Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Công nghệ bước vào nông nghiệp

Ngọc Hùng –

Công nghệ thông tin đang được ứng dụng rộng rãi vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống hiện nay, trong đó có nông nghiệp – ngành được xem là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực này sẽ giúp ích nhiều cho người nông dân.

Nương theo chiều gió

hoalanViệc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp ích nhiều cho người nông dân.  Ảnh: Nguyễn Huyền

Tại hội nghị mang chủ đề xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam do Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghiệp cao Việt Nam (DAA) thuộc Trung ương Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam tổ chức vào tháng 12 năm ngoái có một điểm thu hút sự chú ý của nhiều người. Đó là vị chủ tịch DAA, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, một trong những doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn nhất của Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết vào tháng 5-2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định 575/QĐ-TT, trong đó phê duyệt bản quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030 cả nước sẽ có 10 khu nông nghiệp công nghệ cao ở Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Phú Yên, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Hậu Giang. Đây là những địa phương có thế mạnh riêng về nông nghiệp để phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Như vậy, chính phủ đã xác định những cây trồng, vật nuôi chủ lực của Việt Nam đều phải được sản xuất và chế biến theo hướng công nghiệp cao nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp.

Hiện có hai địa phương đang thu được lợi ích về mặt tài chính và hình ảnh nhờ có các khu nông nghiệp công nghệ cao đang hoạt động hiệu quả là TPHCM và Lâm Đồng. Theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhờ ứng dụng công nghệ cao nên trung bình mỗi héc ta đất canh tác nông nghiệp mang về cho người nông dân khoảng 2 tỉ đồng, thậm chí, có những nơi có doanh thu 5 tỉ đồng mỗi năm.

Điều này chứng tỏ những sản phẩm nông nghiệp làm theo quy trình công nghiệp, có ứng dụng giải pháp kỹ thuật-công nghệ đã giúp cho cho hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp tăng cao mấy chục lần. Nhìn vào mô hình thành công của TPHCM và Lâm Đồng thì ý tưởng lập 10 khu nông nghiệp công nghệ cao ở các địa phương là cơ sở. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, cách đây hơn 10 năm, rất khó hình dung rằng nông nghiệp là lĩnh vực thu hút đông đảo các doanh nghiệp lớn rót vốn vào để đầu tư cho việc ứng dụng công nghệ cao. Ví dụ FPT, vốn thành công ở lĩnh vực công nghệ thông tin, đang rót vốn vào nông nghiệp; Trường Hải (Thaco), một tên tuổi trong lĩnh vực lắp ráp ô tô, muốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất lúa gạo; Vingroup với những dự án triệu đô la về bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng nay đang tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp xanh của mình. Vì thế, theo các chuyên gia, khi những xu hướng công nghệ mới như Social (truyền thông xã hội), Mobile (di động), Analytics (phân tích dựa trên dữ liệu lớn), Big Data (dữ liệu lớn) và Cloud (điện toán đám mây) đang tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ nơi các ngành công nghiệp và dịch vụ truyền thống của Việt Nam thì ngành nông nghiệp cũng phải tận dụng và biết cách nương theo làn gió này.

Chấp nhận cái mới, tiến bộ

Theo Báo cáo phát triển Việt Nam có chủ đề “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào” do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố gần đây, khoảng 90% đất nông nghiệp thuộc các hộ nông nghiệp và các trang trại, 6% thuộc các doanh nghiệp, số còn lại thuộc các cơ sở khác. Đa phần các hộ nông nghiệp có quy mô rất nhỏ, diện tích canh tác bình quân mỗi lao động nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt 0,34 héc ta, chỉ bằng hơn một nửa (0,6-0,8 lần) so với những quốc gia có nền nông nghiệp tương tự trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Myanmar hay Philippines.

Báo cáo này cũng cảnh báo xu hướng chung gần đây cho thấy GDP nông nghiệp Việt Nam đang giảm, tốc độ tăng năng suất đang chậm lại, trong khi khoảng cách về thu nhập giữa lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp đang nới rộng.

Trong báo cáo, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng đã đến lúc nông nghiệp Việt Nam không thể “làm theo cách cũ” cần thay đổi để vượt qua những thách thức, để bảo đảm tăng trưởng nông nghiệp trong tương lai.

