Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Du lịch y tế: Bên muốn làm ngay, bên còn chần chừ

Minh Duy

Từ trước đến nay, du lịch y tế chưa được xem là một sản phẩm tiềm năng của TPHCM. Thế nhưng trên thực tế, số lượng du khách sử dụng dịch vụ này đang tăng lên đều đặn mỗi năm, nên ngành y tế và du lịch đã bắt tay hợp tác để phát triển mảng du lịch này tại thành phố.

Bệnh viện muốn khởi động ngay

Cuối tuần trước, Sở Y tế và Sở Du lịch TPHCM đã ký kết hợp tác phát triển sản phẩm du lịch y tế. Kèm theo đó là buổi tọa đàm giữa doanh nghiệp hai ngành nhằm tìm ra cách thức phát triển cũng như những sản phẩm mà thành phố có thể phát triển trong thời gian đầu.

Một thông tin đáng quan tâm là nhu cầu phát triển du lịch y tế xuất phát mạnh mẽ từ các bệnh viện. Đại diện nhiều nơi cho rằng chất lượng điều trị, giá cả nhiều dịch vụ y tế hiện có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Nhiều người cho rằng nhiều bệnh viện và phòng khám như Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược, Từ Dũ, Viện Y dược học dân tộc, Phòng khám Phẫu thuật thẩm mỹ Lê Hành… có nhiều kỹ thuật y tế đã đạt chuẩn quốc tế.

Trong đó, các dịch vụ nha khoa như tẩy trắng, làm sạch, cấy ghép răng hay dịch vụ thẩm mỹ hàm mặt như các kỹ thuật cắt, gọt hàm, gọt má, làm mặt V-line đều có thể thực hiện với chất lượng ngang tầm khu vực. Ngành phẫu thuật thẩm mỹ cũng tương tự, có thể làm được hết các kỹ thuật, kể cả kỹ thuật được coi là phức tạp và nguy hiểm nhất như tạo hình vòng bụng cũng có thể hoàn tất trong vòng 10 ngày. Các kỹ thuật chuyên sâu như mổ tim, chữa các bệnh tiết niệu… cũng có chất lượng tốt nhưng giá dịch vụ lại thấp hơn. Chẳng hạn, chi phí mổ tim tại Đại học Y Dược chỉ bằng 1/3 so với chi phí ở Thái Lan. Thậm chí, một số lĩnh vực như châm cứu, sản phụ khoa còn được xếp vào tốp đầu của thế giới.

“Chúng tôi là một trong sáu bệnh viện trên thế giới có thể làm được các xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm dị tật của em bé mà không cần phải lấy mẫu mô của bé, chỉ cần lấy mẫu máu của người mẹ”, đại diện Bệnh viện Từ Dũ nói.

Những người trong ngành cho biết, tuy chưa rầm rộ và đang ở dạng tự phát nhưng số lượng khách trong nước và nước ngoài sử dụng các gói sản phẩm du lịch y tế đang tăng trưởng rất tốt. Vấn đề còn lại để phát triển du lịch y tế là cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng như kết nối với du lịch để quảng bá hình ảnh và tạo nên chuỗi dịch vụ trọn gói du lịch-chăm sóc sức khỏe cung cấp cho du khách.

Ông Huỳnh Nguyễn Lộc, Viện trưởng Viện Y dược học TPHCM, cho biết hàng ngàn người nước ngoài từ châu Âu, Mỹ đã và đang sử dụng hai sản phẩm du lịch y tế gồm du lịch kết hợp chữa bệnh và du lịch kết hợp học một số môn y học cổ truyền như xoa bóp, bấm huyệt… Có nhiều người ở lại TPHCM trong vòng một tháng để học nghề nhằm lấy chứng chỉ hành nghề y tại một số nước ở châu Âu. Chưa kể có nhiều người dân từ các tỉnh, thành cũng đến để khám chữa bệnh và rất cần các dịch vụ du lịch hỗ trợ nhưng các công ty du lịch chưa tham gia vào thị trường.

“Một số đơn vị từ nước ngoài đã bán các gói sản phẩm lên đến 10.000 đô la Mỹ để người nước ngoài đến ăn, ở, học nghề y tại viện để lấy chứng chỉ hành nghề cũng như kết hợp với một vài chương trình du lịch. Khách sẵn sàng chi trả cao nhưng du lịch chưa bắt tay để kết nối”, ông Lộc nói.

Tương tự, năm ngoái có đến 22.000 lượt người nước ngoài và rất nhiều người dân từ các tỉnh đến Bệnh viện Đại học Y Dược để khám chữa bệnh. Gần như tất cả các khách hàng đều tự đi, tự xoay sở dịch vụ. Bệnh viện muốn đẩy mạnh dịch vụ du lịch y tế, thu hút thêm khách hàng nhưng chưa kết nối được với phía du lịch.

dulichyteTuy chưa rầm rộ và đang ở dạng tự phát, nhưng số lượng khách sử dụng các gói sản phẩm du lịch y tế đang tăng lên.

