Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Đến Thác Bạc để nhẹ thênh tâm hồn

Nguyễn Thế Lượng-

Thác Bạc là một điểm đến còn hoang sơ nhưng đầy quyến rũ ở Sa Pa (Lào Cai). Nơi đây có phong cảnh đẹp, hữu tình, bạn có cảm giác như sống chậm lại.

Thác Bạc cách thị trấn Sa Pa 12 km về hướng tây, thuộc địa phận xã San Sả Hồ. Để đến đây, bạn đi theo tuyến đường 279 Lào Cai-Lai Châu.

Con đường dẫn vào thác Bạc khá thơ mộng. Dọc hai bên đường đi, bên phải là những triền núi cao sừng sững được bao phủ bởi một màu xanh ngắt của những giàn rau su su của người dân bản địa; bên trái là một khoảng không bao la, nhìn thấy những triền hoa hồng, rau bắp cải và ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Càng đến gần thác Bạc, không khí càng mát mẻ và cảnh sắc càng hoang sơ.

DL-(4)Thác Bạc là điểm dừng chân lý tưởng của du khách khi đến Sa Pa.

Điểm dừng chân nơi thác Bạc là một hẻm núi, sát ngay con đường nhựa, nơi dòng thác chảy từ trên đỉnh núi cao cả trăm mét xuống tận chân núi. Theo cư dân bản địa, thác Bạc là dòng nước nguồn đầu tiên chảy xuống gặp hai dòng nước chảy từ nơi khác đến là dòng suối Vàng và Phìn Hồ để tạo nên San Sả Hồ (ba dòng nước hội tụ lại).

Từ chân thác đến đỉnh núi có đường mòn để du khách đi ngược lên trên, ngắm dòng thác từ nơi bắt đầu của nó. Nếu đứng từ dưới nhìn lên, bạn cảm nhận được sức mạnh của dòng thác với làn nước ào ào đổ từ trên cao, có đoạn gặp những tảng đá lớn, nước tung bọt trắng xóa rồi tỏa ra thành hai ngả. Còn nếu đứng từ trên cao nhìn xuống, thác Bạc trông mềm mại, mượt mà như một dải lụa trắng.

Cảnh sắc ở khu thác Bạc có sự kết hợp hài hòa giữa nước, thác, gió, đá, cỏ cây, hoa lá và vẻ đẹp của đại ngàn Hoàng Liên. Nơi đây, ngoài vẻ đẹp của dòng thác còn có vẻ đẹp của muôn sắc hoa rừng đua nở bốn mùa, có sắc xanh của tấm thảm cây rừng, và ở đó tiếng hót của chim chóc, tiếng kêu của thú rừng tạo nên một sự hòa trộn âm thanh lạ lẫm của núi rừng. Trong không gian mênh mông, khung cảnh thơ mộng, hữu tình ấy, bạn cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm đến lạ thường.

Thác Bạc hiện tại trở thành một điểm đến cho khách du lịch. Cư dân bản địa gồm người Mông, Dao, Giáy ngày ngày tập trung dưới chân thác, tạo ra một phiên chợ nhỏ ngay điểm dừng chân để bán hàng cho du khách. Con người nơi đây bình dị, hiền lành, mến khách, trên môi luôn nở nụ cười. Đồng bào dân tộc thiểu số bán những sản vật họ tự nuôi trồng. Đến đây, du khách có thể mua về những đặc sản như măng, su su, mật ong, rau rừng, thịt trâu sấy…, đặc biệt còn những sản phẩm quần áo, vật dụng bằng thổ cẩm do họ tự dệt lấy.

DL-(2)Phiên chợ nhỏ dưới chân thác Bạc đã tạo nên một sức sống mới nơi sơn dã.

Đến khu thác Bạc, nếu cao hứng, bạn có thể ghé lại một quán nhỏ ven đường, ngồi nhâm nhi chén rượu ngô thơm nồng, thưởng thức món thịt trâu nướng, thịt nướng xiên, cơm lam ống trúc hay trứng nướng than và những bắp ngô nướng ngọt lừ.

Đến đây, có thể bạn sẽ có những giây phút “sống chậm” để xua tan bao mệt nhọc, buồn phiền, để tìm sự thư thái đến nhẹ thênh tâm hồn.

DL-(1)Vẻ đẹp của thung lũng dưới chân núi Hoàng Liên nhìn từ thác Bạc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang có 5 trạm dừng...

0
(SGTT) - Gần 400km cao tốc từ TPHCM đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã được bố trí 5 trạm dừng nghỉ tạm. Các...

Du khách đổ về bán đảo Sơn Trà ‘săn’ hoa tím...

0
(SGTT) - Những ngày cuối tháng 4, cây thàn mát mọc tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lại nở...

Nha khoa thực hiện 120.000 ca cấy ghép implant nay đã...

0
Là tập đoàn y tế với nhiều chi nhánh tại Hàn Quốc, nha khoa Plan vừa qua đã khai trương phòng khám tại TP....

Chiêm ngưỡng bảo vật hơn 300 tuổi ở làng nghề Thổ...

0
(SGTT) - Bức cửa võng đình làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) có tuổi đời hơn 300...

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Góc văn hóa Chăm tại Hội An thu hút khách quốc...

0
(SGTT) – Sau khi khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, nhiều du khách quốc tế đã ghé thăm một không gian văn hoá Chăm...

Kết nối