Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Hàng không tăng giá, hành khách không biết

Lê Anh –  

Các hãng hàng không chỉ thông báo việc tăng giá và các phụ phí đến các đại lý của mình mà không hề thông báo công khai cho hành khách. Trong khi theo quy định tại Thông tư 36/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thì tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ phải công bố công khai giá dịch vụ vận chuyển.

Âm thầm tăng giá, hành khách ngỡ ngàng

Hôm 20-3, hành khách Lý Văn Kim đặt vé máy bay của Vietjet từ TPHCM đi Hà Nội ngỡ ngàng khi thấy một số loại phí tăng so với trước đây. Khi thấy tổng giá vé tăng kỳ lạ mà không thấy đại lý nói gì, anh Kim thắc mắc thì đại lý mới cho biết là các hãng hàng không mới tăng một số loại phí.

“Lẽ ra việc tăng giá phải được công bố công khai, nếu việc tăng giá này là hợp lý thì hành khách cũng chấp nhận”, anh Kim bức xúc.

Tìm hiểu thông tin tại một số đại lý bán vé máy bay tại TPHCM thì được biết, các hãng hàng không chỉ gửi thông báo nội bộ cho các đại lý và không được công khai.

Chị Lê Hồng Vân, chủ một đại lý bán vé máy bay ở quận Thủ Đức, TPHCM cho biết, từ ngày 15-3, hãng hàng không Jetstar Pacific đã thông báo đến các đại lý tăng phí quản lý hệ thống từ 100.000 đồng lên 130.000 đồng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng 10% .

Tiếp đến, đến lượt Vietjet tăng một số loại phí từ ngày 20-3. Cụ thể hãng này tăng phí phụ thu dịch vụ chọn chỗ ngồi cho cả chặng bay nội địa và quốc tế với mức tăng từ 80.000 đồng lên 90.000 đồng (chưa bao gồm 10% VAT). Một loại phí khác cũng tăng là phụ thu phí đổi chuyến bay đối với trường hợp bị trễ chuyến đối với chặng bay quốc tế từ 735.000 đồng lên 1 triệu đồng đối với mỗi hành khách.

Cũng từ ngày 20-3, Vietjet còn tăng giá cước gửi hành lý đối với các chặng bay quốc nội từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/chặng. Cụ thể, cước hành lý 15 kg tăng từ 130.000 đồng lên 140.000 đồng; hành lý 20 kg tăng từ 150.000 đồng lên 160.000 đồng; hành lý 25 kg tăng từ 200.000 đồng lên 220.000 đồng…

Chưa hết, đến ngày 22-3, Vietjet tiếp tục tăng phí dịch vụ hệ thống từ 100.000 đồng lên 140.000 đồng đối với chặng bay quốc nội; còn đối với chặng bay quốc tế phí dịch vụ hệ thống tăng từ 120.000 đồng lên 160.000 đồng (chưa bao gồm 10% VAT).

Sau khi hai hãng giá rẻ tăng phí, Vietnam Airlines cũng thông báo tăng giá vé máy bay trong nước hạng thương gia tăng 100.000-500.000 đồng/chặng, hạng phổ thông tăng là 40.000-300.000 đồng/chặng. Thời gian áp dụng từ ngày 1-4, áp dụng tùy từng chặng bay cụ thể. Theo các đại lý bán vé máy bay, trong đợt này Vietnam Airlines tăng giá trên khoảng 50% số đường bay mà hãng đang khai thác.

Giá vé có thể tiếp tục tăng

Theo các đại lý bán vé máy bay, việc tăng giá, phí chỉ được các hãng hàng không thông báo tới đại lý, còn khách tự đặt vé trên trang web của hãng thì không hề biết. Ngay cả các hãng cũng không hề thông báo việc tăng giá trên trang web của mình.

