Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Chờ đêm trắng

Trần Minh –

Thời gian! thời gian làm thay đổi mọi thứ. Người ta vẫn nói nếu bạn muốn thấy sức mạnh của thời gian thì bạn hãy tìm gặp những người quen sau thời gian dài xa cách. Chính vì vậy sau 29 năm, tôi trở lại nước Nga, đứng trên cầu Dvrosovy của thành phố Saint Petersburg, nhìn sông Neva lững lờ trôi như dòng đời và hy vọng sẽ gặp lại người bạn xưa.

14__DSC04887Cầu Dvorsovy bắc qua sông Neva nửa đêm, nơi đây người dân thường đến chờ đón đêm trắng.

Tôi gắn bó với nước Nga nhiều năm thời thanh niên. Ở đây nhiều bạn bè của tôi sinh sống và đất nước này với tôi như một người bạn. Thời gian qua, tôi đã nghe nhiều người nói nước Nga “thay đổi nhiều lắm!”. Giờ trở lại mới thấy không phải hoàn toàn đúng như vậy.

Thoạt nhìn cũng có một vài điều gì đó là lạ. Cửa ngõ của nhiều chuyến bay từ Hà Nội vào Mát-xcơ-va bây giờ là sân bay Domodedovo chứ không còn Sheremetievo vốn là nơi mang đầy kỷ niệm với nhiều người Việt Nam. Đường sá có vẻ màu mè hơn với dấu hiệu của “toàn cầu hóa” qua bảng hiệu McDonald’s, H&M, Zara, Lotte…

Ở thành phố nổi tiếng Saint Petersburg nơi trước kia tôi “ngày ngày cắp sách đến trường”, du khách, tàu thuyền tấp nập hơn, các phố cổ được sơn phết lại tươi tắn hơn cùng một vài khu đô thị mới mọc rải rác ở ngoại thành.

Nhưng hàng quán, bảng hiệu, các tòa nhà mới… cũng chỉ như một tấm áo mới khoác bên ngoài. Tôi vẫn thấy hình hài hầu như nguyên vẹn của người bạn cũ. Trung tâm thương mại quốc tế Mát-xcơ-va (IBC) dù đứng sừng sững vẫn không đủ sức lấn át hình ảnh đại lộ Kalinin giữa thành phố (bây giờ được gọi là Arbat Mới). IBC càng không đủ sức lấn át ngọn lửa vĩnh cữu ngay bức tường đỏ điện Kremlin mà bên cạnh là nơi vinh danh các thành phố anh hùng trong chiến tranh vệ quốc (bây giờ được gọi là thành phố vinh quang).

Ở Saint Petersburg, ngoài cái tên mới đó thay thế cho Leningrad (thành phố Lê Nin), thì trái tim thành phố vẫn đập qua khu phố Nevski, qua quảng trường Cung điện với Bảo tàng Hermitage. Mốc son lịch sử thành phố vẫn là quảng trường Khởi nghĩa, là chiến hạm Rạng Đông dù nay có nằm lặng yên thế nào đi nữa. Nét đẹp thành phố vẫn được vẽ nên bởi những khoảng xanh bao la ở ngoại thành với cung điện Mùa Hè và đài phun nước Samson mạ vàng, với cung điện Ekaterina và tượng Pushkin ngồi nhìn xa xăm…

Tôi trở lại con đường đi học hàng ngày của nhiều năm về trước. Vẫn là chiếc xe điện ngầm cũ từ màu sơn xám cho đến chiếc ghế bọc da nâu. Con đường đi bộ dù được tráng nhựa vẫn là hàng cây bạch dương cùng những khu nhà tập thể màu gạch vàng giống hệt nối tiếp nhau. Thậm chí cái bảng tên đường tôi tin chắc rằng đã được gắn nhiều năm trước khi tôi biết nước Nga vẫn nguyên vẹn như cũ, chỉ khác nay đã khoác lên một màu hoen rỉ. Khi ngồi trên chiếc xe chạy dọc đại lộ huyết mạch Matxcovski, một người bạn đồng hành hỏi tôi: “Mấy chục năm trước con đường này vẫn thế à?”, tôi trả lời với tâm trạng không biết buồn hay vui: “Đúng vậy”.

