Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Cơn sốt thời trang hàng Việt Nam xuất khẩu

THANH DƯƠNG –

Ngoài nhu cầu mặc đẹp và hợp mốt, điều mà các tín đồ thời trang quan tâm là chất lượng sản phẩm. Ngày càng có nhiều người có xu hướng chọn những sản phẩm được gắn mác hàng Việt Nam xuất khẩu, chấp nhận bỏ ra những khoản chi không nhỏ cho những sản phẩm này.

Nhưng liệu hàng Việt Nam xuất khẩu, loại hàng được hiểu là thay vì xuất khẩu thì bằng nhiều cách đã quay ngược lại bán vào thị trường trong nước, hiện nay có nhiều đến độ tạo thành một cơn sốt không và những sản phẩm này có thực sự đáng “đồng tiền bát gạo” mà người tiêu dùng bỏ ra không?

TT_10 Saigon Square 1, nơi có nhiều shop bán hàng Việt Nam xuất khẩu.

Chuộng vì chất lượng tốt

Từ nỗi lo lắng về hàng Trung Quốc kém chất lượng, rồi tin đồn chứa hóa chất… cùng nhu cầu sở hữu những mặt hàng có tên tuổi, chất lượng và giá cả phù hợp túi tiền, nên nhiều người chuyển sang chọn hàng Việt Nam xuất khẩu (VNXK). Chị Dương Thanh Ngân, nhân viên kinh doanh ở quận 3, TPHCM cho biết hàng VNXK chất lượng tốt và giá cả rất phải chăng. “Đặc biệt là chọn đồ cho con gái, tôi hay chọn hàng VNXK vì chất lượng tốt, không gây dị ứng với da trẻ em”, chị nói. Khi được hỏi làm sao để phân biệt được hàng tốt, chị quan niệm hàng xuất đi nước ngoài đương nhiên phải tốt. Không riêng chị Ngân, nhiều người tiêu dùng hiện nay chuộng mua các mặt hàng xuất khẩu từ quần áo, giày dép, túi xách… cũng với quan niệm tương tự chị Ngân.

Địa chỉ và hình thức để mua hàng cũng rất đa dạng. Với những người bận rộn có thể tìm mua hàng VNXK trên mạng, còn những ai thích lựa trực tiếp thì đến các cửa hàng chuyên bán hàng VNXK hoặc Saigon Square, nơi được mệnh danh là thiên đường của hàng VNXK.

Mặt hàng được chọn nhiều nhất là quần áo trẻ em. “Tâm lý của các bậc phụ huynh là con em phải mặc hàng đảm bảo chất lượng, không gây kích ứng với da trẻ nhỏ, có mắc một chút cũng không sao”, chị Hoài Thu, một khách hàng quen thuộc của Saigon Square cho hay. Với những chiếc áo quần, hay váy đầm gắn mác Carter’s, Gap, Zara Kid… làm phụ huynh yên tâm hơn khi mua, giá một bộ đồ trẻ con phải hơn trăm ngàn đồng, thậm chí vài trăm ngàn đồng. Khi vào thử mạng xã hội Facebook gõ “Thời trang trẻ em hàng Việt Nam xuất khẩu” sẽ hiện ra vô vàn kết quả.

Chọn hàng hiệu có tên tuổi thì giá quá cao, hàng do các công ty Việt Nam sản xuất thì mẫu mã và kiểu dáng chưa đa dạng lắm, còn mua hàng rẻ lại sợ mua phải hàng Trung Quốc. Vì vậy, hàng VNXK trở thành xu hướng tiêu dùng hiện nay.

Hàng xuất khẩu sao mà nhiều thế?

Trước đây ở TPHCM, nói đến hàng xuất khẩu, người ta nghĩ đến chợ Nga, Saigon Square 1 (77-89 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1), Saigon Square 2 (7-9 Tôn Đức Thắng, quận 1 ), Taka Plaza, thì nay có thêm các trung tâm khác như Lucky Plaza, Square Hoàng Thành… Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trung tâm khác như Taka Plaza 2 ở đường Phạm Ngọc Thạch và đường Hai Bà Trưng (quận 3) hay nhiều cửa hàng nằm khắp các tuyến đường, con hẻm ở TPHCM.

Tại một cửa hàng ở lầu 1 Taka Plaza 2, chị chủ cửa hàng cho biết, tất cả hàng ở đây đều là hàng xuất khẩu đúng chuẩn. Một chiếc váy nữ hiệu Mango, H&M, Zara… giá 330.000-380.000 đồng. Nhưng nếu hàng cao cấp hơn như Express, BCBG, WareHouse, GAP, Laundry, The Limeted… thì có giá 380.000-480.0000 đồng. Hỏi về nguồn gốc hàng, chị cho biết lấy từ các đầu mối chuyên tuồn hàng mẫu mới nhất từ các xưởng gia công, xưởng may xuất khẩu ra ngoài nên giá cao.

