Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Đỏ mắt tìm nơi điều trị cho trẻ tự kỷ

Bảo Uyên –

Số lượng trẻ em được chẩn đoán và điều trị tự kỷ có xu hướng tăng nhanh ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Tuy vậy, tìm được cơ sở y tế chẩn đoán, điều trị chất lượng cho trẻ là điều không mấy dễ dàng hiện nay.

Xếp hàng từ 3 giờ sáng để khám tự kỷ

tre-tu-ky-2Phụ huynh và giáo viên các trường chuyên biệt cùng trẻ mắc chứng tự kỷ tham gia “Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ 2017”.  Ảnh: B.U

Bà L.N (Hà Tĩnh) có con mắc chứng tự kỷ, vì ở địa phương không có phòng khám chuyên khoa tự kỷ nên bà phải đưa con vào TPHCM khám. Tuy nhiên, kết quả chẩn đoán tại nhiều phòng khám đã không chính xác, đến khi tìm được cơ sở khám chất lượng thì con bà đã bị lỡ mất “giai đoạn vàng” trong việc điều trị.

“Nhiều gia đình có con tự kỷ rơi vào tình cảnh này. Chúng tôi phải đưa con lên Hà Nội hoặc vào TPHCM khám. Tìm được nơi điều trị đã khó, tìm được chỗ uy tín, tin cậy thì như mò kim đáy bể”, bà N kể.

Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, một bác sĩ chuyên khoa tâm lý tại TPHCM cho hay, tại nhiều cơ sở y tế, trung tâm tư vấn tâm lý, phụ huynh phải xếp hàng đợi từ 3 giờ sáng để lấy số đăng ký khám cho con em. Thế nhưng, chất lượng chẩn đoán và điều trị ở các cơ sở này như thế nào vẫn không được kiểm định. Không ít trường hợp, trẻ đã được chẩn đoán tự kỷ nhưng đến vài năm sau, trẻ mới được can thiệp phù hợp, lý do là phụ huynh cho con điều trị hoặc can thiệp ở nơi không đảm bảo chất lượng chữa bệnh.

Tại chương trình “Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ 2017” do Mạng lưới tự kỷ Việt Nam (VAN), Mạng lưới tự kỷ ASEAN (AAN) và Tổ chức Phát triển khuyết tật châu Á Thái Bình Dương (APCD) tổ chức vào tuần trước, ThS. BS Phạm Minh Triết (Khoa Tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng 1), cho biết số lượng cơ sở y tế có khả năng đánh giá trẻ tự kỷ còn ít, đặc biệt là tại các tỉnh, do đó phụ huynh thường phải đưa con đến các bệnh viện ở TPHCM hoặc Hà Nội.

Ông Triết cho hay, hàng năm, tại khoa Tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 1, khoảng 1.000-1.200 bệnh nhân được chẩn đoán tự kỷ hoặc theo dõi mắc bệnh tự kỷ. Khoảng 60% số bệnh nhân tự kỷ đến khám tại khoa đến từ các tỉnh, chủ yếu từ Bình Định đến Cà Mau. Dù đã tiếp nhận hết khả năng nhưng bệnh viện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh.

Theo ông Triết, không chỉ hạn chế về số lượng, chất lượng chẩn đoán, việc điều trị của các cơ sở y tế, trung tâm tư vấn tâm lý vẫn còn nhiều điều bất cập. Việc đưa ra chẩn đoán khác nhau giữa các cơ sở không phải là điều hiếm gặp, khiến phụ huynh khó định hướng cách can thiệp phù hợp cho con mình.

[box] Hiện nay tại TPHCM có một số cơ sở y tế có năng lực chẩn đoán chứng tự kỷ như khoa Tâm lý của các bệnh viện Nhi Đồng I và Nhi Đồng II, khoa Tâm thần nhi của Bệnh viện Tâm thần TPHCM, khoa Tâm lý và các vấn đề phát triển của Phòng khám CMI (Hàn Thuyên, quận 1, TPHCM)…[/box]

Chẩn đoán tự kỷ, mỗi nơi một phách

Nguyên nhân cơ bản của vấn đề chất lượng khám chữa bệnh tự kỷ không đồng đều còn là do không thống nhất trong vấn đề đào tạo giữa các cơ sở y tế, trị liệu tâm lý. Theo ông Triết, đến nay, việc đào tạo chính quy cách đánh giá, chẩn đoán tự kỷ tại các bệnh viện và trường đại học đào tạo y khoa vẫn chưa được thực hiện hoàn chỉnh. Việc đào tạo về chẩn đoán tự kỷ tại các cơ sở y tế thường là từ những chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện ở dạng hợp tác.

TS Phan Thiệu Xuân Giang (bác sĩ tâm thần kinh và khuyết tật về phát triển) nhận xét, số trẻ mắc chứng tự kỷ đang tăng nhanh nhưng chất lượng các cơ sở chẩn đoán, điều trị trẻ mắc chứng tự kỷ hiện như “mớ bòng bong”, không hề tuân theo một quy trình đánh giá tự kỷ thống nhất chung nào.

Ông Giang cho rằng cần có một quy trình đánh giá tự kỷ thống nhất bắt buộc áp dụng tại tất cả các cơ sở có thực hiện công tác chẩn đoán.

“Nhưng muốn có quy trình chung thì trước hết cần phải có một chương trình đào tạo căn cơ trong bệnh viện hoặc trường đại học để huấn luyện, cấp chứng chỉ cho cá nhân có năng lực chứ không phải cứ bác sĩ, chuyên gia tâm lý là làm công việc chẩn đoán và can thiệp trẻ mắc chứng tự kỷ ồ ạt như hiện nay được”, ông Giang nêu ý kiến.

Theo Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam, đến năm 2009, riêng bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) có 1.752 bệnh nhi tự kỷ. Nghiên cứu mô hình khuyết tật ở trẻ em của khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương (2000-2007) cho thấy, số trẻ tự kỷ đến khám năm 2007 gấp 50 lần năm 2000. Tại TPHCM, nếu năm 2000 chỉ có 2 trẻ tự kỷ điều trị, thì năm 2008 đã là 324 trẻ, tăng hơn 160 lần. Ước tính, hiện Việt Nam có hơn 200.000 người tự kỷ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM tăng chuyến xe, chuyến tàu phục vụ người dân dịp...

0
(SGTT) - Dự báo nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30-4 và 1-5 tới đây sẽ tăng cao, Sở Giao...

Kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 trong dịp...

0
(SGTT) - Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới đây, Cục Hàng không sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng...

Khởi công xây dựng nút giao Tân Vạn đường Vành đai...

0
(SGTT) -  Nút giao Tân Vạn kết nối tỉnh Bình Dương với TPHCM đã được khởi công xây dựng. Đây là một trong những...

Việt Nam từ trên cao: Khung cảnh thu hoạch rau nhút...

0
(SGTT) – Khung cảnh thu hoạch rau nhút ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM thu hút nhiều nhiếp ảnh gia tìm đến...

Trưa nay ăn gì: Giòn sần sật món đậu que xào...

0
(SGTT) – Đậu que giòn sần sật xào cùng thịt tôm ngọt thanh mang đến bữa cơm trưa thơm ngon, giàu dinh dưỡng cho...

Du lịch Quảng Nam ‘khơi chuyện’ để tiếp cận du khách...

0
(SGTT) - Bước vào mùa Hè cũng là cao điểm của mùa du lịch, việc tung ra các gói kích cầu đúng thời điểm...

Kết nối