lại liên tục diễn biến xấu như hiện nay. Lúc bước vào mùa, mức đầu giá là khoảng 140.000 đồng/kg (mức chuẩn, làm căn cứ để cộng thêm hay trừ bớt dựa vào chất lượng tiêu), nhưng sau bốn tháng, hiện chỉ còn khoảng 72.000-74.000 đồng/kg.

Nhiều người trồng tiêu nói rằng ngay từ đầu họ vẫn biết đây sẽ là một năm đầy cam go cho hồ tiêu. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc về sản lượng, yếu tố mùa vụ, thị trường…, họ đinh ninh giá tiêu năm nay sẽ xoay quanh mốc 100.000 đồng/kg. Thế nhưng, thực tế diễn ra tệ hơn, giá tiêu nhanh chóng rời cả mốc 90.000, rồi 80.000, và đang lăm le rời nốt cái mốc 70.000 đồng/kg.

Nông dân sốc, các nhà phân tích cũng chưng hửng. Hầu hết họ đều “không thể tưởng tượng” được tình cảnh bi đát hiện nay của giá tiêu.

anhNông dân phập phồng với giá cao su liên tục giảm từ đầu tháng 6.

Điều gây chú ý đối với các nhà phân tích là có sự lệch pha tăng-giảm ở hai nước sản xuất lẫn xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu là Ấn Độ và Việt Nam hiện nay. Vào đầu mùa, sự sụt giảm về giá cả ở hai thị trường này như nhau. Tuy nhiên, từ tháng 6, trong khi thị trường Ấn Độ khởi sắc trở lại với chiều hướng tăng lên thì thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục đà sụt giảm khá sốc.

Cụ thể, giá tiêu xô tại Kochi, Ấn Độ ngày 31-5 chỉ 49.600 rupee/tạ thì sang ngày 1-6 đã là 49.900 rupee/tạ. Ngày tiếp theo, ngày 2-6, giá vọt mạnh lên 52.200 rupee/tạ và giữ vững đến nay. Cùng trong thời gian đó, giá tiêu tại Việt Nam rời mốc 80.000 đồng/kg và nhanh chóng rơi xuống mức 72.000-74.000 đồng/kg.

Sự thiếu hụt nguồn cung nội địa cùng với nhu cầu tăng cao từ châu Âu được cho là nguyên nhân giúp giá tiêu tại Ấn Độ tăng trở lại. Trong khi đó, giá tiêu thấp ở Việt Nam được cho là do thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, ngành hồ tiêu xuất khẩu ước đạt 99.000 tấn, giá trị đạt 586 triệu đô la Mỹ, tăng 9,9% về số lượng nhưng giảm 18,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Có ý kiến cho rằng các nhà xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đã ký bán với giá thấp hơn từ 20-30%, do đó, họ phải nhận giá khi thu mua tiêu của nông dân trong nước. Ý kiến này dù bị cho là có phần chủ quan, song cũng được nhìn nhận là không phải không có cơ sở khi Srilanka nhiều năm trước không hề nhập tiêu Việt Nam thì nay lại nhập rồi chủ yếu bán qua cho Ấn Độ để kiếm lời (vì nguồn cung của Ấn Độ đang thiếu hụt).

Nhận định về tình hình giá tiêu trong thời gian tới, bà Nguyễn Mai Oanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho rằng sẽ rất ít khả năng giá bật mạnh trở lại. Tuy nhiên, giá tiêu cũng sẽ khó giảm sâu thêm nữa.

 

Cao su chạm đáy 7 tháng

Nếu như khởi đầu mùa khai thác mới (giữa tháng 5), nông dân trồng cao su hết sức phấn khởi khi giá mủ đạt 320 đồng/độ (mỗi ký mủ tùy chất lượng mà có độ thấp hay cao, thường khoảng 26-42 độ), thì nay, họ đang phập phồng không yên. Từ đầu tháng 6, giá mủ đã liên tục hạ, rớt khỏi cái mốc giúp họ có lãi là 300 đồng/độ.

Cụ thể, theo thông báo giá thu mua tại nhà máy của Công ty Cao su Lộc Ninh, chỉ trong vòng một tuần đầu tháng 6, họ đã điều chỉnh hạ giá đến bốn lần. Mức hạ mỗi lần là 5 đồng/kg, từ 300 đồng/độ hồi đầu tháng, đến ngày 7-6 chỉ còn 285 đồng/độ. Mức thu mua của các điểm bên ngoài nhà máy còn thấp hơn, chỉ 280 đồng/độ.

Trên thị trường quốc tế, giá cao su cũng có 8 phiên giảm giá liên tiếp kể từ đầu tháng 6, xuống mức thấp nhất trong 7 tháng tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo, khi chỉ đạt 178,8 yen/kg vào ngày 7-6.

Giá cao su hạ thật sự khiến nhiều người bất ngờ. Còn nhớ vào cuối mùa 2016, giá cao su đã có sức bật trở lại đầy ngoạn mục, có lúc đạt đến 445 đồng/độ. Tiếp đến, theo ước tính của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) thì trong năm 2017 này, nguồn cung cao su sẽ bị thiếu hụt hàng trăm ngàn tấn. Cùng với đó, triển vọng về tăng trưởng của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, hay thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ của các nước OPEC, đều là những yếu tố nâng đỡ giá cao su.

Tuy nhiên, giá mủ vẫn rớt. Giá dầu mỏ đã không tốt như người ta mong đợi khiến giá cao su lao theo. Những thông tin về số lượng dự trữ dầu mỏ của Mỹ tăng, hay việc gian lận trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước OPEC, đã khiến giá dầu suy yếu.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, nếu nhìn tổng thể thì bức tranh của ngành cao su trong thời gian tới sẽ không đến nỗi xám. Bởi theo các chuyên gia, dù sao trong năm nay nguồn cung vẫn thiếu so với cầu. Hơn nữa, tình hình kinh tế của các nước trong những tháng đầu năm là khá tích cực. Còn về giá dầu, hẳn OPEC sẽ không thể ngồi yên mà nhìn nó giảm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang có 5 trạm dừng...

0
(SGTT) - Gần 400km cao tốc từ TPHCM đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã được bố trí 5 trạm dừng nghỉ tạm. Các...

Du khách đổ về bán đảo Sơn Trà ‘săn’ hoa tím...

0
(SGTT) - Những ngày cuối tháng 4, cây thàn mát mọc tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lại nở...

Nha khoa thực hiện 120.000 ca cấy ghép implant nay đã...

0
Là tập đoàn y tế với nhiều chi nhánh tại Hàn Quốc, nha khoa Plan vừa qua đã khai trương phòng khám tại TP....

Chiêm ngưỡng bảo vật hơn 300 tuổi ở làng nghề Thổ...

0
(SGTT) - Bức cửa võng đình làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) có tuổi đời hơn 300...

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Góc văn hóa Chăm tại Hội An thu hút khách quốc...

0
(SGTT) – Sau khi khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, nhiều du khách quốc tế đã ghé thăm một không gian văn hoá Chăm...

Kết nối