Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Chị em quê lúa chơi kèn Tây

Thu Hường –

Khi khoác lên mình những bộ đồng phục màu trắng, cầu vai đen hoặc đỏ, kèn Tây đeo cổ… trông họ thật oai nghiêm, sang trọng. Ít ai biết khi trở về với đời thường họ là những phụ nữ chân lấm tay bùn. Ở vùng quê lúa thôn Quỳnh Lang, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình có đội kèn của các chị em chung đam mê và biến nó thành nghề phụ kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Khi phụ nữ đam mê thổi kèn

_nh-4Đội kèn phục vụ một buổi lễ ở nhà thờ trong vùng.

Chị Nguyễn Thị Luân – đội trưởng đội nhạc nữ thôn Quỳnh Lang bất ngờ khi được hỏi về chơi kèn, chơi nhạc. “Bọn mình ở quê làm nông, nhiều thời gian nhàn rỗi nên bàn với nhau là cần phải có một sinh hoạt văn hóa, văn nghệ với nhau cho vui. Thế rồi bọn mình tìm đến những chiếc kèn của Tây để thử chơi”. Chị kể lúc đầu chỉ tập chơi thử với ý định cho vui và từ vài người như chị Luân, không ngờ chỉ sau vài buổi tập, những người phụ nữ này đã bị chiếc kèn Tây làm cho đam mê.

Cuối năm 2010, các chị em trong thôn dần hình thành đội nhạc mà ý định ban đầu chỉ là lo việc lễ, việc hiếu hỷ của giáo dân trong thôn. Cùng thời gian này, đội kèn đã thuê được một nhạc sư từng học ở Nhạc viện Hà Nội về dạy cho chị em ba tháng. Vậy là những người phụ nữ quê lúa Thái Bình vốn chỉ quen làm ruộng, cắt may, đi phụ hồ nay lại quen với kèn trumpets, saxophone, trombone, cornet. “Lúc đầu khi tiếp xúc với chiếc kèn Tây bằng đồng xa lạ này chị em gặp nhiều khó khăn. Có khi thổi cả buổi chẳng thành nốt nhạc nào, mà nước bọt chảy đầy ra kèn. Mọi người lại nhìn nhau cười và dần dần cũng quen, chẳng còn ngại ngùng nữa, cứ nông nhàn là chị em lại lo tập kèn”, chị Luân kể lại.

Đến nay đội nhạc Quỳnh Lang thường xuyên có 24 người. Những lúc nhiều “sô” cùng diễn ra thì đội đã huy động được số nhạc công trong thôn lên đến 40 chị em. Chị Luân cho biết ở đội có những chị như Bùi Thị Nhàn, Nguyễn Thị Viên, Nguyễn Thị Lanh… tuy điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, có chị ngày ngày vẫn phải đi theo đội xây dựng làm phụ hồ, có chị đi bán rau, nhưng tối tối họ vẫn miệt mài theo đội học nhạc suốt bao năm qua.

Nhạc cụ kèn Tây rất đắt tiền, theo các chị em cho biết có loại lên tới hơn 20 triệu đồng, tính riêng giá trị các chiếc kèn của đội nhạc Quỳnh Lang hiện nay đã lên tới gần 200 triệu đồng, đó là chưa kể quần áo, mũ, giày dép đồng phục kèm theo. Chị Thanh, một thành viên đã 51 tuổi trong đội nhạc cho biết: “Năm 2012, thấy các chị em trong thôn chơi kèn tôi rất thích, về nhà bàn với ông xã chi ra 7 triệu đồng mua một chiếc kèn cornet để gia nhập đội. Rất may chồng tôi cũng thích văn nghệ nên đã ủng hộ ngay”.

Vừa giải trí, vừa kiếm tiền

_nh-2Chị Nguyễn Thị Luân giới thiệu về những chiếc kèn Tây mà mình đang sở hữu.

Đang kể chuyện về đội kèn cho mọi người, chị Luân chạy lên phòng vác xuống hai chiếc saxophone màu bạc và màu đồng to tướng. Chúng tôi thử cầm và cảm giác nặng trịch, thấy sự ngạc nhiên của khách, chị cười và cho biết: “Hai chiếc này một cái nặng 7 kg và một cái hơn 10 kg, không hề nhẹ đâu”. Vậy mà khi khách vừa bỏ kèn khỏi tay, chị đã thoắt cái đeo ngay dây lên cổ và cầm kèn trên tay nhẹ nhàng điệu nghệ.

