Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

CEO – nghề ngồi ghế nóng

Ngọc Oanh –

Tại các nền kinh tế phát triển, Tổng giám đốc (CEO) được coi là một nghề chuyên nghiệp nhưng ở Việt Nam, nền kinh tế mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số đông, vị trí quan trọng này thường do chủ doanh nghiệp kiêm nhiệm. Tuy nhiên, dù là một CEO chuyên nghiệp hay một CEO kiêm nhiệm thì trách nhiệm và sứ mệnh vẫn đè nặng trên vai họ, vì họ là người quyết định sự thành, bại của công ty.

Là người đứng mũi chịu sào, đại diện cho doanh nghiệp giải quyết các vấn đề về tài chính và pháp luật, các CEO bắt buộc phải đầu tư rất nhiều thời gian và nỗ lực để làm tròn vai trò của mình.

Lương cao, trách nhiệm cũng cao

ceo-01

Theo cuộc khảo sát mà Standard & Poor (S&P) thực hiện với các CEO trong danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới trong năm vừa qua, thời gian bình quân của một nhân sự bình thường để thăng tiến thành một CEO là 16 năm. Nhưng trên thực tế, theo lời chia sẻ của các cựu lãnh đạo doanh nghiệp, thời gian tôi luyện nên một CEO giỏi là không có giới hạn. Con số hơn 10 năm học hỏi và rèn giũa chỉ là để một người có thể hiểu và thực hành những công việc để trở thành một CEO mà thôi.

Theo bản báo cáo về tình hình thực hiện quy định về quản lý tiền lương từ năm 2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mức lương cơ bản tối đa của chủ tịch tập đoàn kinh tế (tổ chức, đơn vị nhà nước) là 36 triệu đồng/tháng. Hệ số điều chỉnh tăng thêm gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nhưng tối đa từ 0,5 lên 1 lần mức lương cơ bản áp dụng đối với doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động có hiệu quả. Như vậy, theo quy định, chủ tịch tập đoàn kinh tế có thể đạt mức lương cơ bản tối đa là 72 triệu đồng/tháng.

Các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch được hưởng thêm tiền lương theo nguyên tắc cứ tăng 1% lợi nhuận so với kế hoạch thì được bổ sung 1% tiền lương, nhưng tối đa không quá 20% tiền lương kế hoạch. Nếu đạt đủ điều kiện này, chủ tịch tập đoàn kinh tế có thể đạt mức lương tối đa là 86,4 triệu đồng/tháng. Còn theo các cuộc thống kê về lương mà Adecco, JobStreet.vn thực hiện trong năm 2016 vừa qua cho thấy CEO ngành ngân hàng có lương rất cao so với mặt bằng lương chung của xã hội, khoảng 4,8-7 tỉ đồng/năm, lương của CEO khách sạn ở mức 210-320 triệu đồng/tháng.

Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, CEO được cho là nghề đem về thu nhập cao, bên cạnh một số nghề có mức lương hấp dẫn như kỹ sư công nghệ thông tin, phi công, tiếp viên hàng không. Tuy nhiên, nghề làm sếp không chỉ có lương cao và những điều vinh quang như nhiều người vẫn nghĩ.

Theo các chuyên gia nhân sự, áp lực đầu tiên của các CEO đó là việc nâng cao kiến thức, kinh nghiệm để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng gia tăng về mặt số lượng lẫn chất lượng mà chiếc “ghế nóng” mang lại. Ngoài việc được đào tạo một cách bài bản và chuyên nghiệp, đa phần các CEO phải có ý chí cầu tiến trong việc vừa học vừa làm, chấp nhận trả giá đắt cho những bài học kinh nghiệm. Học kỹ năng mềm về đối nội, đối ngoại thôi chưa đủ, các CEO còn phải tự học cách thích nghi với môi trường bên ngoài, bao gồm cả môi trường kinh doanh nơi mỗi địa phương, khu vực khác nhau.

Ở một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nơi nhiều doanh nghiệp đang vận hành theo mô hình “công ty gia đình”, nhiều CEO còn phải chịu áp lực đến từ việc không được toàn quyền thực hiện chức năng của mình mà thường phải chịu sự chi phối từ nhiều ý kiến chủ quan của một vài thành viên “quan trọng” trong Hội đồng quản trị (HĐQT) – vốn là thành viên trong gia đình hoặc có mối quan hệ thân thiết với người chủ doanh nghiệp.