Trong khi đó, đối chiếu theo Thông tư 36/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT về quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không thì tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ thực hiện dịch vụ phải công bố công khai giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không cho người sử dụng trước khi cung ứng dịch vụ hoặc trước khi ký hợp đồng cung ứng dịch vụ.

Theo đại diện của Jetstar Pacific, trong 3 năm từ năm 2014 đến 2016, mức cung ứng số lượng vé trên các đường bay nội địa tăng hơn 30%/năm và các hãng hàng không Việt Nam liên tục giảm giá vé để thu hút khách. Điều này đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các hãng. Vẫn theo đại diện của Jetstar Pacific, hiện nay, một số chi phí đầu vào của các hãng hàng không đã tăng và dự kiến sẽ tăng như giá dịch vụ hàng không tại các sân bay, giá đậu máy bay, thuế môi trường… nên tác động đến hoạt động của hãng.

Còn đại diện của Vietnam Airlines cho biết, việc rà soát, điều chỉnh bảng giá vé năm là hoạt động định kỳ thường xuyên của hãng, dựa trên cơ sở nhu cầu thị trường và tuân thủ quy định. Mặc dù tăng giá trên một số đường bay nhưng Vietnam Airlines vẫn duy trì khoảng 10 mức giá thấp trên mỗi đường bay nội địa và không tăng giá trên các đường bay địa phương đi Buôn Ma Thuột, Điện Biên… và đường bay trục lẻ từ TPHCM đi Hải Phòng, Vinh… Đối với các loại phụ thu và phí khác giữ nguyên.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước về hàng không, đại diện Cục Hàng không cho biết, trong thời gian qua vé máy bay không tăng ngay cả khi xăng dầu thế giới ở mức cao. Thậm chí, mặt bằng giá vé giảm do có sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không trong nước. Nếu tính đợt tăng giá vé lần này, mức giá cao nhất đối với chặng bay nội địa mới chỉ đạt ngưỡng 80% giá trần theo quy định.

Hồi tháng 2-2017, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã đề xuất Bộ GTVT cho tăng giá dịch vụ tại các sân bay để có thêm chi phí tái đầu tư. Theo tính toán của ACV nếu được chấp thuận cho tăng giá dịch vụ thì mỗi hành khách đi máy bay phải đóng thêm ít nhất 40.000 đồng. Nếu như Bộ GTVT chấp thuận cho ACV tăng giá thì thời gian tới giá vé máy bay sẽ còn tăng cao nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Du lịch Quảng Nam ‘khơi chuyện’ để tiếp cận du khách...

0
(SGTT) - Bước vào mùa Hè cũng là cao điểm của mùa du lịch, việc tung ra các gói kích cầu đúng thời điểm...

Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu lao động sang Canada

0
(SGTT) - Công an thành phố Hà Nội cho biết thời gian qua phát hiện một số quảng cáo được đăng tải trên các...

Mẹ rùa Malaysia vượt biển đến Côn Đảo đẻ trứng

0
(SGTT) - Ngày 22-4, một rùa mẹ đeo thẻ quốc gia Malaysia đã bơi vào bãi Cát Lớn tại hòn Bảy Cạnh, thuộc Vườn...

Ngắm phố Huế mùa hoa điệp vàng nở rộ

0
(SGTT) - Những ngày tháng Tư, hoa điệp vàng lại bung nở trên những con đường, góc phố ở xứ Huế mộng mơ. Rực...

Hai nút giao trên cao tốc Mai Sơn – quốc lộ...

0
(SGTT) - Hai nút giao Thiệu Giang và Đồng Thắng thuộc cao tốc Mai Sơn – quốc lộ 45 tạm dừng hoạt động chỉ...

Không được từ chối đăng kiểm xe đã đặt lịch hẹn...

0
(SGTT) – Cục Đăng kiểm yêu cầu trung tâm đăng kiểm không được từ chối tiếp nhận kiểm định xe đã đặt lịch thành...

Kết nối