Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Chuyện tử tế ở xứ kim chi

 Anh Kiệt

Hơn mười ngày đi phượt trên đất nước Hàn Quốc – xứ sở kim chi, chúng tôi không chỉ đắm say trước cảnh sắc của trời thu nơi đây mà còn bồng bềnh trong men ấm tình người. Ngôn ngữ của lòng tử tế đã vượt qua mọi rào chắn, mọi khoảng cách và đưa đôi vợ chồng già thong dong rong ruỗi trên những nẻo đường ở Seoul, Gyeongju, Busan, Jeju…

Say đắm cảnh sắc mùa thu xứ kim chi, hai vợ chồng chúng tôi đã liều lĩnh lập hành trình chuyến phượt trên nước này. Điều lo ngại nhất là qua thông tin trên mạng, nhiều bạn phượt đã kêu rên Hàn Quốc ít người biết tiếng Anh, các bảng hướng dẫn chỉ toàn tiếng Hàn. Một liều ba bảy cũng liều, dù tiếng Anh không đầy lá mít còn tiếng Hàn một chữ bẻ đôi không biết, chúng tôi vẫn khăn gói lên đường. Ấn tượng đậm đà nhất đọng lại sau chuyến đi của chúng tôi không chỉ là cảnh sắc tuyệt vời mà chính là câu chuyện về lòng tử tế.

 Lòng tốt trên đường phố

Chừng như trong vốn từ ngữ của người Hàn không có cụm từ “tôi không biết”. Mỗi khi được nhờ vả, hỏi đường, dù biết hay không biết, họ làm mọi cách để nghe, để hiểu và để giải đáp cho đến khi nào người nhờ đạt được mục đích. Tôi đã hai lần được hưởng hạnh phúc bất ngờ đó.

Đường vào làng cổ HanDong (Gyeongju) – di sản văn hóa thế giới.
Đường vào làng cổ HanDong (Gyeongju) – di sản văn hóa thế giới.

Lần đầu tiên ở cố đô Gyeongju. Chúng tôi đến Gyeongju khá muộn so với lịch trình dự kiến. Theo bản đồ và hướng dẫn trong Lonely Planet, gần khu Tumuli lăng mộ các vị vua có một khu công viên biển rất đẹp nên dù đã trễ chúng tôi cũng vội ra đây. Đến nơi, công viên đã đóng cửa, chỉ còn lác đác mấy chiếc taxi và những người khách về muộn. Chúng tôi ở một khách sạn không lấy gì nổi tiếng trên con đường nhỏ gần bến xe nên các bác taxi không biết đường đi. Mằn mò một lúc không xong, bác taxi bàn giao tôi cho bảo vệ công viên. Bảo vệ cũng không biết đường đến khách sạn này nên gọi những người khách chung quanh đó cùng nhau bàn bạc bằng tiếng Hàn, dùng bản đồ định vị toàn cầu trên điện thoại để tìm khoảng 20 phút vẫn chưa ra. Nhìn lại công viên lúc này vắng lặng chẳng còn chiếc taxi nào, tôi đâm lo. Một cô gái trẻ đi cùng một thanh niên chừng như hiểu được nỗi lo của tôi đã lên tiếng bằng ngôn ngữ… tay chân: “Đừng lo, chúng tôi sẽ đưa ông bà về”. Quả nhiên, cuối cùng họ cũng tìm ra được địa chỉ ấy và đôi bạn trẻ ra hiệu cho chúng tôi cứ đứng chờ, họ ra bãi lấy xe ô tô và đưa tôi về tận nơi.

Đôi nam nữ thanh niên đã đưa chúng tôi về đến tận khách sạn ở Gyeongju.
Đôi nam nữ thanh niên đã đưa chúng tôi về đến tận khách sạn ở Gyeongju.

Lần thứ hai ở Busan. Từ làng văn hóa Gamcheon tôi đi xe điện về trạm Dongbeak rồi đi bộ về Mum guest house. Đã lấy cái khách sạn Grand Hotel khá lớn làm vật chuẩn nhưng do Busan quá nhiều cao ốc san sát nhau che chắn tầm nhìn nên đi gần tới nơi tôi vẫn không nhận ra. Thấy một thanh niên đứng bên đường, tôi níu anh ta đưa danh thiếp của guest house nhờ chỉ đường. Anh này biết đôi chút tiếng Anh nhưng nói rất khó nghe. Sau vài lần hướng dẫn, nhìn vẻ mặt ngơ ngơ của tôi, anh mỉm cười ngoắc tôi theo anh đến một chiếc xe ô tô gần đó, mở cửa ra hiệu mời tôi lên xe và đưa tới tận nơi.

