Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Cá tra “dính lưới” vì kháng sinh

 Mới đây, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) dẫn nguồn tin từ hệ thống cảnh báo nhanh (RASFF) của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đã có 11 lô hàng cá tra Việt Nam bị phát hiện dư lượng kháng sinh cấm. Ngay sau đó, cá tra của Việt Nam cũng gặp điều tương tự ở thị trường Hàn Quốc.

Tin vào người nuôi

Đối với 11 lô hàng cá tra của Việt Nam vào thị trường châu Âu đã bị trả về nhưng các cơ quan chức năng EU chưa đưa ra tỷ lệ kiểm tra cho những lô hàng sắp tới. Tuy nhiên, đối với thị trường Hàn Quốc, Cơ quan Quản lý chất lượng thủy sản của nước này đã ấn định luôn tần suất kiểm tra là 3% đối với tổng số lô hàng của từng nhà nhập khẩu. Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), đây là một tin không vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam.

Nitrofuran và những hợp chất có chất này thực chất là một loại kháng sinh trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn. Nói về dư lượng chất kháng sinh cấm có trong các lô hàng cá tra bị trả về, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, cho biết các cơ quan quản lý thủy sản của Việt Nam cũng cấm dùng chất này trong nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng, có thể do thời gian qua, người nuôi cá tra sử dụng lén lút hoặc khi được các nhân viên tư vấn giới thiệu những sản phẩm thuốc thủy sản có chứa chất Nitrofuran để chữa bệnh cho cá mà không hay biết. “Theo tôi, số lượng hộ dân sử dụng những sản phẩm có chất kháng sinh cấm như Nitrofuran không nhiều nhưng việc bị EU và Hàn Quốc cảnh báo là một điều đáng lo cho doanh nghiệp vốn chỉ mua cá về chế biến xuất khẩu chứ không nuôi cá”, ông Hòe nói.

Khoảng 70% diện tích vùng nuôi cá tra thuộc các doanh nghiệp quản lý trực tiếp, 30% còn lại là do các hộ dân nuôi. Ảnh: Trung Chánh
Khoảng 70% diện tích vùng nuôi cá tra thuộc các doanh nghiệp quản lý trực tiếp, 30% còn lại là do các hộ dân nuôi. Ảnh: Trung Chánh

Ngay sau khi nhận được thông báo từ Nafiqad về việc 11 lô hàng cá tra của Việt Nam bị EC cảnh báo về dư lượng chất kháng sinh cấm, ông V.Đ., giám đốc một doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản ở khu vực ĐBSCL tạm hoãn một số kế hoạch đã lên từ tuần trước, mở ngay những cuộc họp với các bộ phận liên quan để đưa ra những biện pháp kiểm tra hàng hóa đang sản xuất, từ nguyên liệu đến thành phẩm.

Theo lời ông Đ., cuộc họp kéo dài từ 2 giờ chiều đến 8 giờ đêm cùng ngày và mọi ý kiến, chỉ đạo đều liên quan đến chất lượng sản phẩm. Cuối cùng, phương án được xem hiệu quả nhất là xem lại danh sách các loại thuốc thủy sản mà hộ nuôi cá đã sử dụng thông qua sổ ghi chép của người nuôi. Điều đó, đối với ông Đ., là chủ yếu dựa vào niềm tin vì nếu người dân ghi chép không đầy đủ thì cũng khó lòng biết chính xác. “Chúng tôi mua cá tra của nông dân để về chế biến xuất khẩu chứ chưa tự nuôi. Do đó, việc kiểm tra danh sách những loại thuốc thủy sản nông dân đang dùng là cách để giúp doanh nghiệp tránh bị trả hàng về”, ông nói.

Lo mất thị trường

Theo thống kê từ Vasep, thị trường EU là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam nhưng những tháng qua kim ngạch xuất khẩu sang đây đã chững lại. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tám tháng đầu năm 2014, tuy thị trường EU chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang EU của Việt Nam với 236 triệu đô la Mỹ, nhưng so với cùng kỳ năm 2013 lại giảm 7,3% giá trị. Giá cá tra phi lê xuất khẩu chỉ ở mức trung bình 1,7 euro/kg, (một euro tương đương gần 27.000 đồng) trong khi giá của năm 2013 là hơn 2 euro/kg.

Ông Trương Đình Hòe giải thích rằng giá cá tra xuất sang EU giảm là do các doanh nghiệp làm theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu, theo hướng nhiều sản phẩm khác nhau với mức giá khác nhau cho người tiêu dùng lựa chọn. “Việc giá xuất khẩu giảm không ảnh hưởng gì đến chất lượng sản phẩm cá tra phi lê mà do các nhà nhập khẩu đa dạng hóa sản phẩm để hướng đến những phân khúc thị trường khác nhau”, ông Hòe nói.

Theo các doanh nghiệp, với thông tin cá tra bị cảnh báo dư lượng chất kháng sinh cấm như nói ở trên thì kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp không chủ động được nguồn nguyên liệu, tức là phải mua từ người nông dân để chế biến xuất khẩu mới gặp tình huống khó xử này, còn đối với những doanh nghiệp chủ động được nguồn cá tra nguyên liệu do có vùng nuôi thì thường kiểm soát được các loại kháng sinh cấm.

Theo Vasep, tính đến hết tháng 10-2014, tổng diện tích nuôi cá tra của Việt Nam là 7.000 ha. Trong đó, khoảng 70% diện tích thuộc quản lý trực tiếp từ các doanh nghiệp nuôi và chế biến xuất khẩu, 30% còn lại là do các hộ dân nuôi. Với những trường hợp doanh nghiệp chưa có vùng nuôi riêng mà phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp cá tra nguyên liệu từ nông dân như trường hợp doanh nhiệp mà ông V.Đ. đang làm giám đốc, họ chỉ còn cách kiểm tra danh mục thuốc thủy sản mà người nuôi cá đang sử dụng trước khi ký hợp đồng mua cá nguyên liệu.

Ngọc Hùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tuần hàng cá tra và đặc sản Đồng Tháp tại Hà...

0
(SGTT) - “Tuần hàng cá tra và đặc sản Đồng Tháp tại Hà Nội” sẽ được tổ chức từ ngày 9 đến ngày 11-10-2020...

Cá tra đồng bằng “đấu” cá thanh châu Âu

0
Huỳnh Kim Sản phẩm cá tra ở ĐBSCL, tới cuối năm 2014, với tên Pangasius, đã được xuất khẩu đến 151 quốc gia và vùng...

Tìm cách cứu ngành cá tra

0
Trung Chánh Sau giai đoạn phát triển mạnh, ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã bộc lộ nhiều...

Loay hoay với chất lượng cá tra xuất khẩu

0
Trung Chánh Những người trong cuộc cho rằng việc lùi thời gian áp dụng quy định về tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm trong...

Doanh nghiệp chưa muốn áp dụng

0
Lấy lý do nhu cầu thấp và đối tác chưa chấp nhận nâng giá mua, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra vẫn chưa...

Tìm cách gia tăng giá trị cá tra

0
Một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra đang chuyển hướng, đầu tư vào công nghệ để gia tăng...

Kết nối