Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Dưới mái đình xưa

NGUYỄN NGỌC TUYẾT –

Ngôi đình có từ năm 1923, lấy tên của làng để đặt nên gọi là đình Thường Thạnh. Nghe các bô lão kể, làng Thường Thạnh ngày xưa rất rộng, trải dài từ chợ Cái Răng đến tận Vàm Cái Muồng thuộc tỉnh Cần Thơ. Nay, cách phân chia khu vực, phường xã đã khác nhưng cái tên khắc trên mặt trước của đình vẫn còn nguyên vẹn. Có điều, đối với cư dân sống ở hai bên ấp Mỹ, ấp Huề (Thạnh Mỹ, Thạnh Huề) này thì đó vẫn là đình Nước Vận với cây cầu Nước Vận bắc qua con rạch Cái Răng Bé. Và dĩ nhiên cái xóm nhỏ phía trong đình trải dài theo con rạch kia cũng có tên là xóm Nước Vận.

Sở dĩ có cái tên dân gian kia là do trước đây, khi đình mới xây, tại đây có một xoáy nước sâu, tương truyền thả một trái dừa xuống, trái dừa mất hút, một lát sau mới thấy nó nổi lên ở khúc sông tuốt dưới kia. Cũng theo lời ông già bà cả, hồi chống Pháp, dân làng đã nhận chìm một chiếc ghe chài lớn tại đây để cản đường giặc, vậy nên cái xoáy nước đã không còn. Những câu chuyện truyền miệng từ thời ông bà cứ như thực như hư nhưng luôn thu hút, lôi cuốn những người sinh sau đẻ muộn.

SGTT_Duoi-mai-dinh-xua

Xóm Nước Vận vốn là một xóm nghề của làng Thường Thạnh. Trước năm 1975, nghề dệt chiếu lác, đan giỏ lùng ở đây rất sung. Cả xóm hơn chục nhà có khung dệt, trước mỗi nhà từng đám lác mọc dày, mấy nhà không dệt chiếu cũng tranh thủ trồng lác bán để có thêm thu nhập. Ngoài ra, trong vườn nhà ai cũng có mấy cụm lùng xanh tốt. Mấy năm trước bà Mười Mót, người thợ dệt chiếu cuối cùng, và bà Tư đầu xóm, người đan giỏ lùng còn sót lại, cùng mất trong một năm, đem theo cả một thời vàng son của xóm đan đát này, cả hình ảnh của bao ghe xuồng từng tấp nập ra vô cập bến dưới cầu đình.

Nhưng sự thay đổi của xóm Nước Vận đâu chỉ là sự phai tàn của một xóm nghề. Từ đó đến nay, đã bao nhiêu là nước chảy qua cầu. Con đường đất chạy qua xóm giờ đã tráng nhựa, tuy chỉ là hương lộ nhưng xe hơi có thể ra vào, dân cư ở cập con rạch càng ngày càng đông đúc hơn. Đặc biệt là khi đường dẫn cầu Cần Thơ chạy qua sau lưng nhà. Đất ruộng hầu hết nằm trong quy hoạch nhưng đất vườn vẫn còn, giá tăng đến chóng mặt.

Bây giờ chạy xe từ thành phố Cần Thơ qua cầu Quang Trung hay cầu Hưng Lợi thẳng một mạch qua cầu Cái Da, cầu Cái Nai đến cầu Ấp Mỹ nhìn xuống đã thấy mái đình hiện ra trước mặt. Xuống dốc cầu quẹo sang trái là ấp Huề, sang phải là ấp Mỹ, ngày xưa cho đến nay vẫn vậy.

Ngay đầu đình, nhìn thẳng lên chính là cầu Nước Vận. Cầu mới vừa sửa lại xong, rất thuận tiện cho các sinh viên trường Đại học Tây Đô gần đó đi lại. Thêm bệnh viện đa khoa mới của quận Cái Răng nữa. Vậy là cái quần thể đình, cầu, xóm Nước Vận từ vài năm nay đã hoàn chỉnh như thế. Chưa kể là từ ngày trường đại học đặt ở đây, một ký túc xá nhiều tầng cũng mọc lên ngang đó. Rồi cư dân xóm Nước Vận này cất nhà trọ, phòng trọ dọc hai bên đường, có thêm thu nhập mới. Các quán cà phê, quán ăn, tiệm net, tiệm karaoke cũng theo đó xuất hiện làm thay đổi nhịp sống, sinh hoạt của cả một vùng đất. Chưa kể theo cùng cây cầu lớn bắc qua rạch, một ngôi trường cấp ba đã được xây bên kia cho con em dân chúng quận Cái Răng này.

Còn nhớ, khi trường mới xây xong và cây cầu vừa hoàn thành, người trong xóm kể lại rằng bà Mười Mót, bà chủ của hàng chục khung dệt chiếu, và ông Hai Thời, một lão nông tri điền ở đây, sáng nào cũng chống gậy qua sông nhìn trường mới rồi quay về quán cà phê đầu đình ngồi nghỉ mệt. Hơn tám mươi tuổi rồi, các cụ mới có được niềm vui đi bộ lên cầu nhìn con cháu vui vẻ vào trường học, không còn phải đò giang cách trở. Đúng là “qua sông” bằng chính đôi chân bám xuống đất, phải đâu là chuyện đơn giản, dễ dàng ở cái xứ sông rạch chằng chịt này!