 Không ngại mất công

Ở làng văn hóa dân tộc Jeju, nơi từng là phim trường quay phim Nàng Dae Jang Geum, có điều thú vị là người soát vé hỏi quốc tịch của khách và ghi vào sổ. Tôi lưu ý điều này nên khi quay ra cổng đã hỏi nhờ cô soát vé hướng dẫn đường ra bãi biển đẹp nào gần đó để chụp hình. Cô nói bằng tiếng Anh pha Hàn làm tôi không hiểu được. Cô suy nghĩ một chút rồi gọi điện thoại di động cho một người nào đó và trao điện thoại cho tôi. Trong điện thoại lại một giọng nói tiếng Anh khác, vốn tiếng Anh không đầy lá mít của tôi làm sao có thể nghe mà không thấy mặt thấy tay. Tôi xin lỗi, trả điện thoại và định quay đi nhưng cô cản và ra dấu đã có cách giải quyết. Cô lại gọi điện và đưa máy cho tôi, lần này là một giọng nói Việt Nam. Cô gái Việt này lại không rành về đường sá ở đây nên yêu cầu tôi trả điện thoại cho cô soát vé. Họ “nấu” điện thoại với nhau khoảng nửa giờ, sau đó lại chuyển điện thoại cho tôi. Phương án cuối cùng là đi taxi vì đường khá xa và nhiều ngã rẽ. Sự kiên trì và lòng tốt của người Hàn thì tôi phải cúi đầu khâm phục.

Làng văn hóa dân tộc Jeju, nơi làm phim trường cho bộ phim nổi tiếng Dae Jang Geum.
Làng văn hóa dân tộc Jeju, nơi làm phim trường cho bộ phim nổi tiếng Dae Jang Geum.

Ở Jeju, thấy một nhóm thanh niên đứng chờ xe buýt đang chuyện trò rôm rả, tôi hỏi thăm đường về Forest Hostel cũng là một nhà trọ nhỏ ở gần bãi biển. Lập tức nhóm thanh niên này thay đổi chủ đề, họ xúm lại xem cái danh thiếp của Forest Hostel và bàn nhau tìm vị trí. Một cậu mặc áo đỏ cao nhất đưa tay khẳng định đã biết đường và bảo tôi đi theo cậu. Cả nhóm họ lao xao cùng hưởng ứng hộ tống chúng tôi. Trên đường đi, qua trò chuyện được biết đây là nhóm sinh viên khoa toán trường Đại học Jeju. Đến khi tôi đã nhận diện được đường đi, cảm ơn và đề nghị họ quay về, họ vẫn cứ khăng khăng đưa tôi, đến khi họ nhìn thấy biển hiệu của nhà nghỉ này mới chịu quay lại trạm xe buýt.

Tận tâm với người bị nạn

Ở Gyeongju, khi đi tham quan ngôi chùa cổ Bulguksa, vợ tôi bị một tai nạn nhỏ, bàn chân bị lật bong gân. Từ tai nạn này lại ra thêm câu chuyện về lòng tốt của người Hàn. Trong một quán cơm, sau khi ăn xong chúng tôi xin nước đá (bằng ngôn ngữ tay chân), bà chủ hỏi lý do. Nhìn thấy cái chân sưng, bà ngẫm nghĩ rồi đi ra sau nhà lấy thuốc giảm đau và băng thun ra băng bó cho vợ tôi. Nhìn thấy đôi giày bó cứng cái chân, bà lại quay vào nhà lấy ra đôi dép nhựa và cái túi nhựa. Cảm động, chúng tôi xin hoàn tiền nhưng bà lắc đầu từ chối. Khi tôi ra dấu hỏi chỗ nào bán thuốc, bà đưa tôi đến tận một nhà thuốc ở gần đó dù quán chỉ có mình bà.

Ở nhà ga xe lửa Gyeongju, vợ tôi được nhân viên nhà ga đẩy xe lăn đến tận cửa xe lửa bằng con đường riêng, không phải chui hầm như khách bình thường. Khi đến Busan, nhân viên nhà ga đem xe lăn đến tận chỗ ngồi, đưa vợ tôi ra đến taxi. Ở sân bay Busan, khi đã làm thủ tục xong, có thẻ lên tàu, tôi mới yêu cầu được săn sóc đặc biệt, cô nhân viên lập tức thu hồi lại cái thẻ lên tàu và làm cho tôi thẻ mới. Hóa ra, vợ tôi được đưa lên máy bay bằng xe lăn và ngồi ghế VIP. Sân bay Jeju, không có ống dẫn ra máy bay, hành khách phải xuống bằng cầu thang và đi ô tô vào nhà ga, họ đã điều hai xe chuyên dụng: một xe nâng kết nối bàn nâng với cửa máy bay để đưa xe lăn ra, sau đó, xe nâng hạ xuống kết nối với một xe y tế chuyên dụng; nhân viên đẩy xe lăn vợ tôi từ xe nâng vào xe chuyên dụng và đưa ra sân bay. Hành lý gửi của chúng tôi cũng được chuyển bằng đường đặc biệt theo xe mà không phải đợi chờ.

