Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Đường đến niềm tin

Đức Tâm –

Theo xu hướng tiêu dùng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp trồng, kinh doanh nông sản an toàn, nông sản sạch. Song, để chứng minh sản phẩm của mình đáng tin là điều không dễ dàng. Không dễ không phải là không thể, bằng cách này hay cách khác đã có một doanh nghiệp tạo được niềm tin nơi khách hàng.

Dám đi ngược dòng

duongdenniemtin

Có lẽ ngày 2-10-2016 là ngày đáng nhớ đối với Võ Văn Tiếng. Đó là ngày chàng trai Đồng Tháp này bước lên bục nhận giải nhất dự án sản xuất lúa sạch trong cuộc thi Dự án khởi nghiệp do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức. Lúa sạch ở đây được hiểu là lúa được canh tác hoàn toàn không dùng phân bón hóa học, giống biến đổi gen và thuốc bảo vệ thực vật.

Tiếng tham dự cuộc thi, nhưng không một ai hỏi về chứng nhận sản phẩm, kiểu như sản phẩm của anh có đạt chuẩn VietGAP không? Có đạt chứng nhận hữu cơ USDA của Mỹ không? Nếu có hỏi thì câu trả lời của Tiếng cũng sẽ là không có chứng nhận. Vậy tại sao không ai hỏi về điều đó? Đơn giản mọi người tin Tiếng làm đúng như những gì tiếng nói. Tiếng đã giành được niềm tin và thiện cảm của rất nhiều, không chỉ trong ban giám khảo mà còn từ rất nhiều bạn bè, khách hàng, ngoài đời có, trên Facebook có.

Dĩ nhiên đó không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Chàng trai này bắt đầu trồng lúa sạch vào năm 2015, xuất phát từ cái tâm hướng đến cộng đồng với câu hỏi day dứt: tại sao hóa chất độc hại như vậy lại sử dụng? Từ bao giờ chúng ta phụ thuộc vào hóa chất, và tại sao lại không thể dứt ra?

Câu chuyện đi ngược dòng dũng cảm của Tiếng được báo chí viết nhiều, qua đó nhiều người biết đến Tiếng hơn. Đó là một phần lý do người ta đặt niềm tin vào chàng trai Hồng Ngự – Đồng Tháp này. Nhưng ở đây còn một yếu tố khác quan trọng không thể không kể đến chính là sự minh bạch. Tiếng làm sao nói vậy và nói sao làm vậy. Cánh đồng nơi Tiếng canh tác luôn mở cửa chân thành đón khách bất kể đó là ai và đến vào lúc nào, ngay cả khi khách đến vào lúc 2 giờ sáng.

Có thể thấy điều gì qua chi tiết này? Rõ ràng khi một người có sao nói vậy, nói sao làm vậy và minh bạch mọi thứ với sự chân thành, người đó có được niềm tin và sự ủng hộ từ khách hàng.

Sau 2 ha lúa đầu tiên thành công, dưới sự ủng hộ của chính quyền và một doanh nhân đồng hương, năm 2016, Tiếng mở rộng thêm 10 ha nữa, cùng với đó là sự ra đời của Công ty Tâm Việt mà mọi người hay gọi giản dị là nông trại Tâm Việt, cái Tâm của người Việt, đi kèm slogan (khẩu hiệu) “Gạo ngon từ đất – Gạo chất từ Tâm”.

Sau cuộc thi, đã có một số doanh nghiệp ngỏ ý đầu tư vào Tâm Việt để mở rộng sản xuất và phát triển. Câu chuyện của chàng trai Hồng Ngự – Đồng Tháp làm cho bức tranh nông nghiệp thêm những gam màu tương sáng.

Xuất phát từ tâm

Trong giới kinh doanh nông sản sạch, ngoài nông trại Tâm Việt, còn có một công ty khác mang tên Việt Tâm. Công ty này ít được biết đến, nhưng cũng như Tâm Việt, đơn vị này bắt đầu công việc kinh doanh cũng xuất phát từ chữ tâm hướng đến cộng đồng.

“Những câu chuyện vụn vặt quan sát trong cuộc sống, kiểu như anh này nuôi dế bằng rau ngoài chợ thì sau một thời gian dế chết, còn nuôi bằng rau tự trồng thì nó lại sống khỏe; hoặc như có nhiều người mắc bệnh ung thư trong khi họ sống rất điều độ, không áp lực… làm dấy lên trong lòng tôi mối nghi ngại về sự an toàn của rau củ trong sinh hoạt hàng ngày. Tôi quyết định đi đến các chợ đầu mối, các nhà vườn để biết sự thật”, anh Tùng kể lại.

