Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Buộc kinh doanh trên mạng phải sòng phẳng

Xuân Phương-Minh Anh –

Việc đánh thuế hoạt động kinh doanh trên mạng đang là một đề tài nóng, không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Tại Mỹ, một số thượng nghị sĩ vừa hoàn tất việc chỉnh sửa dự luật mang tên “Marketplace Fairness Act of 2017”. Dự luật này được cho là sẽ mở đường cho các chính quyền địa phương được thu thuế người kinh doanh trên mạng theo tinh thần một đạo luật đã được Thượng viện Mỹ thông qua năm 2013.

Chuyện của thế giới

189

Dự luật “Marketplace Fairness Act of 2017” nhắm đến việc cho phép các chính quyền địa phương được quyền tính thuế, thu thuế và sử dụng tiền thuế từ các hoạt động kinh doanh trên mạng Internet. Trên tờ The Economist, các nhà phân tích cho rằng đây là một bước tiến mới nhằm định hình một thị trường kinh doanh trên mạng có trách nhiệm, sòng phẳng, quy củ như những gì đang áp dụng cho các siêu thị, cửa hàng hay cửa hiệu trong thực tế.

Theo những người soạn thảo “Marketplace Fairness Act of 2017”, nền kinh tế Mỹ mỗi năm bị thất thu thuế từ các hoạt động kinh doanh trên mạng lên đến 26 tỉ đô la Mỹ. Trong bản dự luật, Thượng nghị sĩ Enzi cho rằng hàng ngàn doanh nghiệp kinh doanh thực thể đang chịu bất công vì họ phải đóng thuế, còn những công ty bán hàng trên mạng thì không.

“Marketplace Fairness Act of 2017 đưa ra các biện pháp giúp cho các doanh nghiệp nhỏ, vốn là nơi tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội, các công cụ hữu hiệu để cạnh tranh thành công,” Thượng nghị sĩ Durbin nói.

Trao đổi với báo giới, Thượng nghị sĩ bang Tennessee, ông Alexander tin tưởng rằng Thượng viện sẽ thông qua dự luật mới này với phiếu thuận cao hơn cả lúc thông qua đạo luật năm 2013. “Marketplace Fairness Act of 2017 nhắm đến sự công bằng và tính trung thực trong môi trường kinh doanh trên Internet, và ở đó chỉ có chính quyền địa phương ra quyết định thu thuế hay không thu thuế đối với những khoản thuế đã được luật định cho bang mình”.

Kinh doanh trên mạng mỗi ngày một phổ biến. Nhưng trong khi các hiệu buôn và cửa hàng phải đóng thuế kinh doanh tại nơi họ đặt cơ sở thì nhiều công ty thương mại điện tử hoạt động như những nhà buôn trên các thị trường mạng (marketplace) cũng như các cá thể bán hàng với doanh số lớn trên mạng xã hội lại không phải đóng thuế kinh doanh, không muốn bị tính thuế thu nhập hay thuế giá trị gia tăng đối với món hàng họ bán ra. Đây hẳn là một sự bất công đối với cả người bán và người mua mà nay các chính phủ đang tìm cách giải quyết.

Trên thực tế, tại các thị trường mạng ở châu Âu, người bán đã thu thuế giá trị gia tăng (VAT) trên các mặt hàng và nộp lại cho nhà nước, nhưng ở nhiều nước như Mỹ thì việc tính thuế dựa trên doanh số của người bán chứ không phải trên VAT. Điều này gây nên khó khăn cho việc tính thuế và cả việc tính thuế cho chủ thể nào khi thương mại điện tử vươn ra khỏi các ranh giới quốc gia.

Ông Robert Tsang, người đứng đầu bộ phận thuế gián tiếp tại Đông Nam Á của công ty nghiên cứu Deloitte, nói với Bloomberg rằng ngày càng nhiều các dịch vụ được chuyển lên mạng, và vì thế Nhật Bản cũng như Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác, từ Úc, New Zealand đến Malaysia đã bắt đầu áp đặt thuế lên các thị trường mạng.

Người ta nghĩ rằng rồi đây hầu hết các nước sẽ áp đặt thuế lên các hàng hóa và dịch vụ cung cấp qua mạng, và một vấn đề nổi lên là làm sao kết nối hai hệ thống tính thuế dựa trên doanh số bán ra của một công ty với thuế đánh vào người tiêu dùng dưới dạng giá trị gia tăng (VAT) được áp dụng phổ biến trên 140 quốc gia, bao gồm cả châu Âu và một số nước châu Á. Và đây sẽ là một bài toán nan giải để cho nền thương mại quốc tế cũng như từng quốc gia trở nên lành mạnh dựa trên nền tảng cạnh tranh trung thực và bình đẳng.

Và chuyện ở Việt Nam

Cách đây hai tháng, khi Hà Nội và TPHCM đưa ra chủ trương rà soát việc thu thuế với người kinh doanh trên mạng xã hội, đã có nhiều ý kiến ủng hộ từ giới phân tích kinh tế và giới luật gia, nhưng vấn đề họ băn khoăn là làm sao thực hiện được chủ trương này.