Giống như ngôi đình Nước Vận gần trăm năm tuổi kia, gian phía trước đã sụp một bên mái, khu võ ca cũng bị tàn phá trong chiến tranh, dân chúng kêu hoài, cuối cùng hai năm trước đây đã được trùng tu, lại được công nhận di tích văn hóa thành phố để mỗi năm tổ chức ngày lễ thượng điền, hạ điền trang trọng, rình rang như truyền thống cũ. Giờ mỗi lần qua đình, tuy gian trước, gian sau không đồng bộ lắm vì mới cũ đan xen nhưng tôi vẫn rất tự hào về ngôi đình cổ kính, đẹp đẽ của quê mình.

Liệu cầu đường, quán xá, nhà cửa, trường học, bệnh viện mọc lên, sự cố gắng hội nhập vào cuộc sống hiện đại có khiến cái xóm quê này khởi sắc hơn? Đúng là cái mới đến từng ngày, đám trẻ có điều kiện học hành hơn, vui chơi giải trí nhiều hơn. Cứ nhìn chúng “trầm” quán, lướt Facebook hay chat cùng bạn bè hoặc vào karaoke hát như gió thì biết. Cha mẹ làm vườn, làm rẫy cũng cố gắng lo cho con bằng chị bằng em. Nhưng sao cơ sở vật chất cùng tiện nghi sinh hoạt đi lên mà nếp sống, nếp nghĩ của người dân quê tôi vẫn không theo kịp. Lớp trẻ lớn lên thường chỉ học hết phổ thông rồi hoặc ra chợ buôn bán hoặc vào làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp quanh vùng. May mà đám con gái giờ không còn ngóng chuyện lấy chồng nước ngoài nữa. Những người lớn tuổi thì cứ làm vườn, trồng rẫy, nuôi heo, nuôi gà, nuôi cá như từ trước đến giờ, như chưa hề biết tới khoa học kỹ thuật là gì.

Theo dõi tình hình lắm lúc thấy chạnh lòng vì đa số sinh viên về học đại học ở đây đều là dân thành phố vào hay dân các tỉnh khác chứ ít có dân địa phương. Thế nên, tuy đời sống có khấm khá hơn nhưng tầm nhìn vẫn chưa vượt quá ao nhà. Chưa kể thu hoạch từ vườn rau, ao cá, rẫy bái còn phải theo thời vụ, theo luật cung cầu nên còn rất bấp bênh.

Tết năm nào tôi cũng về quê vài ngày để cúng kiếng ông bà. Chiều tắt nắng tôi hay thả bộ ra đình, ngồi rất lâu ở quán cà phê quen, nhìn xuống con rạch nước lớn nước ròng trước mặt mà suy nghĩ miên man. Cảnh vật chung quanh thật yên tĩnh, gió xuân vuốt ve nhẹ nhàng trên mặt, mọi thứ như tự thuở nào vẫn vậy. Thỉnh thoảng vài chiếc tàu du lịch đổ khách lên bờ, khuấy động không gian một chút với tiếng cười nói, tiếng bấm lách tách của những chiếc máy ảnh hướng về ngôi đình cổ, hướng về con đường nhỏ hai bên xanh mướt cây cỏ mùa xuân… Trong tôi lại dậy lên những nỗi niềm riêng. Một mặt nào đó, tâm hồn tôi yêu vô cùng sự êm ả, chậm rãi với nếp sống cũ kỹ, lặng lẽ nơi này. Nhưng mặt khác, lòng bỗng nghe buồn, nghe tiếc cho những bước đi chưa rõ, những đổi mới còn nửa vời, tầm nhìn còn hạn hẹp khiến người dân quê vẫn còn khép mình tù túng dưới mái đình xưa và chưa thể hòa mình vào sông lớn…

Ôi xóm Nước Vận thân thương của tôi! Một xóm nghề sung túc, tấp nập đã tàn phai bây giờ trong thời đại mới này mong sao nó sẽ mau chóng được khoác lên mình một lớp áo đẹp đẽ, tinh tươm cho thỏa lòng bao cư dân một đời gắn bó với nơi này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhà hàng, quán ăn tự tin sẽ ‘hốt bạc’ dịp 30-4...

0
(SGTT) - Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài 5 ngày là cơ hội “hốt bạc” cho các chuỗi kinh doanh...

Đầu tư để xử lý nước ở ĐBSCL cần gấp hơn

0
(SGTT) - Mỗi khi mùa hạn mặn bắt đầu xuất hiện, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào quá trình chuyển đổi quản...

Show giải trí truyền hình tăng nhiệt nhờ nền tảng số

0
(SGTT) - Nhờ hoạt động truyền thông, quảng bá trên các nền tảng số, giờ đây các chương trình truyền hình giải trí, gameshow...

TPHCM tăng chuyến xe, chuyến tàu phục vụ người dân dịp...

0
(SGTT) - Dự báo nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30-4 và 1-5 tới đây sẽ tăng cao, Sở Giao...

Kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 trong dịp...

0
(SGTT) - Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới đây, Cục Hàng không sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng...

Khởi công xây dựng nút giao Tân Vạn đường Vành đai...

0
(SGTT) -  Nút giao Tân Vạn kết nối tỉnh Bình Dương với TPHCM đã được khởi công xây dựng. Đây là một trong những...

Kết nối