Theo các chị em trong đội thì để chơi được những nhạc cụ phương Tây này, trước tiên người chơi cần có sức khỏe tốt, vì có nhiều lúc phải cầm nhạc cụ đứng hàng giờ. Lúc đầu chị Luân và các nhạc công khác chỉ tập trung học và chơi một số bản nhạc phục vụ việc lễ, việc hiếu hỷ trong thôn, kèm với một số bài “tủ” như Cha yêu, Tình cha, Lòng mẹ, Huyền thoại mẹ… Để thổi đúng, rồi có tiếng nhạc hay mấy bài vừa nói cũng không hề dễ dàng đối với các phụ nữ dân quê chưa hề qua trường lớp âm nhạc nào. Khoảng ba năm trở lại đây, do nhu cầu trong các đám hiếu (đám ma), lễ mừng thọ trong thôn, rồi đám cưới, tiệc tùng ở các khách sạn, nhà hàng, lễ lạt ở đình chùa trong vùng… nên đội nhạc nữ của chị Luân hoạt động vươn ra khỏi thôn, nhiều người vùng lúa Thái Bình biết tiếng tăm hơn.

Sau khi hoàn thành một “sô”, tất cả chị em đều được chia tiền công như nhau, thường mỗi chị em cũng được trên dưới 200.000 đồng. Có những tháng cao điểm như mùa cưới, các chị em tham gia đội thu nhập được 4-5 triệu đồng. Theo các chị em trong đội, nghề phụ chơi cho vui mà cho thu nhập tầm đó ở vùng nông thôn như Quỳnh Lang là khá cao. “Tôi đi làm phụ hồ, làm quần quật cả ngày cũng chỉ được cao nhất 3 triệu đồng/tháng. Từ khi chơi nhạc có tháng mang về cho gia đình hơn 5 triệu đồng, vừa đam mê vui chơi, vừa có thu nhập thêm”, chị Nguyễn Thị Viên, một thành viên trong đội nhạc nói.

Giờ đây, đội kèn Tây của phụ nữ thôn Quỳnh Lang còn nhận làm “sô” tang lễ, mừng thọ, đám cưới ở các tỉnh, thành lân cận như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định… Đội kèn đã hoạt động quy củ, có chất lượng nghệ thuật, tham gia biểu diễn ở các hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh Thái Bình.

Ông Nguyễn Văn Thoại, Trưởng thôn Quỳnh Lang cho biết: “Thôn, xã rất ủng hộ việc chị em chơi nhạc và kiếm thêm thu nhập từ nó. Ở trong thôn nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn nhưng họ say sưa học kèn, học nhạc. Họ tự bỏ tiền túi ra sắm những chiếc kèn đồng cả chục triệu đồng. Giờ thì đội hoạt động có quy mô lớn hơn, nổi tiếng vang xa ngoài thôn xã”.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

An Giang ra mắt Cổng thông tin du lịch thông minh

0
(SGTT) – Ngành du lịch tỉnh An Giang vừa cho ra mắt Cổng thông tin du lịch thông minh và ứng dụng di động...

Du khách quốc tế đến Việt Nam trong quý 1/2024 vượt...

0
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 đạt gần 1,6 triệu lượt, cao nhất kể từ đầu năm. Tính chung quý...

Nhà nước có cần giải cứu các dự án BOT giao...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại tám dự án BOT giao...

Trải nghiệm trekking, cắm trại trên đồi cỏ Phước Bình

0
(SGTT) - Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Ninh Thuận, Vườn quốc gia Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) nổi tiếng với...

Kích cầu du lịch nội địa dễ ‘mất đà’ khi vé...

0
(SGTT) - Mùa hè 2024 sắp đến, du lịch quí 1 có nhiều khởi sắc, tăng tưởng so với cùng kỳ năm ngoái, tuy...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa quốc tế với món Gaeng...

0
(SGTT) – Trong nhiều món ăn truyền thống của người dân Thái Lan, Gaeng Keow Wan Kai được nhớ đến bởi từng thớ thịt...

Kết nối