Một cửa hàng đồ xuất khẩu ở đường Cao Thắng (quận 3) trưng bày các sản phẩm hàng VNXK có giá dao động 350.000-500.000 đồng/sản phẩm tùy theo mẫu. Chị chủ cửa hàng cũng cho biết đây đúng là hàng xuất khẩu nên giá cao, không phải là hàng nhái.

Chị Hoàng Uyên, chủ cửa hàng kinh doanh quần áo trên đường Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình), cho biết hàng thời trang xuất khẩu có nhiều dạng, dạng nhà máy tuồn ra, hàng tồn kho, hàng bị lỗi và cả hàng nhái, vì vậy mà giá nào cũng có. “Nếu đúng hàng xuất khẩu, tức hàng được “ăn cắp” nên giá cao, còn hàng tồn kho giá rẻ hơn, riêng hàng nhái thì giá rất “bèo” và chất lượng cũng kém”, chị Uyên giải thích.

Tại đường Nguyễn Hữu Cầu, phường Tân Định, quận 1, TPHCM, nơi có khá nhiều shop thời trang hàng VNXK. Khi được hỏi về nguồn hàng, chị Q., chủ một shop thời trang tại đây cho biết phần lớn là “hàng lên” (một dạng hàng nhái) do xưởng may tại nhà nhưng phải treo biển là hàng xuất khẩu vì khách hàng thích hàng xuất khẩu hơn. Các shop ở đường này nhà nào cũng có xưởng may, mối chủ yếu là Saigon Square, Taka, chợ Nga, chợ An Đông… “Người ta chuộng hàng xuất khẩu nên mình phải đề vậy”, chị Q. nói.

Chị Hoài Phương, nhân viên kiểm hàng Công ty may Ngọc Linh ở huyện Hóc Môn, TPHCM, cho hay hàng xuất khẩu rất ít, sau khi xuất đi chỉ còn dư một số nhỏ hay thậm chí là không có, nên không thể cung cấp ra ngoài với số lượng lớn như trên thị trường hiện nay. Trong khi đó, chị Thanh Hà, trưởng phòng kế hoạch một công ty chuyên may gia công hàng xuất khẩu ở quận Thủ Đức, khẳng định đa số các nhãn hiệu lớn như BCBG, Express, Guess, LV… ngay từ khi ký hợp đồng gia công hàng, họ đã thỏa thuận là sản phẩm của họ còn tồn, hàng lỗi, dư ra thì đơn vị gia công phải hủy mạc, tem hoặc chỉ được xuất sang một nước thứ ba chứ không được bán ra thị trường.

“Nếu họ phát hiện thì sẽ kiện”, chị Hà nói và khẳng định, nếu các nhãn hiệu cao cấp, nổi tiếng được bán bên ngoài nhiều thì đa phần đều là hàng nhái, hàng lên.

Có thể khẳng định hàng VNXK bán ra thị trường là có nhưng với số lượng nhiều đến mức nhà nhà, người người bán hàng VNXK là điều không thể. Hàng VNXK nếu có được bán ra bên ngoài thì cũng chỉ với số lượng nhỏ và không thể có đầy đủ kích cỡ, kiểu dáng vì xét về ngoại hình thì người nước ngoài thường to hơn người Việt Nam. Nhưng ở các cửa hàng thời trang xuất khẩu, luôn có đủ kích cỡ, đủ kiểu và có thể bán sỉ với số lượng lớn, đây thực sự là một điều bất hợp lý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

‘Chìa khóa’ mở các ‘cánh cửa quốc tế’ cho thời trang...

0
(SGTT) - Nổi bật và ấn tượng giữa vô vàn thiết kế trong và ngoài nước là khát vọng mà bất kỳ nhà thiết...

Phối quần jean và bốt cao bồi sao cho tôn dáng?

0
(SGTT) - Quần jean và giày bốt cao bồi, một sự kết hợp từ thuở ban đầu cho đến nay vẫn được khá nhiều...

Cầu giảm và cạnh tranh tăng, lối nào cho hàng thời...

0
(SGTT) - Trong giai đoạn suy thoái kinh tế, nhu cầu mua sắm thời trang giảm sút ảnh hưởng lên nhiều thương hiệu nội...

Doanh nhân chính truyện: Chuyện chưa kể của những nhà thiết...

0
(SGTT) - Văn hóa là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận của các nhà thiết kế thời trang. Đây là một trong những...

Thể thao sành điệu với thời trang tập gym được sao...

0
(SGTT) - Việc duy trì thể dục thể thao đều đặn không chỉ giúp các ngôi sao Hàn Quốc duy trì vóc dáng mà...

Thương mại điện tử hàng xa xỉ trong cơn suy thoái

0
(SGTT) - Đại dịch Covid-19 thúc đẩy sự trỗi dậy của các nhà bán lẻ thương mại điện tử chuyên về thương hiệu thời...

Kết nối