Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024

Đào tạo kỹ sư CNTT cho thị trường Nhật Bản

Chí Thịnh-Ngọc Ánh-

Liên minh các doanh nghiệp gia công phần mềm và công nghệ thông minh Việt Nam (VNITO Alliance) đang lên kế hoạch mở trung tâm đào tạo kỹ sư cầu nối cho thị trường Nhật Bản vào cuối năm nay.

Theo thông tin từ ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch VNITO Alliance, chương trình đào tạo các kỹ sư cầu nối (Bridge System Engineer – BrSE) này chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) làm việc cho thị trường Nhật Bản.

kysu-nhatbanCác học viên của chương trình 10.000 kỹ sư cầu nối nộp hồ sơ và tham gia phỏng vấn với các doanh nghiệp Nhật Bản.  Ảnh: FPT

Thị trường lớn

Những năm gần đây, Nhật Bản đã trở thành một thị trường quan trọng đối với các doanh nghiệp CNTT Việt Nam. Ngay từ đầu năm 2017, nhiều công ty gia công CNTT thuộc VNITO xác định sẽ tập trung nguồn lực khai thác mạnh thị trường Nhật Bản nhưng nguồn cung lao động trên thị trường hiện nay không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Nhu cầu sử dụng nhân lực, đặc biệt là kỹ sư cầu nối phục vụ thị trường Nhật Bản, được dự báo sẽ tăng mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty phần mềm TMA Solutions, cho biết VNITO Alliance quyết định đặt trọng tâm vào thị trường Nhật Bản vì cơ hội phát triển từ thị trường này lớn hơn so với các thị trường khác, nhu cầu gia công phần mềm tại đây cũng rất cao. Nhật Bản là một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới nhưng lại thiếu nguồn nhân lực để triển khai, thực hiện.

Hiện tại, theo ghi nhận từ một số doanh nghiệp gia công CNTT, doanh thu xuất khẩu phần mềm cho thị trường Nhật Bản vẫn còn thấp so với thị trường Bắc Mỹ. Ví dụ, tại TMA Solutions, doanh thu từ thị trường Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 10-15% nhưng doanh nghiệp xác định đây chính là một thị trường tiềm năng. Các đối tác Nhật Bản quan tâm và chọn Việt Nam làm nơi gia công thay vì đặt hàng Trung Quốc, Ấn Độ…

Dự kiến, VNITO Alliance sẽ chọn một trong số các cơ sở đào tạo tại TPHCM để triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn, bổ sung kiến thức chuyên môn, trình độ giao tiếp tiếng Nhật… cho vị trí kỹ sư cầu nối. Chuyên gia của các doanh nghiệp sẽ cùng tham gia hoạt động đào tạo, tạo điều kiện cho học viên thực tập trong môi trường làm việc thực tế, tương tự như cách thức mà Công viên Phần mềm Quang Trung đang làm hiện nay.

Trước đó, VNITO Alliance đã hợp tác cùng trung tâm Saigon Tech mở trung tâm đào tạo kỹ năng chuyên ngành mang tên IT Workfore Solution Center ngay tại Công viên Phần mềm Quang Trung. Các học viên sẽ được đào tạo bổ sung kiến thức và có cơ hội được nhận vào làm việc ở các doanh nghiệp thành viên của VNITO Alliance.

Lương cao, yêu cầu cũng cao

Trong tổng số hơn 450 học viên đã tốt nghiệp của sáu khóa đào tạo trong chương trình “10.000 kỹ sư cầu nối” do Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) triển khai những năm gần đây, 80% đang làm việc tại một số công ty lớn ở Nhật Bản với mức lương từ 2.000-3.000 đô la Mỹ mỗi tháng (khoảng 45-67,5 triệu đồng).

Chương trình đào tạo “10.000 kỹ sư cầu nối” giai đoạn 2015-2020 được FPT Software công bố tại Nhật Bản vào tháng 11-2014. Theo người đại diện FPT Software, tính đến thời điểm hiện tại, chương trình đã đưa được chín khóa học viên sang Nhật Bản đào tạo, với tổng số 550 học viên.

Trong đó, có sáu khóa đã tốt nghiệp với hơn 450 học viên, 80% số học viên này hiện đang làm việc tại các công ty công nghệ lớn như NTT Communications, Fujitsu, SBI Holdings, Human Touch, Pasona Tech, FPT Nhật Bản, số còn lại đang làm tại FPT Software Việt Nam và các công ty Nhật Bản ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Hồng Liên, Giám đốc chương trình “10.000 kỹ sư cầu nối” của FPT Software, cho biết trong thời gian tới, chương trình sẽ đi sâu vào nâng cao chất lượng học viên, mở rộng nhiều loại hình liên kết với doanh nghiệp và các trường học theo mô hình “Đào tạo – Hướng nghiệp – Thực hành – Làm việc”.

