Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Điều trị đột quỵ sẽ được chú trọng hơn

An Minh –

Bộ Y tế cho biết, trước tình hình bệnh đột quỵ ngày càng phát triển và trẻ hóa ở nước ta, số người đột quỵ ngày càng gia tăng, bắt đầu từ ngày 1-3 tới, mỗi bệnh viện đều phải thành lập đội phản ứng nhanh về đột quỵ.

Sáu người, nguy cơ một người bị đột quỵ

phong-ngua-dot-quy

Ngày 16-2 vừa qua, Bệnh viện Q. tại TPHCM tiếp nhận một bệnh nhân đột quỵ nặng và tử vong. Bệnh nhân là anh N.V.P, 46 tuổi, trú tại quận 7, TPHCM. Ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của cơn đột quỵ xuất hiện, anh P. đã được vợ sơ cứu và đưa tới bệnh viện. Tuy nhiên, do sơ cứu không đúng cách, kết hợp với nguyên nhân khách quan đã khiến bệnh của anh P. trở nặng và tử vong sau 4 giờ nhập viện.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi ngày, thế giới có tới hơn 3.300 người mắc đột quỵ não và đây là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở người trưởng thành. Theo WHO, cứ sáu người thì có một người có nguy cơ sẽ bị đột quỵ.

Đột quỵ não bao gồm chảy máu não và nhồi máu não, trong đó nhồi máu não chiếm 80-85%. Đây là tình trạng bệnh lý thường gặp ở người trên 40 tuổi, phổ biến nhất là những người có tiền sử bệnh lý tiểu đường, tim mạch, huyết áp, hay tăng cholesterol máu, hút thuốc lá… Tỷ lệ đột quỵ não được dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng và có thể đạt tới con số 1,2 triệu người mắc mới mỗi năm vào năm 2025.

TS.BS. Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Trưởng khoa Mạch máu Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ, trong đó tỷ lệ tử vong là 50% và 70% trong số những người sống sót phải sống chung với các di chứng của đột quỵ.

Qua khảo sát thực tế và đánh giá của nhiều chuyên gia y tế, tỷ lệ đột quỵ ở những người trẻ và trung niên đang gia tăng mạnh và chiếm khoảng một phần ba tổng số các trường hợp đột quỵ. Những người tuổi từ 20 đến 64 chiếm khoảng 31% tổng số trường hợp đột quỵ so với chỉ 25% vào trước những năm 1990.

Theo các chuyên gia về tim mạch và mạch máu não, đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là bệnh lý mạch máu não nguy hiểm và phổ biến nhất hiện nay. Thường 3 giờ đầu tiên khi bệnh nhân đột quỵ được xem là “thời gian vàng” do lúc này các dấu hiệu của bệnh vừa mới xuất hiện. Sau 3 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại, khó phục hồi. Vì vậy bệnh nhân đột quỵ cần được sớm đưa vào bệnh viện để các bác sĩ cứu chữa trong thời gian vàng này.

Khi đột quỵ nên đến bệnh viện nào?

Thông tư số 47/2016/TT-BYT quy định việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh đột quỵ trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Bộ y tế mới ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-3-2017, yêu cầu: tùy theo điều kiện thực tế, cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức một trong các hình thức khám chữa bệnh đột quỵ như đội đột quỵ, đơn vị đột quỵ, khoa đột quỵ hoặc trung tâm đột quỵ.

Theo đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có dưới 100 bệnh nhân đột quỵ trong một năm thì thành lập đội đột quỵ. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có dưới 500 bệnh nhân đột quỵ trong một năm thì thành lập đơn vị đột quỵ. Quy mô giường bệnh của đơn vị đột quỵ là dưới 20 giường bệnh. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị dưới 1.000 người bệnh đột quỵ trong một năm thì thành lập khoa đột quỵ.

Quy mô giường bệnh của khoa đột quỵ là dưới 50 giường bệnh. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị cho khoảng từ 1.000 người bệnh đột quỵ trong một năm trở lên thì thành lập trung tâm đột quỵ. Quy mô giường bệnh của trung tâm đột quỵ là từ 50 giường bệnh trở lên.

Bộ Y tế cũng quy định, đội đột quỵ, đơn vị đột quỵ, khoa đột quỵ và trung tâm đột quỵ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm hoạt động liên tục 24/24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần. Người bệnh đột quỵ được coi là trường hợp cấp cứu. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ưu tiên tập trung mọi điều kiện về nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất để xử trí cấp cứu kịp thời, chẩn đoán nhanh, điều trị và phục hồi chức năng sớm cho người bệnh đột quỵ.

Về lộ trình thực hiện, theo thông tư trên thì đến năm 2020 một số bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt sẽ thành lập khoa đột quỵ, các bệnh viện đa khoa hạng 1 thành lập đơn vị đột qụy, các bệnh viện đa khoa còn lại thành lập đội đột quỵ.

Như vậy, khi người thân bị đột quỵ, gia đình có thể đưa đến bất kỳ bệnh viện đa khoa nào gần nhất, để tận dụng thời gian vàng. Tuy vậy, như đã phân tích, với các bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, nơi có khoa riêng dành cho bệnh này thì trang thiết bị có thể tốt hơn.

Hiện tại nhiều bệnh viện tại TPHCM cũng đã có khoa hoặc đơn vị đột quỵ như Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện An Bình, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện 175.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

CLB Doanh nhân 2030 thăm và trò chuyện cùng doanh nghiệp...

0
Chiều 16-4, CLB Doanh nhân 2030 - thành viên Saigon Times Club thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, đã tổ chức buổi luận...

Anh đào cuối mùa khoe sắc tại thành phố Kanazawa, Nhật...

0
(SGTT) – Những ngày giữa tháng 4, thành phố Kanazawa – thủ phủ của tỉnh Ishikawa, Nhật Bản đang bước vào những ngày cuối...

Những điều nên làm để giữ sức khỏe mùa nắng nóng

0
Trong thời gian tới, nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm qua....

Thổi bùng vị giác với nồi lẩu gà chanh ớt trưa...

0
(SGTT) – Thịt gà là thực phẩm quen thuộc với nhiều người bởi giá hợp lý, chế biến được nhiều món. Hôm nay, loại...

Đến Hòa Bình khám phá hồ Sam Tạng

0
(SGTT) – Cách thị trấn Mai Châu khoảng 15km, hồ Sam Tạng là điểm check-in chưa được nhiều du khách biết đến khi ghé...

Bữa sáng Sài Gòn: Ghé quán cháo lòng gia truyền 80...

0
(SGTT) - Nổi tiếng với món cháo lòng gia truyền hơn 80 năm, quán bà Út nằm ngay trung tâm quận 1 là điểm...

Kết nối