Chính vì vậy, tại cuộc Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam, các đại biểu được trực tiếp học hỏi những kinh nghiệm thành công trong việc ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân từ Công ty TNHH Thủy sản Nam miền Trung, Công ty cổ phần Hùng Nhơn, Công ty TNHH Huy Long An -Mỹ Bình. Lãnh đạo những doanh nghiệp này đã giới thiệu kinh nghiệm xây dựng, quản lý những hệ thống công nghệ hiện đại, liên kết sản xuất, chuyển đổi mô hình quản lý từ nông hộ truyền thống sang doanh nghiệp nông nghiệp và đạt hiệu quả cao trong lĩnh vực tôm giống, chăn nuôi gia cầm, trái cây xuất khẩu đạt hiệu quả cao về mặt sản lượng và kinh tế.

Tại cuộc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu một số chủ trương lớn cần thực hiện, đó là hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất sản xuất nông nghiệp dựa trên lợi thế so sánh, tính toán hợp lý để đưa cơ giới hóa cũng như thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp.

Chính phủ cũng đang chỉ đạo thí điểm thành lập ngân hàng về quỹ đất và xem xét việc hình thành thị trường quyền sử dụng đất để nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất. Ngoài các nguồn tín dụng, thì cần phát triển một số quỹ hỗ trợ nông nghiệp, quỹ hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp… Ông cũng đánh giá cao đề xuất của Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao về đề xuất mô hình phát triển các khu tổ hợp Nông nghiệp công nghệ cao và cho biết Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mô hình này ra đời và phát triển.

Dấu ấn công nghệ ngày càng nhiều

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Hùng Nhơn, một trong những công ty lớn về chăn nuôi gia cầm tại Bình Phước, công ty đang đầu tư 50 triệu đô la Mỹ để xây dựng Thung lũng thực phẩm an toàn ở Đồng Nai và Bình Phước. Mục tiêu là tạo ra các dòng sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc sản xuất. Chỉ cầm một động tác, người tiêu dùng có thể biết được sản phẩm này được nuôi, trồng trọt như thế nào, công đoạn chế biến có an toàn hay không. Và để làm được điều này phải nhờ cậy vào công nghệ thông tin. Vì thế, Hùng Nhơn đã ký kết bản hợp tác với DAA Việt Nam thực hiện dự án tem truy xuất nguồn gốc sản xuất cho sản phẩm phân bón Đồng Phú.

Việc dán tem để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, theo ông Hùng là cần thiết vì hiện tại hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng đang bùng phát. Một con tem giá chỉ 1.000 đồng nhưng rất có ý nghĩa trong khâu sản xuất kinh doanh cũng như tạo sự thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra phân bón giả trên thị trường. Hùng Nhơn chỉ bỏ chi phí để mua tem còn những công đoạn còn lại là do FPT đảm nhiệm, từ việc xây dựng hệ thống, quy trình và hướng dẫn vận hành.

Hà Nội và TPHCM cũng đã ký kết bản thỏa thuận với DAA để thí điểm dự án tem DAA trong việc truy xuất nguồn gốc của rau.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), nói rằng ông sẽ chọn một tỉnh ở phía Bắc để thực hiện dự án sản xuất lúa gạo theo mô hình tiêu chuẩn. Theo đó, nông dân làm theo tiêu chí của doanh nghiệp và bán cho doanh nghiệp sau thu hoạch, hay hiểu  một cách đơn giản, nông dân là nhân viên gia công cho doanh nghiệp trong dự án sản xuất lúa gạo sạch này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thế giới xung quanh ngôi chợ du lịch lớn nhất Đà...

0
(SGTT) – Chợ Hàn – Ngôi chợ truyền thống lâu đời tại Đà Nẵng, đang là điểm đến được nhiều du khách quốc tế...

Phong trào chạy bộ nở rộ nhưng không phải ai cũng...

0
(SGTT) - Hiện phong trào chạy bộ đang phát triển mạnh tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, các bác...

Thơm lừng góc chợ Gò Vấp gánh súp cua cô Liên,...

0
(SGTT) - Nếu có dịp đi ngang chợ Gò Vấp và ghé nơi đây mua sắm, ẩm thực là một trong những điều mà...

Hà Nội: Gần 80 gian hàng tham gia Lễ hội Ẩm...

0
Sau ba mùa thành công trước đó, Lễ hội Ẩm thực Pháp "Balade en France" sẽ trở lại với quy mô lớn gấp đôi...

Công thức hai món ăn ‘hot trend’: Milo nấm và bánh...

0
(SGTT) - Sau nhiều trào lưu ẩm thực, hai món ăn milo nấm và bánh mì phô mai tan chảy hiện đang là trào...

‘Mùa cỏ cháy’ trên cung đường trekking Tà Năng – Phan...

0
(SGTT) - Tà Năng - Phan Dũng được xem là một trong những cung đường trekking bậc đẹp nhất Việt Nam. Với thảm thực...

Kết nối