Từ năm 2007, để đáp ứng nhu cầu nhân sự cho các dự án với khách hàng Nhật Bản, FPT Software đã triển khai chương trình đào tạo kỹ sư cầu nối nội bộ cho nhân viên. Bắt đầu từ năm 2015, FPT Software chính thức mở rộng chương trình này cho toàn bộ kỹ sư CNTT Việt Nam. Đối tượng mà chương trình hướng tới là các kỹ sư CNTT hoặc sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp đại học chuyên ngành CNTT.

Mục tiêu của chương trình “10.000 kỹ sư cầu nối” là đào tạo và cung ứng nhân lực kỹ sư IT Việt Nam biết tiếng Nhật, đủ khả năng làm việc với các doanh nghiệp Nhật Bản thông qua chương trình đào tạo ngắn hạn tại Việt Nam và Nhật Bản. Đồng thời, cung cấp nguồn nhân lực CNTT biết tiếng Nhật và thuần thục các kỹ năng làm việc với đối tác Nhật Bản cho các công ty công nghệ trong nước và Nhật Bản.

Trên thực tế, việc đào tạo tiếng Nhật cho đội ngũ kỹ sư CNTT tại Việt Nam vẫn gặp hạn chế do học viên không có môi trường thực tế để ứng dụng, thực hành. Do đó, kể từ tháng 12-2015, Ban tổ chức chương trình đề xuất áp dụng thử nghiệm mô hình đào tạo giai đoạn 2 tại Nhật Bản đối với khóa BrSE đợt 3-2016.

Theo đó, giai đoạn 1 (kéo dài 4 tháng), học viên từ trình độ 0 đến chứng chỉ N4 (có năm cấp chứng chỉ, thấp nhất là N5 và cao nhất là N1) tại Việt Nam được FPT Software tài trợ chi phí như cũ. Kể từ giai đoạn 2, học tiếng Nhật tương ứng với trình độ N4-N2, học viên sẽ được học tại Nhật Bản trong 6 tháng thay vì 5 tháng.

Trong chiến lược phát triển của FPT Software, Nhật Bản luôn được xem là thị trường quan trọng hàng đầu bởi mang lại sự tăng trưởng ổn định và bền vững. Trong hơn 10 năm qua, doanh thu của FPT Nhật Bản luôn đạt mức tăng trưởng 32%/năm. Cũng trong thời gian qua, FPT Nhật Bản đã đưa hàng ngàn lượt kỹ sư CNTT Việt Nam sang triển khai nhiều dự án quan trọng cho các tập đoàn lớn của Nhật Bản. Năm 2016, doanh thu FPT Nhật Bản đạt 128 triệu đô la, tăng trưởng 49% so với cùng kỳ. FPT Nhật Bản đặt mục tiêu năm 2017 đứng trong danh sách 50 công ty dịch vụ CNTT lớn tại đất nước hoa anh đào này.

[box] Kỹ sư cầu nối là khái niệm đặc trưng dành cho thị trường Nhật Bản. Đối với hoạt động gia công CNTT tại Việt Nam, thị trường Nhật Bản cần các ứng cử viên thông thạo tiếng Nhật để tạo cầu nối giữa đội ngũ làm dự án gia công phần mềm, dịch vụ ở Việt Nam và khách hàng tại Nhật. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, các ứng viên này còn phải có khả năng suy nghĩ khoa học, phân tích tình huống, kỹ năng giao tiếp…

Chương trình đào tạo kỹ sư cầu nối sẽ hướng tới các đối tượng là kỹ sư CNTT hoặc sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp đại học chuyên ngành CNTT. Sau khi hoàn tất quá trình đào tạo, các kỹ sư này sẽ có cơ hội làm việc trực tiếp cho các công ty CNTT tại Nhật Bản hoặc làm việc trong các dự án gia công với đối tác Nhật Bản. [/box]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Booking.com: Đà Lạt được khách Việt tìm kiếm nhiều nhất dịp...

0
Trong dịp lễ 30-4 và 1-5, du khách Việt có xu hướng tìm kiếm những điểm đến có thời tiết mát mẻ hoặc gần...

Liên kết du lịch giữa TPHCM và ĐBSCL: Cần sản phẩm...

0
(SGTT) – Thời gian qua, các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL đã đi...

Các hãng hàng không tăng tải, ngành đường sắt ‘cháy’ vé...

0
(SGTT) - Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới đây, các hãng hàng không sẽ tăng hơn 100 chuyến bay/ngày để đáp ứng nhu...

Saigontourist “bắt tay” xứ dừa đẩy mạnh phát triển du lịch

0
(SGTT) – Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), doanh nghiệp kinh doanh du lịch hàng đầu Việt Nam ngày 16-4 tại...

Những thức uống cà phê Việt làm ‘say lòng’ Michelin

0
(SGTT) - Việt Nam không chỉ nổi tiếng bởi việc xuất khẩu trữ lượng lớn hạt cà phê ra thế giới mà quốc gia...

Cách phục hồi và ngăn ngừa cháy nắng hiệu quả trong...

0
(SGTT) - Cháy nắng có thể gây đau đớn và làm tăng nguy cơ ung thư da. Trong bài viết này, mời bạn đọc...

Kết nối