Tại FPT, một công ty công nghệ có quy mô lớn nhất ở Việt Nam (về vốn hóa thị trường và nhân sự), từ giữa năm 2009, nhằm trẻ hóa ban lãnh đạo và tránh tình trạng tập trung quyền lực khi ông Trương Gia Bình vừa là Chủ tịch HĐQT vừa là Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị FPT đã bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Nam vào vị trí Tổng giám đốc – thay chỗ mà ông Trương Gia Bình đã ngồi trong suốt 20 năm trước đó. Ở cương vị người điều hành cỗ máy FPT được hai năm, ông Nam xin từ nhiệm. Sau đó, HĐQT FPT đã bổ nhiệm ông Trương Đình Anh, một thành viên có tuổi đời ngoài 40, vào vị trí này. Thế nhưng, ông Anh cũng chỉ ngồi trên chiếc “ghế nóng” này được hai năm, và xin từ nhiệm với lý do có những điểm khác biệt trong việc hoạch định chiến lược và phương thức điều hành giữa ông và HĐQT.

Thiếu thốn thời gian, sức khỏe

Theo lời chia sẻ của một chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm về tuyển dụng nhân sự tại TPHCM, mức lương tháng hầu hết các doanh nghiệp trả cho các CEO không bao giờ dưới tám con số. Và trên thực tế, rất nhiều CEO đang lãnh lương chín con số. Bên cạnh lương, nhiều CEO giỏi còn được hưởng vô vàn quyền lợi đồng hành cùng hợp đồng đầu quân cho doanh nghiệp như quyền sở hữu nhà đất, cổ phần trong công ty, những chế độ đãi ngộ đặc biệt về chăm sóc sức khỏe, giáo dục… cho bản thân và gia đình. Nhưng vấn đề lớn nhất các CEO gặp phải lại chính là khoảng thời gian hiếm hoi trong ngày, thậm chí trong tháng để tận hưởng những lợi lộc ấy. Bên cạnh đó là sự hy sinh về sức khỏe, tuổi trẻ và cuộc sống riêng tư cho những nhiệm vụ đầy tính thách thức.

Ban lãnh đạo cấp cao nhất của Tập đoàn FPT hiện đều là những người đã nhiều tuổi. Hội đồng quản trị của FPT có bảy thành viên, trong đó có những người đã trên 50 tuổi, chạm ngưỡng 60 hoặc thậm chí trên 70 và có thể xếp vào hàng “lão thần” tại công ty. Khi nói về việc chuyển giao quyền lực ở FPT, sau khi hai người thay thế đã từ nhiệm trong khoảng thời gian ngắn ngủi, ông Trương Gia Bình cho biết HĐQT sẽ thay đổi quan điểm về việc tìm kiếm và phát triển thế hệ lãnh đạo kế tiếp, nhằm bảo đảm sự trường tồn của tập đoàn. Cũng theo ông Bình, việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở FPT là một việc hết sức khó khăn.

Tương tự như FPT, trong 23 năm qua vai trò dẫn dắt tập đoàn công nghệ CMC thuộc về ông Hà Thế Minh, Chủ tịch HĐQT, và ông Nguyễn Trung Chính – Tổng giám đốc. Hai ông này cũng là cổ đông sáng lập và sở hữu cổ phần lớn tại CMC. Vào tháng 6 năm ngoái, ông Hà Thế Minh sau khi lâm bệnh nặng đã qua đời.  Sau đó, ông Nguyễn Trung Chính đảm nhiệm cả hai vai trò, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc. Ông Chính cũng là người đại diện của tập đoàn trước báo giới. Trong nhiều sự kiện quan trọng của CMC, người ta ít khi thấy sự xuất hiện của các vị phó tổng giám đốc và những nhà quản lý trẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Học nấu món miền Tây bên dòng sông Tiền

0
(SGTT) - Nằm êm đềm bên dòng sông Tiền, du khách đến Mekong Riverside Boutique Resort & Spa (thành viên Sáng kiến Điểm đến...

Ngắm tulip nở rộ tại vườn hoa lớn nhất thế giới

0
(SGTT) – Vườn hoa tulip lớn nhất thế giới Keukenhof (Hà Lan) đang thu hút đông đảo du khách ghé thăm nhờ hàng triệu...

Kết nối