Biết rồi thì sợ. Từ sợ, Tùng chuyển hẳn sang trồng rau, tự cung tự cấp. Năm 2012, rời công việc tài xế, anh quay về quê ở Ba Tri – Bến Tre trồng rau không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, với mong muốn phục vụ người nông dân không phải tiếp xúc với phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, người tiêu dùng không lo rau nhiễm hóa chất độc hại.

Việt Tâm ra đời dựa trên sự liên kết với bà con nông dân Ba Tri. Cửa hàng đầu tiên của công ty đặt tại ngôi chợ truyền thống trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TPHCM). Giá rau Việt Tâm cao hơn rau chợ 2-3 lần nên việc kinh doanh vô cùng khó khăn.

Mọi chuyện tiến triển khả quan hơn vào cuối năm 2015 khi anh có thêm một cộng sự mới là Mai Nhật Tân, chàng trai trẻ tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM. Ra trường, Tân  dành thời gian đi khắp nơi, từ Đà Lạt đến Ninh Thuận, từ Bình Thuận đến Đà Nẵng, Huế… để tìm hiểu về nông nghiệp với mong muốn làm sao người dân ai cũng có rau, và rộng hơn nữa là nông sản sạch để dùng.

Những người có cùng mối quan tâm gặp nhau. Tân về làm cùng Tùng để phát triển rau hữu cơ Việt Tâm. Tháng 5-2016, họ mở cửa hàng thứ hai trên đường Bình Thới, quận 11, TPHCM. Không chỉ rau, Việt Tâm bán đa dạng các sản phẩm khác như củ, quả, gạo, dầu ăn, nước mắm, hải sản… được lấy từ nhiều nhà cung cấp khác nhau. Vượt qua những trợ ngại ban đầu, Việt Tâm dần ổn định và được người dùng tin tưởng. Cách họ giành được niềm tin của khách hàng cũng không gì ngoài việc cung cấp sản phẩm chất lượng, dịch vụ tốt và minh bạch thông tin.

Mỗi sản phẩm của Việt Tâm đều có dán nhãn ghi tên và số điện thoại của người sản xuất để khách hàng có thể liên hệ kiểm tra thông tin khi cần. Không những vậy, Việt Tâm còn tổ chức một chuyến xe đưa khách về Ba Tri – Bến Tre để thăm các vườn rau và nông dân những đối tác cung cấp rau cho Việt Tâm. Trong chuyến đi, Tùng hướng dẫn khách hàng cách nhận biết rau hữu cơ, rồi làm sao nhìn mảnh vườn để kiểm chứng thông tin. Mọi việc không quá phức tạp. Tùng chỉ vào những miếng đất nhỏ được đùn lên từ trùn đất, hay những con kiến và nhện – những con vật rất nhạy với hóa chất – di chuyển trên luống rau và giải thích rằng đây là những dấu hiệu của một mảnh vườn hữu cơ tốt.

Thật ra, những kiến thức Tùng chia sẻ chưa chắc mọi người nhớ, và cũng chưa hẳn họ có thời gian để đi thăm những mảnh vườn khác để kiểm chứng những điều tương tự. Thế nhưng qua việc tiếp xúc và tương tác, họ cảm được cái tâm và cái tình của doanh nghiệp. Và đó là cơ sở quan trọng để xây dựng niềm tin.

Con đường xây dựng niềm tin nơi khách hàng có nhiều cách khác nhau. Đó có thể là con đường từ sản phẩm đến doanh nghiệp: khi người ta dùng sản phẩm thấy tốt, nhiều lần như vậy, họ tin doanh nghiệp. Đó có thể là con đường đi từ doanh nghiệp đến sản phẩm: khi người ta tin vào cái tâm và động cơ của những người sáng lập doanh nghiệp, họ tin những sản phẩm mà doanh nghiệp đó cung cấp. Đó cũng có thể là con đường tổng hợp hai con đường trên.

Có khách hàng đã khó, giữ được khách hàng còn khó hơn. Tương tự vậy, xây dựng niềm tin từ khách hàng đã khó, duy trì niềm tin đó còn khó hơn rất nhiều. Khó nhưng nếu doanh nghiệp làm được với cái tâm tử tế hướng đến khách hàng và sự minh bạch trong chất lượng sản phẩm thì con đường phát triển bền vững đã hiện ra trước mắt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Tăng cường 2.000 chuyến bay đêm, giá vé ‘hạ nhiệt’ dịp...

0
(SGTT) - Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết đang mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay đêm (từ sau 21:00 giờ) trên các...

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Kết nối