Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Gạo nhà không thiêng

Gạo Việt Nam xuất khẩu giá không cao dù Việt Nam là một trong những cường quốc về gạo. Trong khi đó, Campuchia có lượng gạo xuất khẩu chỉ bằng 1/6 của Việt Nam nhưng giá bán bao giờ cũng cao hơn. Vì thế, một số doanh nghiệp đang tìm cách đầu tư vào Campuchia để tận dụng lợi thế này.

Hấp dẫn vì giá xuất khẩu cao

Suốt cả tuần, ông Phạm Hoàng Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hưng Lâm (tỉnh An Giang), đã sang Campuchia để tìm hiểu thị trường, khảo sát cơ hội làm ăn ở đất nước này. Mục đích chuyến đi cụ thể, theo ông Lâm là tìm vị trí xây dựng nhà máy xay xát lúa gạo và xây dựng dây chuyền sản xuất than trấu để phục vụ xuất khẩu.

Việc đầu tư sang Campuchia được ông Lâm ấp ủ lâu nay nhưng lần này ông quyết tâm làm là một phần căn cứ trên một báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, quốc gia này đang thiếu hệ thống thủy lợi lẫn các cơ sở xay xát. Vì thế, trên khía cạnh của người làm kinh doanh, đây là cơ hội để những doanh nghiệp có thế mạnh về xuất khẩu gạo đầu tư vào thị trường này.

So với gạo Campuchia, gạo Việt Nam xuất khẩu với giá thấp hơn.
So với gạo Campuchia, gạo Việt Nam xuất khẩu với giá thấp hơn.

Trước ông Lâm đã có một số doanh nghiệp đầu tư sang đây bằng cách liên doanh làm nhà máy xay xát lúa, một số khác cũng đang chờ cơ hội để rót vốn đầu tư vào các nhà máy như vậy. Theo số liệu của Tham tán thương mại Việt Nam tại Campuchia, nước này có hơn 2,7 triệu ha đất trồng lúa mỗi năm và đã đem lại khoảng 7,6 triệu tấn lúa. Số lượng đó không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn dư khoảng hai triệu tấn, tương đương một triệu tấn gạo cho xuất khẩu mỗi năm.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, một phần lớn lượng lúa gạo dư thừa của Campuchia được các thương lái vận chuyển sang Việt Nam tiêu thụ (bằng tiểu ngạch). Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, nông dân, doanh nghiệp tại những tỉnh sát biên giới Campuchia qua đây thuê đất trồng khoai mì (sắn), mía, lúa rồi đến vụ thu hoạch đưa về Việt Nam tiêu thụ. Tuy nhiên, trong số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, những mặt hàng này không được đưa vào danh mục những mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Campuchia hàng tháng. Điều này đồng nghĩa với việc dù lúa được trồng trên đất Campuchia nhưng gạo mang thương hiệu Việt Nam. Mà một khi gạo mang thương hiệu Việt thì phải chịu giá thấp hơn so với gạo Campuchia.

Trong thời gian qua, so với những nước có lượng gạo xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ thì giá gạo Việt Nam cao hơn 10-15 đô la Mỹ/tấn. Tuy nhiên, so với gạo của Campuchia thì gạo Việt Nam lại thấp hơn 20-30 đô la Mỹ/tấn. Thậm chí, vào đầu tháng 11-2014, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 430-440 đô la Mỹ/tấn trong khi giá gạo cùng loại của Campuchia là 465-475 đô la Mỹ/tấn, tức là cao hơn 35 đô la Mỹ/tấn.

[box] Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng của năm 2014, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,68 triệu tấn, giá trị là hơn 2,59 tỉ đô la Mỹ, giảm 2,7% về lượng nhưng lại tăng 1,2% về giá trị. Giá gạo xuất khẩu bình quân chín tháng năm 2014 là 455,26 đô la Mỹ /tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ 2013.[/box]

“Miễn thuế mọi thứ, trừ vũ khí”

Theo chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU, Campuchia nằm trong nhóm nước được miễn thuế nhập khẩu và miễn hạn ngạch nhập khẩu đối với mọi hàng hóa nhập khẩu vào EU, trừ vũ khí, dưới tên gọi “nhóm miễn thuế mọi thứ trừ vũ khí”(Everything But Arms – EBA) nên gạo sản xuất ở quốc gia này xuất khẩu sang EU sẽ được miễn thuế.

Trong khi đó, theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam dù hiện được xem là nước có thu nhập trung bình-thấp và những mặt hàng nằm trong diện không nhạy cảm sẽ được hưởng thuế suất 0% nhưng các mặt hàng nông sản, trong đó có gạo, không được miễn thuế khi xuất sang thị trường EU.

Theo đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, được miễn thuế xuất khẩu cũng là một trong những điểm thu hút doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào Campuchia. Do đó, với việc đầu tư vào nhà máy xay xát lúa gạo, hay cánh đồng mẫu lớn ở quốc gia này để chủ động nguồn nguyên liệu và xuất khẩu gạo bằng thương hiệu gạo Campuchia sẽ làm cho doanh nghiệp Việt Nam thu được lợi nhuận cao hơn. Một vị đại diện doanh nghiệp cho rằng cái lợi của doanh nghiệp đầu tư sản xuất gạo tại Campuchia là “không chỉ được miễn thuế mà còn có cơ hội bán giá cao hơn thay vì phải mua đem về Việt Nam rồi xuất khẩu bằng thương hiệu Việt Nam”.

Ngọc Hùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đi tìm thương hiệu gạo của Việt Nam

0
Bước ra chợ, người tiêu dùng có thể thấy vài chục loại gạo đổ trong thau, thúng cắm những bảng tên quen thuộc bao...

Nông dân lại chịu thiệt!

0
Trung Chánh Nông dân sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện đang tiếc đứt ruột vì không được hưởng gì khi giá lúa tăng, còn thương...

Giá lúa gạo lao dốc ngay đầu vụ

0
Trung Chánh Vụ lúa đông xuân 2014-2015 tại ĐBSCL dù mới bắt đầu thu hoạch nhưng giá đã liên tục lao dốc. Theo một số...

Doanh nghiệp gạo lo mất thị trường Trung Quốc

0
Trung Chánh Thông tin Thái Lan đã ký kết Bản ghi nhớ với Trung Quốc để xuất khẩu hai triệu tấn gạo sang quốc gia...

Hết hợp đồng, giá gạo rớt

0
Giá gạo nguyên liệu tại ĐBSCL liên tục sụt giảm, rớt ít nhất 1.000 đồng/kg chỉ trong vòng một tháng trở lại đây. Vì...

Sức ép giảm giá lúa gạo

0
Mặc dù trong quí 3-2014 việc tiêu thụ lúa gạo khả quan cũng như giá cả duy trì ở mức cao nhưng theo các...

Kết nối