Nhân viên xe lửa chờ đưa người gặp nạn lên xe.
Nhân viên xe lửa chờ đưa người gặp nạn lên xe.

Thật thà và hào hiệp

Văn hóa tử tế của người lái taxi lại càng đáng nể. Từ công viên tình yêu Love Land đến Con đường ma quái cũng gần, nó nằm trên hai con đường nối nhau thành chữ V. Tôi đã biết điều này nhưng đi dạo xong công viên, chân cẳng đã rã rời nên tôi gọi một taxi đang đậu chờ khách ở bãi xe của công viên. Đã vào xe và mở công tắc nhưng khi nghe điểm đến của tôi, bác tài tắt máy bước ra khỏi xe ngoắc tôi đi theo. “Nó không xa, gần lắm đi bộ được”, bác chỉ cho tôi đường tắt nối hai con đường như cái gạch ngang ở giữa chữ A.

Từ một xã hội mới phát triển sang xứ sở phát triển có lắm chuyện khác biệt làm mình bối rối. Đơn giản nhất là chuyện đi xe điện ngầm mà người Hàn gọi là subway. Đã từng đi RMT ở Singapore, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ nhưng đến subway ở Hàn chúng tôi cũng bối rối. Singapore chỉ có bốn line (tuyến đường), Thái Lan chỉ có ba line, còn ở Seoul của Hàn có đến chín line; có những trạm trung chuyển có đến ba, bốn line giao nhau, mỗi line có hai đường ray theo hai chiều ngược nhau. Hai đường ray của một line có khi cùng một tầng sàn có khi lại nằm trên hai tầng khác nhau. Chính trên những chuyến xe điện ấy tôi mới thấy được hạnh phúc của người già. Mỗi toa xe đều có bốn dãy ghế dành cho người già và người tàn tật ở hai đầu toa. Dù ngay giờ cao điểm, đông đúc đến mấy nhưng nhờ mái tóc bạc, tôi luôn được ưu tiên chỗ ngồi.

Cây cổ thụ 600 năm tuổi trong làng cổ HanDong (ở Gyeongju).
Cây cổ thụ 600 năm tuổi trong làng cổ HanDong (ở Gyeongju).

Lần từ trạm Honghik đi sân bay ICN, khách khá đông, có một cô gái trẻ ngồi vào chỗ của người già. Tôi phải đứng, vợ tôi ngồi gá trên vali, một phụ nữ Hàn ngồi bệt dưới sàn tàu đọc sách. Khi nhìn lên thấy tôi đang đứng, bà nói một tràng dài với cô gái nhưng chừng như cô ta không hiểu, bà phải ra dấu tay làm hiệu bảo cô ấy đứng dậy nhường ghế cho tôi (qua thanh âm tôi đoán có lẽ cô là người Trung Quốc). Cô gái có vẻ hậm hực nhưng rồi phải chịu. Bà liên tục ra dấu bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế trống. Phụ nữ Hàn thật hào hiệp đến bất ngờ. Lòng tử tế ở đây không phải là hành vi cá nhân mà đã hình thành từ thiết chế xã hội và là nếp sống của người Hàn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Độc đáo giếng cổ Gio An

0
Trần Bình-Mai Lĩnh Quảng Trị, vùng đất một thời đạn bom máu lửa, sau gần nửa thế kỷ chiến tranh lùi xa, ngày nay...

Đến đây diện kiến con người

0
Hạnh Phúc Công viên tượng Vigeland luôn là địa điểm thu hút du khách hàng đầu tại Oslo (Na Uy). Không phải vì trời...

Say và chết lặng ở Esfahan

0
 Nguyễn Chí Linh Tôi bị “chìm” trong biển sắc màu và chẳng muốn rời một bức họa nào trong cung điện hoàng gia Chehel Sotoun...

Lạc lõng giữa văn minh

0
 Trần Minh Thế giới bao la này đã trở nên nhỏ bé. Trái đất rộng lớn này đã trở nên chật hẹp. Trên bầu trời...

Vàng son một thời của dòng gốm cổ

0
Khâm Hảo Duyên(*) Tự ngàn xưa đã hình thành những làng gốm nổi tiếng một thời ở miền Trung, kéo dài từ Quảng Ngãi, Bình...

Thư cuối năm gửi con gái

0
BS. Phan Trung Vân Nếu đời người cũng có xuân hạ thu đông như bao năm tháng thì đây là bức thư cuối năm ba...

Kết nối