Tôi cố gắng tìm vài nét khác biệt trong không gian này. Thật ra là có. Cái khác biệt lớn nhất với tôi là những ngôi nhà thờ. Nhà thờ Đức Mẹ Kazan ở quảng trường Đỏ được xây lại vào đầu những năm 1990 ngay khi Liên Xô sụp đổ. Nhà thờ Sergeyev Pasad ở ngoại ô Mát-xcơ-va giờ trở thành địa điểm hành hương và du lịch nổi tiếng. Nhà thờ Chúa Cứu thế tràn ngập màu sắc ở Saint Petersburg vừa mở cửa và hoạt động như một nhà thờ, bảo tàng sau mấy chục năm sửa chữa. Nhà thờ thánh Peter và thánh Paul cũng được sơn phết lại nổi bật trên đại lộ Nevski. Có cảm giác khắp nơi điều gì mới cũng liên quan đến nhà thờ và tượng thánh. Còn bảo tàng lịch sử tôn giáo và vô thần ngay giữa Saint Petersburg thì giờ đã đóng cửa. Dường như có điều gì đó không cân bằng lắm khi người ta dịch chuyển từ vô thần sang hữu thần.

Cũng như có điều gì đó không cân bằng lắm khi nhiều người nói về quá khứ và hiện tại. Nhiều người thích kể nhiều về sự kiên dè tòa nhà khổng lồ là trụ sở của Ủy ban An ninh quốc gia (KGB) trước đây, về hòn đá tưởng niệm các nạn nhân chính trị ở quảng trường Lubyanka gần đó hơn là giới thiệu về tượng đài Gagarin cao sừng sững hoặc công viên triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân Liên Xô.

Tôi đứng trên cầu Dvorsovy trong gió lạnh cuối thu. Cầu là nơi người dân thành phố hay đổ về để mừng đêm trắng, để nhìn dòng Neva chảy, cùng múa hát và hy vọng mặt trời sẽ chiếu rọi một tương lai tươi sáng trong những ngày tháng sắp đến. Còn lâu mới đến thời khắc đêm trắng nhưng tôi vẫn loay hoay cố chờ thêm ánh sáng để hy vọng biết đâu sẽ gặp lại người bạn cũ. Đã gần nửa đêm rồi nhưng trên cầu vẫn có vài người lững thững nhìn trời mây. Họ cũng trông chờ như tôi chăng? Một cô gái đôi mươi bước đến nói nhỏ với hơi thở thoảng mùi rượu: “Chúng ta đi chơi chung chứ?”.

Gương mặt cô gái giống hệt các bạn sinh viên nữ của tôi mấy chục năm trước, nhưng chắc rằng đây không phải là hình ảnh bạn tôi bây giờ. Tôi cũng không tin vài trăm ngọn đèn chiếu sáng các cung điện hai bên bờ Neva, hay cái hàng rào hiện đại mở bằng thẻ từ bao quanh khuôn viên trường học của tôi cách đó không xa là hình ảnh tiêu biểu gì cho hiện tại hay tương lai.

Đêm nay trên sông Neva gió lạnh, chỉ một vài tháng nữa ở đỉnh điểm mùa đông có khi sông sẽ biến thành băng, nhưng rồi mọi thứ sẽ tan chảy cùng với mùa xuân và mùa hè ấm áp. Vòng tuần hoàn nhịp nhàng cứ thế mà trôi qua, chính vì vậy vùng đất không xa vùng cực Bắc này vẫn là nơi con người có thể sống sung túc.

Việc trở lại nước Nga lần này càng làm tôi thêm tin vào sự cân bằng, hài hòa của tự nhiên. Khi con người cảm nhận đầy đủ những cái hay cái dở của quá khứ lẫn hiện tại thì mới có đủ sức mạnh lao nhanh về phía trước. “Nếu bạn bắn quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác”, một nhà thơ Nga đã nói vậy mà!

Bài trước
Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Tăng cường 2.000 chuyến bay đêm, giá vé ‘hạ nhiệt’ dịp...

0
(SGTT) - Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết đang mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay đêm (từ sau 21:00 giờ) trên các...

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Kết nối