Lữ hành còn chần chừ

Nhiều bệnh viện muốn phát triển du lịch y tế và đang đầu tư cho cơ sở hạ tầng để phục vụ khách tốt hơn. Trong đó, Bệnh viện Đại học Y Dược sắp mở thêm hai phòng khám cho người nước ngoài và đang chuẩn bị dự án xây tòa nhà 20 tầng nổi cùng một số tầng hầm, cũng để dành cho những khách hàng này. Một số nơi đề nghị kết nối với một số phòng khám ở nước ngoài nhằm chăm sóc khách hàng sau phẫu thuật tại TPHCM nhằm bảo đảm dịch vụ tốt hơn cũng như để du khách có thể phản hồi về chất lượng dịch vụ.

“Nếu muốn thành công thì chúng ta phải kết nối với bác sĩ địa phương để chăm sóc khách hàng và kiểm soát chất lượng. Bác sĩ hay trung tâm nào điều trị kém, khách phản hồi xấu thì sẽ bị loại khỏi danh sách cung cấp dịch vụ du lịch y tế”, ông Võ Văn Tự Hiến, Chủ tịch Hội Cấy ghép nha khoa TPHCM nói.

Tuy nhiên, trong khi các bệnh viện kỳ vọng rất cao thì một số công ty du lịch cho rằng, dịch vụ du lịch y tế tại TPHCM và Việt Nam chỉ mới manh nha và đang rất khó bán. Thậm chí, với dịch vụ nha khoa, vốn được đánh giá là có lợi thế cạnh tranh rất tốt cũng khó thu hút khách mua tour. Đa số khách sử dụng dịch vụ nha khoa là Việt kiều có người thân tại TPHCM, tự tìm cơ sở khám chữa bệnh và tự sắp xếp chương trình du lịch còn du khách quốc tế thì gần như không chú ý đến sản phẩm này. Với các dịch vụ khác, chỉ có dịch vụ spa là thu hút được khá nhiều khách, đặc biệt là khách Nhật Bản rất ưa thích nhưng cũng chưa đủ để quảng bá TPHCM là một điểm đến cho những người yêu thích spa.

Phía du lịch cho rằng có hai nguyên nhân hạn chế du lịch y tế phát triển là quảng bá chưa tốt để du khách xem TPHCM là một điểm đến cho mảng du lịch và khách hàng chưa tin vào chất lượng dịch vụ.

“Chúng tôi không có khách đi du lịch y tế mà chỉ có một số người yêu cầu vài dịch vụ. Chẳng hạn như có những khách Úc yêu cầu dịch vụ nha khoa. Vấn đề chính là khách không tin tưởng vào chất lượng y tế nên các bệnh viện cần có chứng nhận quốc tế, cần thu hút thị trường nào thì nên có những chứng nhận của nước đó để có bảo chứng về chất lượng”, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt nói.

Đại diện Sở Du lịch TPHCM cũng cho rằng gần như chưa có chương trình quảng bá cho dịch vụ du lịch y tế tại TPHCM nên đang hợp tác với Sở Y tế để đẩy mạnh việc này. Hai sở tính toán, trước mắt sẽ tập trung phát triển bốn dịch vụ dành cho số đông, có thời gian khám chữa bệnh ngắn và ít nguy cơ. Đó là, dịch vụ khám sức khỏe tổng quát, khám sức khỏe tầm soát bệnh lý chuyên sâu (tim mạch, ung thư…), nha khoa thẩm mỹ và y học cổ truyền.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ lập bản đồ du lịch y tế với danh sách các cơ sở khám, chữa bệnh được ngành y tế chứng nhận về chất lượng kỹ thuật và dịch vụ để cung cấp cho khách hàng lựa chọn. Dự kiến đến cuối năm nay, danh sách này sẽ được giới thiệu đến du khách. Các bệnh viện tham gia cũng có thêm lợi ích vì được tính chi phí khám bệnh theo giá dịch vụ.

Doanh nghiệp du lịch ủng hộ cách làm này, cho rằng bên cạnh quảng bá, cơ quan quản lý du lịch cũng cần thêm các hoạt động hỗ trợ khác. Trong đó, cần có những chính sách để giảm giá dịch vụ du lịch cho khách hàng mua sản phẩm du lịch y tế như các nước khác đang thực hiện để thu hút khách hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang có 5 trạm dừng...

0
(SGTT) - Gần 400km cao tốc từ TPHCM đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã được bố trí 5 trạm dừng nghỉ tạm. Các...

Du khách đổ về bán đảo Sơn Trà ‘săn’ hoa tím...

0
(SGTT) - Những ngày cuối tháng 4, cây thàn mát mọc tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lại nở...

Nha khoa thực hiện 120.000 ca cấy ghép implant nay đã...

0
Là tập đoàn y tế với nhiều chi nhánh tại Hàn Quốc, nha khoa Plan vừa qua đã khai trương phòng khám tại TP....

Chiêm ngưỡng bảo vật hơn 300 tuổi ở làng nghề Thổ...

0
(SGTT) - Bức cửa võng đình làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) có tuổi đời hơn 300...

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Góc văn hóa Chăm tại Hội An thu hút khách quốc...

0
(SGTT) – Sau khi khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, nhiều du khách quốc tế đã ghé thăm một không gian văn hoá Chăm...

Kết nối