Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Doanh nghiệp than khó đưa hàng vào siêu thị

Vũ Yến –

Trong khuôn khổ hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2017 diễn ra tuần rồi, nhiều doanh nghiệp đều cho biết họ gặp nhiều khó khăn trong việc đưa hàng hóa vào kênh phân phối hiện đại. Đây là vấn đề không mới, đã tồn tại nhiều năm khiến nhiều doanh nghiệp chán nản.

Ngán chi phí

Ông Ngô Đức Sinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông lâm sản Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình), cho biết nhiều nhà phân phối đặt hàng theo cảm tính, không dựa trên sự tính toán, cân đối hàng hóa một cách khoa học, không dựa theo mùa vụ. Hơn nữa, việc đặt hàng cho cả chuỗi cũng chỉ giao cho một người đảm nhiệm, tạo điều kiện cho tiêu cực nảy sinh. Hiện nay, các loại phí chiếm tới 20-30% giá bán sản phẩm.

Ông Sinh mong muốn có một siêu thị lớn nào đó hợp tác với công ty thí điểm khảo sát bán hàng tại từng điểm để từ số liệu đó sử dụng đặt hàng thông minh gửi đơn hàng dự kiến, giao hàng theo lịch chính xác.

Mặc dù ghi nhận sự chuyển biến tích cực so với 5 năm trước, nhưng ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hương Quê (Đà Nẵng), vẫn cho rằng cần phải bình đẳng hơn nữa mối quan hệ giữa bên mua và bán, chứ không phải vẫn mang tư tưởng “xin – cho” như hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất mong muốn đưa được sản phẩm vào kênh phân phối hiện đại ở TPHCM. Ảnh: Vũ Yến

Ông Sơn nêu thực tế, rằng khi đưa hàng vào hệ thống phân phối hiện đại thấy người đứng đầu rất cởi mở, nhưng khi xuống đến bộ phận trực tiếp làm việc, bộ phận thu mua thì lại không được như vậy. Họ không đặt sự công bằng lên hàng đầu. Cùng một sản phẩm nhưng đơn vị này có thể đưa vào nhưng doanh nghiệp khác thì bị áp đặt những tiêu chí rất ngặt nghèo, khiến cho doanh nghiệp nản lòng.

Ông Sơn đề xuất, trong quá trình hợp tác, các siêu thị cần chấm điểm cho các nhà cung cấp, cần cải tiến phương thức thanh toán từ ký gửi sang “mua đứt, bán đoạn” để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp và phát triển sản phẩm mới.

Bà Trần Thị Kim Nhung, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Kim Đông Thuận (Đồng Nai), cũng cho biết chi phí vào siêu thị chiếm hơn 30% doanh thu bán hàng. Bên cạnh chi phí cao, phương thức thanh toán còn nhiều vấn đề. Trên hợp đồng ghi thời gian thanh toán là 30 ngày nhưng thực tế thời hạn thanh toán thường kéo dài 40-50 ngày. Chính điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Vấn đề cấp trên thì chỉ đạo quyết liệt nhưng khi xuống đến cấp dưới lại gặp khó khăn cũng được ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An đề cập. Theo ông, vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp Long An khi làm việc với một số hệ thống phân phối hiện đại tại TPHCM là chi phí đầu vào. Chi phí đầu vào cao, cộng với thời gian thanh toán kéo dài là nguyên nhân khiến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ lao đao, không xoay xở, chủ động nguồn vốn.

Chợ truyền thống vẫn là kênh phân phối quan trọng

Ông Hồ Quốc Nguyên, phụ trách đối ngoại của hệ thống Big C Việt Nam, cho biết chính sách thu mua của Big C là cởi mở và công bằng. Quan điểm của Big C là không lựa chọn sản phẩm siêu thị yêu thích mà lựa chọn sản phẩm người tiêu dùng tìm kiếm, yêu cầu. Trong đó, hai vấn đề quan tâm lớn là nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm.

Điểm quan trọng để doanh nghiệp sản xuất và đơn vị phân phối có thể gặp nhau, hợp tác hiệu quả, theo ông Nguyên, là doanh nghiệp cần hiểu sản phẩm của mình có giá trị thế nào, nhu cầu thị trường ra sao, đối thủ cạnh tranh và sự khác biệt giữa sản phẩm của mình và đối thủ cạnh tranh.