Vào trung tuần tháng 6, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã gửi tin nhắn SMS tới 13.422 chủ tài khoản Facebook để hướng dẫn việc truy cập trang thông tin của cơ quan thuế (http://hanoi.gdt.gov.vn) để tiến hành kê khai. Những người nhận được tin nhắn được cho là những chủ tài khoản đã có các hoạt động quảng cáo và bán hàng qua mạng trên địa bàn thành phố.

Trong khi đó tại TPHCM, bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết trong 12.400 tài khoản kinh doanh trên mạng xã hội chưa đăng ký thuế, mới chỉ có 1.206 chủ tài khoản đến làm việc với cơ quan thuế sau khi được cơ quan này gửi thư mời.

Tổng hợp sơ bộ từ báo cáo của 16/24 chi cục thuế tính đến ngày 19-7 vừa qua, trong số 13.500 tài khoản có hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, cơ quan thuế đã sàng lọc và thấy chỉ có 910 tài khoản đã đăng ký thuế, đã có kê khai, nộp thuế; còn 12.400 tài khoản chưa đăng ký thuế.

[box type=”download”] Theo Cục thuế TPHCM, những cá nhân kinh doanh có doanh thu từ việc bán hàng hóa, dịch vụ qua mạng Internet, mạng xã hội nếu có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm sẽ có nghĩa vụ đăng ký, khai nộp thuế. Theo đó, những người kinh doanh bằng hình thức thương mại điện tử này sẽ phải đóng các loại thuế, phí như: lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường.[/box]

Theo văn bản chỉ đạo chống thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử trên địa bàn được UBND TPHCM ban hành hồi tháng 5-2017, đây là những chủ tài khoản mà cơ quan thuế phải mời lên làm việc. Để có thể tiếp xúc trực tiếp với những chủ tài khoản này, Cục Thuế TPHCM đã gửi tin nhắn SMS thông báo cho 11.000 chủ tài khoản, trang web; các chi cục thuế đã gửi thư mời tới 5.300 địa chỉ cụ thể.

Tuy nhiên, số người đại diện cho các tổ chức cá nhân là chủ tài khoản đến làm việc chỉ có 1.206 người, chiếm chưa đến 10% tổng số tài khoản kinh doanh trên mạng xã hội chưa đăng ký thuế.

Kết quả trên được nhìn nhận là còn khá khiêm tốn nhưng theo các vị lãnh đạo ngành thuế, mục tiêu của ngành trước mắt chưa phải là con số thuế thu được bao nhiêu, mà quan trọng hơn là giúp nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về nghĩa vụ thuế. Và ngành thuế cũng xác định rằng kết quả từ việc thu thuế người kinh doanh trên mạng không thể đạt được trong ngày một ngày hai mà là cả một chặng đường dài.

Trên thực tế, ở các nước phát triển, việc quản lý thuế với các hoạt động kinh doanh cá nhân cũng phải dựa vào những lời kê khai của chính các chủ thể này. Tức là, trước hết phải dựa vào sự tự giác của chính người kinh doanh, dù là trong môi trường thực tế hay môi trường mạng. Và ở những nền kinh tế phát triển này, khi người kinh doanh không tự giác sẽ bị phạt nặng khi bị phát hiện. Điều này cũng góp phần thúc đẩy tinh thần tự giác nơi công dân, doanh nghiệp đối với nghĩa vụ thuế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Du lịch Quảng Nam ‘khơi chuyện’ để tiếp cận du khách...

0
(SGTT) - Bước vào mùa Hè cũng là cao điểm của mùa du lịch, việc tung ra các gói kích cầu đúng thời điểm...

Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu lao động sang Canada

0
(SGTT) - Công an thành phố Hà Nội cho biết thời gian qua phát hiện một số quảng cáo được đăng tải trên các...

Mẹ rùa Malaysia vượt biển đến Côn Đảo đẻ trứng

0
(SGTT) - Ngày 22-4, một rùa mẹ đeo thẻ quốc gia Malaysia đã bơi vào bãi Cát Lớn tại hòn Bảy Cạnh, thuộc Vườn...

Ngắm phố Huế mùa hoa điệp vàng nở rộ

0
(SGTT) - Những ngày tháng Tư, hoa điệp vàng lại bung nở trên những con đường, góc phố ở xứ Huế mộng mơ. Rực...

Hai nút giao trên cao tốc Mai Sơn – quốc lộ...

0
(SGTT) - Hai nút giao Thiệu Giang và Đồng Thắng thuộc cao tốc Mai Sơn – quốc lộ 45 tạm dừng hoạt động chỉ...

Không được từ chối đăng kiểm xe đã đặt lịch hẹn...

0
(SGTT) – Cục Đăng kiểm yêu cầu trung tâm đăng kiểm không được từ chối tiếp nhận kiểm định xe đã đặt lịch thành...

Kết nối