Đại diện của Liên hiệp hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, hiện nay đơn vị này đang có hợp đồng với 500 nhà cung cấp. Saigon Co.op luôn có những chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương, sản phẩm của các cơ sở sản xuất, hợp tác xã…

Tuy nhiên, việc hợp tác giữa nhà cung cấp và nhà phân phối vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều hợp tác xã, hộ kinh tế trang trại chưa có các kiểm nghiệm định kỳ, chưa đạt chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa đáp ứng yêu cầu về sản lượng, giao nhận và kinh doanh của siêu thị. Nhiều hợp tác xã sản xuất sản phẩm thông thường, không có sản phẩm giá trị cao, sản phẩm đặc trưng.

Vị đại diện này đề nghị các hợp tác xã cần đầu tư lâu dài về kỹ thuật và chất lượng, các hộ nuôi trồng nên phân bổ việc nuôi trồng theo đúng nhu cầu của siêu thị, cam kết chính sách về giá và đảm bảo an toàn thực phẩm, không đưa sản phẩm không rõ nguồn gốc vào kinh doanh.

Bên cạnh kênh phân phối hiện đại, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng chợ truyền thống vẫn là kênh mua sắm quan trọng của người tiêu dùng. Sản phẩn tiêu thụ ở chợ chiếm 60-70% tổng sản lượng tiêu thụ trên thị trường. Vì vậy, bên cạnh kênh phân phối hiện đại, các doanh nghiệp cũng mong muốn thiết lập được đại lý bán hàng tại các chợ truyền thống.

Ông Sinh của Công ty Kim Bôi cho biết, khi đưa hàng hóa vào các chợ, chi phí thấp hơn nhiều so với khi đi vào hệ thống các siêu thị. Vì vậy, công ty mong muốn tìm các đại lý để bán các mặt hàng như măng, miến, cam, bưởi tại các chợ ở TPHCM.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cho biết hiện nay, hầu hết nguồn hàng nông sản từ các tỉnh đều đổ về chợ đầu mối để từ đó phân phối tới các chợ nhỏ, lẻ, chợ tự phát. Lượng hàng hóa về chợ Thủ Đức mỗi đêm khoảng 3.500-5.000 tấn, mùa tết lượng hàng này có thể tăng lên tới 6.000-7.000 tấn.

Theo bà Hà, để nâng cao chất lượng và giúp giảm bớt gánh nặng rác cho chợ đầu mối, các doanh nghiệp sản xuất nên sơ chế ngay tại nguồn. Sau khi sơ chế cần bọc sản phẩm cẩn thận, có bao bì, nhãn mác để tránh hư hại, làm mất đi giá trị của sản phẩm. Đồng thời, để sản phẩm có giá trị hơn, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, khi xuất ra khỏi tỉnh cần có kiểm định an toàn về nguồn gốc, xuất xứ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Làng nghề thủ công Thái và bí quyết sống còn giữa...

0
(SGTT) - Trong thế giới hiện đại ngày nay, các làng nghề thủ công truyền thống đang dần mất đi vị trí của mình...

Bữa sáng Sài Gòn: bún bò chị Phượng ’25 năm tuổi’...

0
(SGTT) - Dù nằm khuất trong một con hẻm đường Trần Văn Đang, quận 3 với địa chỉ nhà lên đến ba xuyệt, nhưng...

Thế giới đồng hồ cao cấp: Những mẫu đồng hồ đẳng...

0
Đồng hồ cao cấp luôn là biểu tượng của sự sang trọng và đẳng cấp, đặc biệt là với giới doanh nhân thành đạt....

An Giang ra mắt Cổng thông tin du lịch thông minh

0
(SGTT) – Ngành du lịch tỉnh An Giang vừa cho ra mắt Cổng thông tin du lịch thông minh và ứng dụng di động...

Du khách quốc tế đến Việt Nam trong quý 1/2024 vượt...

0
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 đạt gần 1,6 triệu lượt, cao nhất kể từ đầu năm. Tính chung quý...

Nhà nước có cần giải cứu các dự án BOT giao...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại tám dự án BOT giao...

Kết nối